Việt Nam trên đường trở thành điểm đến sản xuất công nghệ
Việt Nam đã thu hút được những tập đoàn điện tử lớn trên thế giới đến đầu tư như Samsung, LG, Intel, Canon, Poster… Năm 2023, nhiều ông lớn công nghệ cho biết sẽ tiếp tục mở rộng, tăng đầu tư tại Việt Nam.
Cuối tháng 12/2022, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) của Samsung đưa vào hoạt động tại Hà Nội. Thông qua Trung tâm R&D, Samsung hy vọng sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của lĩnh vực phần cứng (H/W), phần mềm (S/W) phù hợp với lĩnh vực IT tiên tiến và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, tập đoàn này đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại nhà máy Samsung Electro-Mechanics tại Thái Nguyên.
Không chỉ Samsung ngày càng mở rộng việc đầu tư, sản xuất tại Việt Nam mà đặc biệt là trong lĩnh vực phần mềm, theo tờ Nikkei Asia, Công ty Synopsys (Mỹ) thông báo sẽ đào tạo kỹ sư điện tại Việt Nam và hỗ trợ Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) thành lập trung tâm thiết kế chíp thông qua chương trình tài trợ phần mềm.
Trong khi đó, 3 đối tác lớn cho Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và GoerTek đã liên tục mở rộng cơ sở sản xuất điện tử. Hãng Apple đã đề nghị đối tác lớn nhất là Foxconn mở dây chuyền sản xuất MacBook tại Việt Nam từ khoảng tháng 5/2023. Foxconn sau khi đầu tư 1,5 tỷ USD xây dựng cơ sở sản xuất, tới đây sẽ đầu tư thêm 300 triệu USD vào nhà máy Fukang đang xây dựng tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). Trong khi đại diện Goertek cho biết, tiếp tục đầu tư 300 triệu USD mở rộng nhà máy tại Bắc Giang; Còn Luxshare hiện có 6 nhà máy với khoảng 40.000 nhân sự tại Việt Nam.
Pegatron đang mở rộng dự án thứ 2 linh kiện điện tử, với tổng vốn đầu tư khoảng 481 triệu USD tại Hải Phòng. Theo kế hoạch, Pegatron sẽ tiếp tục đầu tư dự án thứ 3 với quy mô 500 triệu USD trong giai đoạn 2025 - 2026.
Với LG, sau khi đầu tư 5,3 tỷ USD vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực sản xuất điện tử cũng cho biết sẽ tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam. Các lĩnh vực LG nhắm tới là thiết bị ô tô và thiết bị cho điện thoại di động, thúc đẩy liên kết đào tạo công nghệ thông tin, trung tâm phần mềm và trung tâm sản xuất máy ảnh cho điện thoại trong tương lai. “Tập đoàn sẽ đầu tư vào Việt Nam thêm 4 tỷ USD”- Phó Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn LG - ông Kwon Bong-seok thông tin.
Hàng loạt ông lớn khác đang khảo sát, nghiên cứu kế hoạch mở mới, di dời nhà máy sản xuất tới Việt Nam như OPPO, HP, Brose, hay mở rộng thêm quy mô sản xuất sau khi di dời như Xiaomi, Bosch, Panasonic, Amkor, Sharp, Compal…
Cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng
Lý do khiến các tập đoàn lớn di chuyển, mở nhà máy sản xuất điện tử tại Việt Nam, như chi phí lao động thấp hơn, việc tích hợp chuỗi cung ứng đơn giản hơn, tiếp cận thương mại tự do tốt hơn. Chưa kể hiện Việt Nam tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) khác nhau, bao trùm tới hơn 50 quốc gia trên thế giới và đặc biệt là sự ổn định chính trị. Thêm vào đó, sự ổn định về chính trị, nền kinh tế tăng trưởng tốt khiến Việt Nam càng trở nên hấp dẫn nhà đầu tư.
Ông Steve Long - Tổng giám đốc Intel khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản nhận định, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm sản xuất điện tử ở khu vực.
Trước đây Việt Nam đã là một mắt xích trong hoạt động sản xuất, lắp ráp sản phẩm từ laptop đến điện thoại di động, hàng điện tử… thì nay với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn trong sản xuất chíp và đến Trung tâm R&D càng cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong mắt các tập đoàn nước ngoài. Trung tâm R&D sẽ tạo thuận lợi cho các ngành thiên về chất xám tăng tốc mạnh hơn như liên quan đến AI, Big Data, IoT…
Theo Chủ tịch DTJ Group Nguyễn Quốc Khánh, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của các Tập đoàn công nghiệp điện tử lớn. Đây là dư địa rất lớn và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng cho ngành điện tử.
Đại diện Tổng Công ty sản xuất thiết bị Viettel cho biết, Viettel đã trở thành nhà cung cấp sản phẩm gia công cơ khí chính xác tích hợp vào sản phẩm cho ngành hàng không vũ trụ của Tập đoàn Meggit (đơn vị đang là đối tác cấp 1 của Boeing).
Trước đó, tháng 8/2022, Viettel đề xuất tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu. Đề xuất được đưa trong bối cảnh tình trạng thiếu chip trên toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tháng 9, FPT Semiconductor cho ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) lĩnh vực y tế.
Các chuyên gia cho rằng để có thể tham gia cung ứng cho các tập đoàn, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư nguồn lực lớn, liên tục đổi mới sáng tạo, tăng công suất và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.
Các chuyên gia cũng lưu ý, các doanh nghiệp khi có kế hoạch tham gia chuỗi cung ứng phải hiểu rõ qui tắc, qui trình, địa điểm tiếp nhận, thông tin phản hồi. Ví dụ tiêu chí đánh giá của Samsung ở vòng 1 có 5 tiêu chí đánh giá (giá thành sản phẩm, nhân sự và nguồn lực máy móc thiết bị, giao hàng nhanh, khả năng cạnh tranh và nghiên cứu phát triển, khống chế rủi ro). Ở vòng tiếp theo, doanh nghiệp sẽ đánh giá các tiêu chí kinh tế, môi trường và xã hội.
Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam khẳng định, công nghiệp điện tử Việt Nam là ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu trong các ngành chế biến chế tạo của Việt Nam hơn 10 năm qua. Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử năm 2022 đạt hơn 114 tỷ USD, đứng đầu trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm hơn 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Con số này cho thấy, ngành điện tử có vai trò đóng góp rất lớn vào việc cân bằng ngoại hối và cán cân thương mại cho cả nước. Đơn cử như năm năm 2022 cả nước xuất siêu 11,2 tỷ USD thì ngành điện tử xuất siêu 11,246 tỷ USD.