VNPT, VinBigdata đang hình thành các trợ lý AI "Make in Viet Nam" chuyên biệt

23/11/2023, 11:00

Nghiên cứu của McKinsey năm 2023 chỉ ra rằng AI tạo sinh đóng góp từ 2,6 - 4,4 nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu hàng năm. Việt Nam cũng đang có những sản phẩm trợ lý AI chuyên biệt, thúc đẩy không gian kinh tế số.

AI tạo sinh đóng góp từ 2,6 - 4,4 nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu hàng năm

TS. Lê Thái Hưng, Giám đốc Chiến lược VNPT AI chia sẻ tại hội thảo Internet Day 2023, cho rằng Internet ra đời đã cho cái chúng ta những cách thức tiếp cận thông tin nhiều hơn, đa dạng hơn, đa chiều hơn.

internet2.png
TS. Lê Thái Hưng: "VNPT sẵn sàng đầu tư dài hạn, liên tục vào AI"

Theo thống kê của một nghiên cứu gần đây, hơn 5,3 tỉ người dùng trên thế giới đã tiếp cận Internet, chiếm khoảng 67% tổng dân số thế giới. Trong số này, mỗi người sử dụng Internet ít nhất hơn 6 tiếng 41 phút/ngày. Ngoài ra, cũng theo một nghiên cứu phát hành tháng 6/2023, chúng ta sử dụng nhiều nhất là Google với 84,6 tỉ lượt truy cập, tiếp theo đó là Youtube và Facebook.

Điều đó chứng tỏ hoạt động chính của người dùng Internet là trao đổi và tìm kiếm thông tin. Chính vì vậy, lượng thông tin chúng ta tiếp nhận hằng ngày rất lớn, chúng ta phải xử lý rất nhiều thông tin", TS. Lê Thái Hưng trao đổi.

TS. Lê Thái Hưng dẫn một ví dụ đơn giản là tìm kiếm về sự kiện Internet Day hôm nay trên mạng Internet sẽ có đến hơn 33 triệu kết quả. Để đọc hết 33 triệu kết quả tôi nghĩ sẽ mất hàng năm trời, thậm chí cả đời chưa hết. Trong khi đó, chúng ta lại có rất nhiều ứng dụng, rất nhiều những công việc cần xử lý. Và để ra được một quyết định chính xác và hiệu quả, chúng ta phải tính đến rất nhiều thứ, nào là sản phẩm, đối tác, sản phẩm của đối thủ, các thông tin về chính sách, nghị định, thông tư của Nhà nước. Và như vậy, ra quyết định chính xác trong một khoảng thời gian ngắn thực sự là một thách thức.

TS. Lê Thái Hưng nói và cho rằng AI ra đời là để hỗ trợ người dùng có thể xử lý công việc hiệu quả và hơn nữa nó có thể mang lại những trải nghiệm mới cho người dùng.

Trong trình bày của mình, TS. Lê Thái Hưng cho biết theo thống kê, hơn 88% người dùng trên Internet đã tương tác với chatbot ít nhất một lần trong năm 2022 và hơn 80% câu hỏi có thể được trả lời bằng bot. Và theo Statista, 74% khách hàng thích được chat với chatbot hơn là với các dịch vụ do con người trả lời.

Điều đó, theo TS. Lê Thái Hưng, chatbot hoàn toàn có thể tự động trả lời những câu hỏi và những tác vụ đơn giản, không cần sự hỗ trợ con người. Đặc biệt, chatbot có thể hoạt động và trả lời 24/7. Dự báo, doanh thu thị thường chatbot sắp tới sẽ tăng và đạt ngưỡng hơn 450 triệu USD vào năm 2027 và tới năm 2030 thì đạt đến 3,6 tỷ USD.

AI tạo sinh đã bắt đầu được ứng dụng trong rất nhiều các lĩnh vực. Theo TS. Nguyễn Kim Anh, CPO VinBigdata, nghiên cứu của McKinsey năm 2023 chỉ ra rằng AI tạo sinh đóng góp từ 2,6 - 4,4 nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu hàng năm. Và trong số các ngành, lĩnh vực, AI tạo sinh mang lai doanh thu nhiều nhất cho ngành công nghệ thông tin.

Cụ thể, tỷ trọng AI đóng góp cho ngành công nghệ cao lên tới 240 - 460 tỉ USD hàng năm. Ngoài ra, AI cũng đóng góp lớn cho các ngành nghề, lĩnh vực liên quan ngân hàng, bán lẻ, dược phẩm, giáo dục, du lịch, logistics....

internet3.png
AI tạo sinh đóng góp từ 2,6 - 4,4 nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu hàng năm, trong đó lớn nhất là ngành công nghệ cao.

Hầu như các quốc gia lớn trên thế giới từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore đến Hoa Kỳ và các nước châu Âu đều đang có những chương trình, chiến lược phát triển AI cụ thể. TS. Nguyễn Kim Anh chia sẻ chính phủ Singapore đầu tư khoảng 4 tỉ USD cho chương trình AI trong giáo dục, được triển khai ở các trường đại học Singapore.

Việt Nam cần làm gì để làm chủ AI tạo sinh?

Theo TS. Nguyễn Kim Anh, Việt Nam cũng đang có những động thái nhằm ứng dụng và làm chủ AI tạo sinh. Theo đó, về cấp độ quốc gia, chính phủ Việt Nam đang chủ động kiểm soát nội dung, tránh thông tin sai lệch, đảm bảo an toàn cho dữ liệu quốc gia, đưa công nghệ Việt vươn tầm thế giới.

Về mặt xã hội, Việt Nam cũng đang hướng tới ứng dụng AI tạo sinh để cung cấp thông tin đặc trưng và đặc thù của người Việt, lưu giữ bản sắc văn hóa Việt với thông tin chính xác, uy tín và đầy đủ nhất. Trong khi đó, ở cấp độ DN, các DN đang nỗ lực tự chủ công nghệ lõi Al tạo sinh, thúc đẩy kinh doanh và vận hành, đảm bảo an toàn dữ liệu.

Tuy vậy, lãnh đạo của VinBigdata cũng chỉ ra một số vấn đề khi triển khai AI tạo sinh, như tính chính xác (nguy cơ sai lệch thông tin, thiên kiến, kiểm soát thông tin); rủi ro về bảo mật/an toàn dữ liệu; tính phù hợp (phù hợp về mặt thị trường, tính bản địa, với thực trạng của DN); và trở ngại về chi phí triển khai.

Tương tự như vậy, TS. Lê Thái Hưng của VNPT cũng cho rằng các sản phẩm trợ lý AI trên thế giới vẫn có một số vấn đề gây lo ngại về mức độ chính xác và tính bảo mật dữ liệu. Bên cạnh đó, các sản phẩm của nước ngoài còn gặp vấn đề liên quan đến mức độ cập nhật dữ liệu không thường xuyên, ví dụ như ChatGPT phiên bản 3.5 chỉ dừng lại ở các dữ liệu năm 2021.

Vì vậy, các DN Việt lớn như VNPT hay VinBigdata đang tự mình nghiên cứu và phát triển các mô hình AI chuyên biệt. Theo đại diện VNPT, VNPT có thể phát triển các trợ lý AI theo hướng chuyên biệt cho một lĩnh vực, một nghiệp vụ cụ thể để hỗ trợ người Việt tốt hơn, thúc đẩy mọi mặt cho xã hội số, không gian số.

VNPT có sự tự tin đến từ các trụ cột như con người, hạ tầng tính toán dữ liệu và chiến lược. VNPT sẵn sàng đầu tư dài hạn, liên tục vào AI và cũng có những hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện. Đó là những nguồn cấp dữ liệu "rất sạch" để kết hợp cùng với các luồng dữ liệu trên Internet cho trợ lý AI chất lượng”, ông Lê Thái Hưng nói.

Các sản phẩm trợ lý AI "Make in Viet Nam"

Hiện nay, VNPT đã phát triển một số sản phẩm như trợ lý AI lắng nghe mạng xã hội giúp con người tổng hợp và phân tích thông tin xu hướng trên không gian, được triển khai thực tế cho hơn 50 tỉnh, thành phố. Tiếp theo là trợ lý chăm sóc khách hàng (CSKH) và người dân, hỗ trợ tìm kiếm thông tin nhanh chóng và chính xác 24/7.

VNPT cũng phát triển trợ lý định danh và xác thực điện tử rất thành công, giúp thúc đẩy giao dịch tài chính nhanh chóng và an toàn trên môi trường số. Ngoài ra, trợ lý AI giám sát giao thông đã hỗ trợ các cơ quan chính quyền quản lý các công tác liên quan đến giao thông trên không gian số, sản phẩm cũng đã triển khai ở hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước.

giam-sat-giao-thong-vnpt.png

“Các trợ lý AI của VNPT đã được khách hàng uy tín tin dùng, cho đến thời điểm hiện tại có hơn 1,2 tỷ yêu cầu đến hệ thống, trong đó riêng yêu cầu xác thực và định danh điện tử là 955 triệu lượt yêu cầu. Con số này cực kỳ lớn so với quy mô dân số khoảng một trăm triệu dân ở Việt Nam”, đại diện VNPT chia sẻ.

Về phần mình, VinBigdata có hệ sinh thái sản phẩm Vinbase. Hệ sinh thái này gồm các sản phẩm dựa trên công nghệ xử lý ngôn ngữ và tiếng nói như chatbot, callbot, trợ lý ảo, và giao diện API cho phép DN dễ dàng thiết kế sản phẩm của riêng mình.

vinbase.jpeg

VinBase Chatbot hỗ trợ DN nhận biết chính xác ý định của khách hàng; tự động gửi thông tin phù hợp với nhu cầu của khách hàng; ghi nhớ lịch sử tìm kiếm và đưa ra gợi ý theo sở thích của khách hàng; phân tích phản hồi và hành vi của khách hàng để cải thiện việc CSKH.

Sản phẩm này còn có khả năng trao đổi với khách hàng theo ngữ cảnh, xử lý được cùng lúc hơn 10.000 yêu cầu, với tốc độ phản hồi dưới 1 giây. VinBase Chatbot cũng thừa hưởng kinh nghiệm xây dựng kịch bản cho nhiều ngành nghề trong hệ sinh thái Vingroup như công nghiệp ô tô, du lịch, bất động sản, y tế.

Trợ lý ảo VinBase tên gọi ViVi là một trợ lý ảo dành riêng cho người Việt trong các tác vụ điều khiển xe thông minh, điều khiển nhà thông minh, chuyển khoản bằng giọng nói, tìm kiếm cây ATM gần nhất, đặt lịch và cung cấp thông tin du lịch nghỉ dưỡng, cung cấp thông tin tiện ích tại khu đô thị thông minh.

ViVi có khả năng tương tác tự nhiên thông qua giọng nói, hỗ trợ xử lý nhiều tác vụ và câu hỏi phức tạp, hiểu sở thích của khách hàng dựa trên lịch sử tương tác để đưa ra những đề xuất phù hợp. Với nguồn dữ liệu lên tới hơn 30.000 giờ giọng nói đặc trưng của người Việt, ViVi hiểu được tiếng Việt bất kể vùng miền. Theo VinBigData, độ chính xác của ViVi trong các câu trả lời với nhiều chủ đề khác nhau đạt 80%.

VinBase được phát triển từ hàng chục triệu mẫu dữ liệu giọng nói và liên tục được làm giàu hằng giờ, cùng các công nghệ AI tiên tiến. Theo TS. Nguyễn Kim Anh, nền tảng Vinbase 2.0 sẽ được ra mắt vào cuối năm nay với những nâng cấp mới.

Trong khi đó, TS. Lê Thái Hưng cho biết VNPT đang hướng đến một tương lai mà mỗi nhân sự, mỗi giáo viên, mỗi nhà báo hay mỗi người trong chúng ta đều có một trợ lý ảo để hỗ trợ tìm kiếm, nhắc nhở và xử lý thông tin.

VNPT mong muốn tạo ra hàng nghìn trợ lý ảo, các trợ lý AI chuyên biệt trên môi trường số được triển khai dưới dạng dịch vụ để phục vụ tất cả các nhu cầu của cơ quan, DN và người dân Việt Nam”, Giám đốc Chiến lược VNPT AI cho biết./.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO