Top 10 thế giới và Top 5 Châu Á
Trong Top 10 quốc gia có dân số sử dụng smartphone nhiều nhất, đứng đầu là Trung Quốc, sau đó lần lượt là Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Brazil, Nga, Nhật Bản, Mexico, Đức và Việt Nam.
Riêng khu vực Châu Á, đứng đầu là Trung Quốc, tiếp đến Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Việt Nam đứng thứ 5.
Tuy nhiên, đó là xếp hạng tính theo số lượng tuyệt đối người sử dụng smartphone.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu tính theo tỉ lệ người dùng smartphone/dân số (thống kê dân số năm 2019), thì Việt Nam vượt qua Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản, chỉ xếp sau Trung Quốc. Với tiêu chí này, Trung Quốc đạt tỉ lệ người sử dụng smartphone/dân số khoảng 65%, Việt Nam xếp thứ 2 với tỉ lệ khoảng 63,6%, Nhật Bản đạt khoảng 60%, Indonesia khoảng 59,2%, còn Ấn Độ chỉ nhỉnh hơn 32% một chút.
Từ Top 10 được Statista công bố theo tiêu chí về số lượng tuyệt đối, nếu thay đổi tính theo tiêu chí tỉ lệ người dân sử dụng smartphone/tổng dân số, ngôi vị xếp hạng sẽ có sự thay đổi đáng kể. Khi đó, Trung Quốc chỉ xếp thứ 4, ngôi vị 1, 2, 3 lần lượt thuộc về Mỹ, Đức, Nga. Và Việt Nam, lại vươn lên giữa Top 10, với vị trí thứ 5.
Như vậy nếu xét theo tiêu chí tỉ lệ dân số sử dụng smartphone, Việt Nam đứng vị trí thứ 5 ở khu vực Châu Á và cũng đứng vị trí thứ 5 trong Top 10 quốc gia có dân số sử dụng smartphone nhiều nhất thế giới. Đó là vị trí xếp hạng cao và cân bằng thay vì có sự cách biệt về vị trí xếp hạng giữa 2 tiêu chí như một số quốc gia trong Top 10.
Tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số đến người dân
Nhìn nhận về điểm sáng lượng người dùng cũng như tỉ lệ dân số sử dụng smartphone tại Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng Giám đốc Công ty Qi Technologies (TPHCM) - cho rằng, cùng với hạ tầng kết nối, viễn thông thì độ phổ cập sử dụng thiết bị đầu cuối smartphone chính là 2 yếu tố cơ bản nhất tạo tiền đề để chuyển đổi số đến người dân.
“Hạ tầng mạng và kết nối của chúng ta với công nghệ 4G gần như đã phủ khắp các khu vực có cư dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Còn về thiết bị smartphone cũng đã sẵn sàng. Vấn đề còn lại là cần các giải pháp, ứng dụng chuyển đổi số thiết thực nhằm phục vụ cho đời sống, sinh hoạt, công việc của người dân” - ông Minh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Minh, kinh nghiệm từ các quốc gia ông đã đi qua, muốn chuyển đổi số nhanh, lan tỏa sâu rộng, trước hết nên cung cấp các giải pháp, ứng dụng mà người dân có nhu cầu sử dụng hàng ngày hay thường xuyên, như thanh toán điện tử, mua hàng, giao dịch hàng ngày, bảo hiểm xã hội, khám chữa bệnh…
Thạc sĩ Tuyết Mai, hiện phụ trách marketing tại một công ty công nghệ Châu Âu ở Việt Nam, nhìn thấy ở tỉ lệ dân số sử dụng smartphone ở mức cao tại Việt Nam chính là một “mảnh đất” đầy tiềm năng để triển khai các công cụ tiếp thị, quảng cáo đến tập khách hàng, người dùng điện thoại với số lượng lên đến vài chục triệu.
“Từ lâu, quảng cáo đã tiếp cận được theo thiết bị của người dùng. Với số lượng và tỉ lệ người dùng smartphone nhiều như vậy tạo ra tập khách hàng tiềm năng đủ rộng để triển khai các công cụ, phương tiện quảng bá "có mục tiêu" sẽ đạt hiệu quả cao hơn” - thạc sĩ Tuyết Mai cho biết.
Bà Tuyết Mai cho rằng, từ quảng cáo (nhìn thấy) cho tới việc người dùng click vào các đường link và đi tới ứng dụng mua hàng (thường họ đã tải sẵn trên smartphone), hoặc truy cập vào Facebook của các nhãn hàng… đó là tổng hòa các tiện ích của cuộc sống số hóa mà mọi người đều dễ dàng tiếp cận chỉ cần có điện thoại thông minh.