Ảnh minh họa
Việt Nam đặt mục tiêu nền kinh tế kỹ thuật số chiếm 30% GDP vào năm 2030. Để biến tầm nhìn táo bạo này thành hiện thực, chính phủ đã bắt tay vào một chương trình đầy tham vọng hối thúc doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi kỹ thuật số. Đây là nỗ lực tuyệt vời của chính phủ nhằm khuyến khích lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức tài chính và chuyên gia công nghệ khai thác tiềm năng của đổi mới kỹ thuật số. Điều này cũng tạo cơ hội quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp không chỉ đẩy mạnh chiến lược và phương pháp tiếp cận công nghệ mà còn có động lực để số hóa hoạt động kinh doanh, quản trị và sản xuất từ năm 2021 đến năm 2025, cũng như đào tạo, tư vấn và tiếp cận các giải pháp kỹ thuật số.
Đây là thời điểm không thể thuận lợi hơn. COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch sang số hóa của nhiều doanh nghiệp, cho thấy tầm quan trọng của công nghệ và chuyển đổi kỹ thuật số đối với sự phát triển của các tổ chức trong tất cả các lĩnh vực - đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng. Một trong những thay đổi quan trọng nhất mà công nghệ đã tận dụng thành công trong cuộc khủng hoảng là cách xã hội tương tác với các dịch vụ tài chính và thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ.
Khi đại dịch hoành hành, mọi người ít đi du lịch hơn và ở nhà trong thời gian giãn cách, tránh sử dụng tiền mặt để giảm thiểu sự lây lan của virus. Khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam dự đoán việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ gia tăng và người dân sẽ ngày càng bớt phụ thuộc vào tiền mặt. Khả năng cung cấp các khoản thanh toán đơn giản hóa có tác động sâu sắc đến các cá nhân, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế, đặc biệt là khi chúng ta tiếp tục đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Bằng cách dễ dàng chi tiêu, chia sẻ và tiết kiệm tiền, mọi người có thể kiểm soát tài chính, đồng thời giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh thông qua việc sử dụng tiền mặt. Và cách dễ nhất để đơn giản hóa việc thanh toán là thông qua điện thoại di động.
Với 68 triệu người dùng Internet, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc sử dụng Internet chủ yếu dựa trên thiết bị di động, nhờ tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao. Xu hướng này đã giúp công nghệ tài chính “bùng nổ”, với ví điện tử trở thành một không gian phổ biến và có tính cạnh tranh cao. Các ngân hàng đã nắm bắt được cơ hội này và hầu hết đều cung cấp các dịch vụ tương tự như ví điện tử, song sẽ phải tìm cách khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Đó là lý do tại sao nhiều ngân hàng hàng đầu đang xem xét tiềm năng của công nghệ mới để giúp điều chỉnh các dịch vụ, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch, khi mọi người phải ở nhà và cần thanh toán mọi thứ từ xa.
Sự chuyển dịch sang kỹ thuật số đã được đẩy mạnh hơn nữa khi chính phủ phê duyệt ứng dụng thí điểm Mobile Money, cho phép hàng hóa và dịch vụ có giá trị nhỏ được thanh toán bằng tín dụng điện thoại di động. Việc thí điểm nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và cải thiện khả năng tiếp cận cũng như sử dụng dịch vụ tài chính ở các khu vực ít tiếp cận hơn.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến việc triển khai bị trì hoãn, dù các nhà mạng viễn thông như Viettel, VNPT và MobiFone đã xin giấy phép thí điểm để triển khai sáng kiến này. Việc áp dụng các sáng kiến như vậy giúp người tiêu dùng mua sắm thuận tiện hơn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, chưa kể đến dòng chuyển tiền nhanh chóng và minh bạch. Đây cũng là cách cải thiện khả năng tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng, dẫn đến sự bao trùm hơn về tài chính trên toàn quốc.
Trong tương lai kỹ thuật số mới, các ngân hàng sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc thanh toán ở mọi nơi, bao gồm cả giao thông công cộng, vốn cũng đang trải qua quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Thanh toán không tiền mặt cũng sẽ thúc đẩy sự bùng nổ thương mại điện tử, cung cấp các “cổng” để ngân hàng dễ dàng tiếp cận doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng, Việt Nam cần đầu tư vào những đổi mới đúng đắn và tác động đến hành vi của người tiêu dùng thông qua giáo dục. Khu vực nông thôn, nơi chiếm khoảng 60% dân số, không dễ dàng chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt. Thay đổi thói quen tiêu dùng của mọi người và giáo dục họ về khả năng của tài chính kỹ thuật số cung cấp nền tảng quan trọng để nâng cao niềm tin và nhận thức của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, điều quan trọng là phải tối ưu hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện có ở vùng sâu vùng xa. Chính phủ cũng cần phát triển một hệ thống ngân hàng mở với sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các ngân hàng thương mại, fintech và các trung gian thanh toán. Từng bước, các ngân hàng Việt Nam đang hướng tới các dịch vụ dựa trên đám mây, không chỉ cho ngân hàng lõi mà còn cho CMS (dịch vụ quản lý tiền mặt) và các doanh nghiệp thanh toán. Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trở thành quốc gia dẫn đầu về kỹ thuật số./.