Việt Nam hãy mơ giấc mơ dài hạn, nếu muốn xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn

06/11/2023, 09:51

Việt Nam hãy mơ giấc mơ dài hạn, nghĩ về một xu hướng dài hạn nếu muốn xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn, bởi giấc mơ này không hề đơn giản mà liên quan đến rất nhiều vấn đề…”

Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn diễn ra tại NIC cơ sở Hòa Lạc vừa qua được xem là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm thảo luận về thực trạng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Các chuyên gia nước ngoài đã đưa ra nhiều ý kiến về triển vọng và những kiến nghị để thúc đẩy công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

VIỆT NAM LÀ MẮT XÍCH QUAN TRỌNG TRONG CHUỖI CUNG ỨNG BÁN DẪN TOÀN CẦU

Ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), cho biết tình trạng thiếu hụt chip trong đại dịch COVID-19 đã cho thấy sự phụ thuộc rõ rệt của nền kinh tế vào ngành công nghiệp nhỏ bé nhưng mạnh mẽ này. Những con chip dùng để điều khiển máy tính, điện thoại di động và ô tô, giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, thậm chí cứu sống mọi người thông qua việc tích hợp chip bán dẫn vào các thiết bị y tế.

"Các công nghệ của ngày mai đều phụ thuộc vào sự đổi mới của công nghệ bán dẫn, bao gồm AI, điện toán lượng tử, công nghệ sản xuất tiên tiến, xe tự lái, 5G và 6G", ông John Neuffer nói.

Trong bối cảnh này, Chủ tịch SIA cho rằng Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu và Việt Nam cũng đã sẵn sàng trở nên quan trọng hơn nữa đối với ngành bán dẫn toàn cầu. 

Nhiều công ty thành viên đã có mặt ở Việt Nam bao gồm Intel, Marvell, Synopsis, Silicon Labs, Microchip, Qualcomm, Cadence và Samsung. Nhiều hãng đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư vào Việt Nam. Những khoản đầu tư này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. 

Các chuyên gia trong phiên thảo luận tại Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn
Các chuyên gia trong phiên thảo luận tại Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn

Là một doanh nghiệp gần như đầu tiên thành lập cơ sở tại Việt Nam,ông Kim Huat Ooi, Tổng Giám đốc Tập đoàn Intel Products Việt Nam, cho biết:Intel đã hoạt động ở Việt Nam được khoảng 17 năm. Chúng tôi xây dựng cơ sở tại TP.HCM năm 2006 và bắt đầu sản xuất vào năm 2010. Kể từ đó, chúng tôi đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong ngành bán dẫn Việt Nam”.

Lực lượng lao động là một trong những yếu tố được lãnh đạo Intel nhấn mạnh. Ông cho biết tại cơ sở của Intel ở TP.HCM hiện có rất ít nhân sự nước ngoài, “thực tế chỉ có khoảng ba người nước ngoài liên quan đến hoạt động sản xuất tại TP.HCM. Còn lại, chúng tôi thực sự đã tuyển dụng nhân sự địa phương để quản lý nhà máy. Vì vậy, sự tăng trưởng của lực lượng lao động là điều rất đáng ghi nhận”.

Ngoài ra, Tổng Giám đốc Tập đoàn Intel Products Việt Nam cũng đề cập đến những yếu tố thuận lợi như sự ổn định của hệ thống chính trị, các chính sách ưu đãi, đã mang lại sự phát triển vượt bậc trong 17 năm qua, kể từ khi Intel hoạt động tại Việt Nam. Và tiềm năng của Việt Nam vẫn đang tiếp tục phát triển.

Mới đây, Amkor cũng vừa khai trương nhà máy công nghệ tại Bắc Ninh vào ngày 11/10. Ông SH Kim, Tổng Giám đốc Amkor Việt Nam, cho biết lễ khai trương chỉ là bước khởi đầu.

“Chúng tôi cố gắng xây dựng hệ sinh thái các nhà cung cấp ở đây. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng trong thời kỳ đại dịch, những vấn đề địa chính trị căng thẳng, là những lý do chúng tôi đưa ra quyết định đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, những thuận lợi về cơ sở hạ tầng của Bắc Ninh như giao thông đến sân bay, hay đến thủ đô Hà Nội, và cơ sở hạ tầng điện và nước ổn định, cũng như khả năng tiếp cận với nguồn nhân lực là những căn cứ để chúng tôi đầu tư vào Việt Nam”.

“HÃY NHỚ, CÁNH CỬA CƠ HỘI SẼ KHÔNG MỞ MÃI MÃI”

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, các chuyên gia cũng đã đưa ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho ngành công nghiệp bán dẫn. Tổng Giám đốc Tập đoàn Intel Products Việt Nam cho rằng Việt Nam nên tập trung vào chiến lược phát triển hệ sinh thái bán dẫn.

“Tôi nghĩ điều thành công đối với các quốc gia như Hoa Kỳ hay Châu Âu là một cấu trúc hệ sinh thái mạnh mẽ. Hệ sinh thái ngành bán dẫn rất đa dạng, từ sản xuất, thiết kế, nguyên liệu thô, phần cứng, phần mềm…. Vì vậy chính phủ cần cố gắng tìm ra trọng tâm, phiên bản chipset mà Việt Nam mong muốn. Việt Nam đang cố gắng thu hút những ngành công nghiệp nào, những công ty nào trong hệ sinh thái và có những chính sách khuyến khích nào để thu hút những công ty đó đến và làm việc? Nếu làm được điều đó thì tôi nghĩ, tương lai của Việt Nam sẽ rất tươi sáng”.

Cũng tương tự như vậy, Giám đốc điều hành Boston Consulting Group, ông Changwook Kim, cho rằng Việt Nam cần tạo ra một hệ sinh thái phù hợp với các mối quan hệ hợp tác, tạo cơ sở khách hàng cho các công ty. “Tại sao TSMC lắp đặt cơ sở mới ở Nhật Bản, tại sao Samsung lại đặt xưởng đúc ở Mỹ, đó là vì họ gần gũi với khách hàng. Vì vậy, một điều rất quan trọng là Việt Nam phải suy nghĩ xem liệu có thể tạo cơ sở cho khách hàng cho các công ty hay không”.

Ngoài ra, chuyên gia của hãng tư vấn Boston Consulting Group cũng đề cập đến vấn đề chi phí nhân công, chất lượng lực lượng lao động. Và cuối cùng, ông Changwook Kim khuyên Việt Nam nên “mơ giấc mơ dài hạn, nghĩ về một xu hướng dài hạn nếu muốn xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn, bởi giấc mơ này không hề đơn giản mà liên quan đến rất nhiều vấn đề”.

Ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ
Ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ

Nói về những nỗ lực cũng như những vấn đề mà Việt Nam có thể làm để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ, nhấn mạnh đang có một cuộc cạnh tranh khốc liệt diễn ra toàn cầu để thu hút các nhà đầu tư. Vì vậy, các quốc gia “hãy nhớ, cánh cửa cơ hội sẽ không mở mãi mãi”. 


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO