Vĩnh Phúc ứng dụng CNTT hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính cho DTTS

T.H | 05/11/2021, 08:49

Những năm gần đây, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) ở các xã miền núi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chuyển biến tích cực, tạo niềm tin đối với người dân và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây.

Đẩy mạnh phát triển, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật

Trong nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, Vĩnh Phúc đã đề ra mục tiêu quan trọng là xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh phát triển, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước với 80% các hệ thống thông tin của địa phương liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác, kết nối liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.

Đồng thời, phấn đấu để thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, không phải cung cấp lại; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt tỷ lệ tối thiểu tương ứng là 30%, 20%, 15%. Nhân rộng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đến UBND cấp tỉnh, cấp huyện: 100% cấp tỉnh, 80% cấp huyện thực hiện họp thông qua hệ thống này đối với các cuộc họp của UBND.

Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia và các Bộ, ngành Trung ương theo quy định. 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt trên các hệ thống tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Thực hiện thanh toán phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Tối thiểu 80% thủ tục hành chính triển khai thanh toán trực tuyến, trong đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên. Tối thiểu 80% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được luân chuyển bằng phương thức điện tử.

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ xây dựng, ban hành các chính sách ưu tiên, hỗ trợ để triển khai chính quyền điện tử như chính sách về nguồn vốn, chính sách ưu đãi về chế độ làm việc, đặc biệt là nguồn lực chất lượng cao về công nghệ thông tin và an toàn thông tin; xây dựng các chính sách, quy định nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng, cung cấp các dịch vụ số.

Thực hiện chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, Vĩnh Phúc phấn đấu xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Thực hiện cơ chế cạnh tranh dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý; ứng dụng công nghệ thông tin vào thi tuyển; đổi mới phương thức tuyển dụng, bổ nhiệm; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức. Cắt giảm tối thiểu 20% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định.

Nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, phấn đấu mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%.

Hiệu quả trong giải quyết TTHC cho đồng bào DTTS ở các xã miền núi

Là xã miền núi có hơn 20% người dân là đồng bào DTTS, để tạo thuận tiện cho bà con trong việc giải quyết thủ tục hành chính, xã Quang Yên, huyện Sông Lô đã xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai.

Với sự quyết tâm cao của Đảng ủy, UBND xã, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa của xã đã sớm hình thành và đi vào hoạt động hiệu quả. Phòng trực một cửa được xây mới độc lập với trụ sở UBND xã, được trang bị đầy đủ các thiết bị để phục vụ nhân dân đến giao dịch.

Tại đây, 4 cán bộ, công chức xã trực thường xuyên, kịp thời thực hiện nhiệm vụ, giải quyết mọi thủ tục khi công dân đến giao dịch. Đồng thời, mọi thủ tục hành chính được công khai niêm yết tại vị trí thuận lợi để công dân dễ tìm nhất.

Vĩnh Phúc ứng dụng CNTT hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính cho DTTS - Ảnh 1.

Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa xã Quang Yên.

Vừa thực hiện xong thủ tục đăng ký lại khai sinh, ông N.V.L thôn Đá Đen chia sẻ: "Tôi vừa hoàn thành mọi thủ tục đăng ký chưa đầy 30 phút, đơn giản và nhanh gọn. Nếu như trước đây, việc giải quyết TTHC thường khá rườm rà, không chỉ là chờ đợi mà còn phải đi lại nhiều lần mới xong, thì mấy năm nay, mỗi lần đến giao dịch, tôi thấy thuận tiện hơn rất nhiều, thường ít phải chờ đợi, lại được cán bộ hướng dẫn tận tình, chu đáo".

Ông Nguyễn Tiến Toàn, Chủ tịch UBND xã Quang Yên cho biết: "Là địa phương có nhiều đồng bào DTTS sinh sống nên nhận thức và việc tiếp cận thông tin của bà con còn những hạn chế nhất định. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo cán bộ phục vụ tại Bộ phận một cửa bên cạnh thực hiện nhiệm vụ còn tận tình hướng dẫn, tuyên truyền để bà con nâng cao nhận thức trong công tác cải cách hành chính. Hằng năm, xã cử cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do huyện, tỉnh tổ chức. Nhờ đó, trình độ đội ngũ cán bộ công chức được nâng lên, chuẩn hóa, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết công việc. Không những thế, lề lối làm việc, văn hóa ứng xử, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân của các bộ công chức ở bộ phận một cửa cũng có nhiều chuyển biến đáng kể."

