Tại buổi làm việc, Sở TT&TT tỉnh đã báo cáo nhanh với đoàn công tác Bộ TT&TT về những thành tựu nổi bật của tỉnh Quảng Ninh trong hoạt động bưu chính, viễn thông và CNTT; cùng những nét chính khái quát trong tiến trình chuyển đổi số của tỉnh, tập trung vào 3 trục chính là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Báo cáo tại buổi làm việc cũng tập trung nhấn mạnh, nhờ hệ thống hạ tầng CNTT, chính quyền điện tử được đầu tư bàn bản, đồng bộ, trong bối tác động từ dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến toàn xã hội, nhưng Quảng Ninh vẫn đảm việc chỉ đạo điều hành phòng, chống dịch; không để đình trệ việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; đảm bảo mục tiêu “Dừng đến trường nhưng không dừng việc học" bằng việc tổ chức dạy học trực tuyến tại 3 cấp học… Tỉnh cũng đã triển khai thành công việc đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử; ứng dụng hiệu quả các hệ thống thông minh tích hợp công nghệ AI trong việc kiểm soát thông tin, truy vết, phòng chống dịch an toàn, linh hoạt, hiệu quả…
Tại buổi làm việc, Sở TT&TT tỉnh và đại diện các sở, ngành của tỉnh đã gửi đến Bộ TT&TT một số ý kiến đề xuất, như: Sớm ban hành hoặc hướng dẫn ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị về CNTT; hướng dẫn các giải pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT; hỗ trợ triển khai đề án Khu CNTT tập trung tại TP Hạ Long; triển khai các giải pháp, nền tảng chuyển đổi số “Make in Vietnam”; hướng dẫn, hỗ trợ về việc xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu, trung tâm điều hành an ninh mạng; triển khai trạm BTS phủ lõm sóng điện thoại di động tại vùng sâu, vùng xa…
Đoàn công tác Bộ TT&TT và đại diện các đơn vị, doanh nghiệp CNTT tham dự cũng đã làm rõ, trao đổi với phía tỉnh nhiều nội dung cụ thể, như: Vấn đề tăng cường số lượng và đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực CNTT; phát triển các doanh nghiệp ứng dụng CNTT tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; phát triển hạ tầng viễn thông, đặc biệt là các trạm BTS phủ sóng di động và internet băng thông rộng tới vùng sâu vùng xa, vùng lõm sóng; chuyển đổi số ở các trục: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; việc số hoá và liên kết hệ thống dữ liệu trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh Quảng Ninh xác định CNTT đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển và là động lực thúc đẩy sự phát triển của tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư mạnh cho lĩnh vực này. Trong đó, trước mắt tỉnh sẽ nhanh chóng khởi động, triển khai nhiều dự án phát triển CNTT trên địa bàn nhằm đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; thúc đẩy các nội dung trong kinh tế số; ưu tiên nguồn lực cho giáo dục số, y tế số… để hướng tới xã hội số. Tỉnh Quảng Ninh mong muốn nhận được sự đồng hành và hỗ trợ từ phía Bộ TT&TT trong một số vấn đề: Tham mưu, xây dựng, thúc đẩy ban hành các thể chế, cơ chế phù hợp với thực tiễn nhằm tạo dựng hành lang pháp lý để thực hiện các nhiệm vụ về CNTT và tiến trình chuyển đổi số; xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT; xây dựng, quy hoạch hạ tầng CNTT; xây dựng sàn thương mại điện tử riêng biệt cho các sản phẩm OCOP...
Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Phạm Đức Long đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong triển khai các nhiệm vụ CNTT và chuyển đổi số. Điều này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và đóng góp quan trọng vào sự phát triển đột phá về KT-XH của tỉnh trong những năm qua. Đồng thời, đồng chí Thứ trưởng cũng gợi mở, để tiếp tục đạt được nhiều thành tựu đột phá, tỉnh Quảng Ninh cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Chú trọng vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) và số hóa, liên kết đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu; hướng việc chuyển đổi số vào một số ngành, lĩnh vực trọng điểm như: Thương mại - dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông…; tạo thêm nhiều công cụ số để người dân, doanh nghiệp khai thác sử dụng.
Đặc biệt, để chuyển đổi số thành công, tỉnh Quảng Ninh cần mở cửa kêu gọi, chào đón, tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp lớn về CNTT và công nghệ số vào hoạt động, triển khai các dự án tại tỉnh, từ đó dẫn dắt, thúc đẩy các doanh nghiệp của tỉnh mạnh dạn đầu tư, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Đồng chí Thứ trưởng Bộ TT&TT tin tưởng tỉnh Quảng Ninh sẽ chuyển đổi số thành công và tiếp tục là nguồn cảm hứng để nhiều địa phương khác triển khai chuyển đổi số trong tương lai gần…