Việc phổ quát tiêm chủng vaccine Covid-19 có khiến Zoom dần mờ nhạt?
Chia sẻ về lộ trình hoạt động sắp tới, Giám đốc Tài chính của Zoom Kelly Steckelberg cho hay, công ty đã dự đoán trước rằng, doanh thu có thể sụt giảm vào cuối năm nay, nhưng tình hình này có thể đang xảy ra nhanh hơn một chút so với dự kiến.
Điều này cũng dễ hiểu bởi trong năm nay, Zoom đã phải đối mặt với một thực tế khách quan rằng, chính việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 rộng rãi đã khuyến khích các trường học mở cửa trở lại, và nhiều công ty đưa nhân viên trở lại văn phòng làm việc, nên nhu cầu dùng Zoom bắt đầu ít dần.
Bên cạnh đó, Zoom còn chịu sự cạnh tranh khắt nghiệt từ các nền tảng cũ như Webex của Cisco (CSCO.O) và Teams của Microsoft (MSFT.O), khi các ứng dụng này cũng tăng tốc giành được các hợp đồng lớn hơn từ các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Zoom dự kiến doanh thu từ nhóm khách hàng có từ 10 nhân viên trở xuống sẽ giảm. Nhóm này chủ yếu gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thanh toán hóa đơn hàng tháng.
Các chuyên gia cho hay, Zoom sẽ cố gắng ngăn chặn đà tăng trưởng chậm lại này bằng cách chi mạnh tay vào việc mở rộng, và phát triển nền tảng của mình và Zoom Phone, sản phẩm gọi điện trên đám mây dành cho doanh nghiệp.
Gần đây nhất, Zoom đã công bố mua lại nhà sản xuất phần mềm trung tâm cuộc gọi Five9 với giá 14,7 tỷ USD, thương vụ lớn nhất của Zoom. Việc mua lại này là nỗ lực mới nhất của Zoom nhằm mở rộng các dịch vụ của mình.
Eric S. Yuan, người sáng lập và giám đốc điều hành của Zoom cho biết: "Chúng tôi liên tục tìm cách để nâng cao nền tảng của mình và việc bổ sung Five9 là một sự phù hợp tự nhiên sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp, và giá trị hơn nữa cho khách hàng của chúng tôi".
Ngoài ra, Zoom cũng mua lại Kites GmbH (viết tắt của Karlsruhe Information Technology Solutions), một công ty hỗ trợ dịch ngôn ngữ theo thời gian thực. Zoom cho biết việc mua lại này là một động thái để giúp họ giao tiếp với những người nói các ngôn ngữ khác nhau dễ dàng hơn, và họ đang tìm cách thêm khả năng dịch thuật vào ứng dụng hội nghị truyền hình của mình.
Zoom phát triển thần tốc nhưng khó bền vững, nguy cơ đào thải cao?
Các chuyên gia cũng cho rằng, sự phát triển này không thực sự bền vững bởi ứng dụng Zoom thời gian qua liên tiếp bị điểm tên vào hàng loạt bê bối bảo mật như việc bị tin tặc tấn công thẳng vào giữa các cuộc họp và để lại những hình ảnh, video dung tục.
Ngoài ra, Zoom cũng bị cho rằng có hành vi gửi dữ liệu của người dùng về các máy chủ đặt tại quốc gia khác, khiến nguy cơ lộ thông tin với bên thứ ba là điều có thể xảy ra, hay để lộ hai lỗ hổng bảo mật (CVE-2020-6109) và (CVE-2020-6110) dù Zoom đã vá cả hai lỗ hổng nghiêm trọng này ngay sau phát hiện.
Ông Eric Yuan, CEO của Zoom đã phải xin lỗi về những sự cố trên và cam kết sẽ khắc phục vấn đề liên quan đến quyền riêng tư cũng như bảo mật trong thời gian tới để người dùng yên tâm sử dụng.
Tuy nhiên, thật lòng mà nói thì người dùng công nghệ hiện nay vốn rất quan tâm đến vấn đề bảo mật dữ liệu, cũng như an toàn an ninh mạng. Bởi vậy, nếu Zoom không có sự thay đổi tích cực thì sự đào thải không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra, và Zoom cũng khó mà tồn tại trước sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng loạt đối thủ công nghệ khác.
Liên tục gần đây vướng phải những bê bối như vậy, nhưng không thể phủ nhận rằng Zoom thực sự là một câu chuyện "cổ tích" trong giới công nghệ. Thế nhưng, "câu chuyện cổ tích" này liệu có cái kết màu hồng hay không thì vẫn chưa thể khẳng định được.