Cùng với đó, UBND xã thường xuyên rà soát các TTHC, quy định rõ ràng, cụ thể và công khai những giấy tờ cần thiết cho việc giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức; niêm yết công khai các quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ; công khai số điện thoại đường dây nóng của UBND xã tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa để tiếp nhận và xử lý kịp thời các kiến nghị, phản ánh của công dân khi đến giải quyết công việc. Từ đầu năm đến nay, bộ phận một cửa đã tiếp nhận và giải quyết gần 2.300 hồ sơ của tổ chức, cá nhân, trong đó, 99% hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn.

Còn tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, vị trí tiếp nhận hồ sơ được bố trí khá thuận lợi, người dân được cán bộ tiếp đón niềm nở; nhiều văn bản TTHC được niêm yết công khai. Do địa bàn giáp khu công nghiệp, di biến dân đi, đến nhiều bởi lượng công nhân làm việc tại các khu công nghiệp nên bộ phận một cửa tiếp nhận và giải quyết nhiều thủ tục về hộ tịch.

Trung bình mỗi ngày, cán bộ làm ở bộ phận một cửa tiếp khoảng 20 lượt người dân tới đăng ký giải quyết các thủ tục như: khai sinh, khai tử, kết hôn, hòa giải hôn nhân gia đình... Người dân khi đến đây đều hài lòng trước thái độ phục vụ tận tình, công khai, minh bạch của đội ngũ cán bộ.

Đến nay, hầu hết cán bộ, công chức các xã ở Bình Xuyên đều làm việc trên máy tính, phục vụ hiệu quả công tác quản lý và điều hành, 100% máy vi tính đã kết nối mạng Internet; bộ phận một cửa vận hành và sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản, chữ ký số và phần mềm dùng chung. Từ đầu năm đến nay, bộ phận một cửa xã giải quyết hơn 170 đầu việc, thuộc các lĩnh vực: đất đai, tư pháp - hộ tịch, lao động thương binh, xã hội...

Mặc dù địa phương có xấp xỉ 30% đồng bào DTTS sinh sống, nhưng theo ông Trần Nam Thanh, Chủ tịch UBND xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, nhận thức của người dân ngày càng nâng cao, nhất là trong việc đến thực hiện các giao dịch TTHC.

Để phục vụ tốt nhất cho công dân, xã đã bố trí cán bộ có năng lực chuyên môn phù hợp, tận tình trong công việc, thái độ hòa nhã với người dân để làm việc tại bộ phận một cửa. Trung bình mỗi ngày, tại đây tiếp nhận hàng chục hồ sơ giao dịch hành chính. Các TTHC được tiếp nhận và giải quyết tại bộ phận một cửa của xã đều được đưa vào phần mềm hệ thống dịch vụ điện tử theo cơ chế một cửa. Hồ sơ công việc của tổ chức và công dân đều được tập trung giải quyết kịp thời, chính xác, đúng quy định và trả kết quả đúng hẹn, giảm phiền hà, chi phí và thời gian cho người dân cũng như tổ chức, doanh nghiệp.

Đặc biệt, với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ, việc giải quyết các TTHC được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng, tạo môi trường làm việc hiện đại, gần gũi, thân thiện với công dân.

Những năm gần đây, với những nỗ lực của các địa phương, việc thực hiện cải cách hành chính tại các xã miền núi tại Vĩnh Phúc đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều xã mặc dù ở các vùng xa trung tâm nhưng tỷ lệ thực hiện văn bản điện tử và chữ ký số ngày càng cao, đã hạn chế tối đa việc sử dụng văn bản giấy như trước đây.

Với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nắm bắt tốt các văn bản pháp luật mới trong giải quyết TTHC, đến nay, nhiều xã miền núi trong tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính, tạo sự hài lòng với người dân và doanh nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO