China Unicom, nhà khai thác mạng không dây lớn thứ ba Trung Quốc, dự kiến sẽ hoàn thành nghiên cứu kỹ thuật và tung ra những ứng dụng ban đầu cho công nghệ 6G vào năm 2025, đặt nền móng cho khả năng phát triển công nghệ di động thế hệ tiếp theo vào đầu thập kỷ tới.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành China Unicom, Liu Liehong, 55 tuổi đã công bố điểm mốc thời gian này bên lề Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF), một hội nghị kéo dài 2 ngày, khai mạc ngày 25/3, được coi là câu trả lời của Bắc Kinh đối với Hội nghị thượng đỉnh thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ.
Ông Liu cho biết, “những kịch bản ứng dụng” sớm của 6G sẽ được giới thiệu vào năm 2025 tại Trung Quốc, nơi có mật độ dân số sử dụng internet lớn nhất thế giới và cũng là thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, đã tiến hành nghiên cứu và phát triển công nghệ Gs từ năm 2019. Ông lưu ý rằng, theo một bản tin của hãng truyền thông nội địa National Business Daily, dự kiến sẽ ra mắt công nghệ 6G được thương mại hóa tại Trung Quốc sẽ bắt đầu từ năm 2030.
Cũng tại sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Jin Zhuanglong trong bài phát biểu cho biết, Trung Quốc đang dẫn đầu tốc độ nghiên cứu và phát triển 6G trên toàn thế giới. Trung Quốc cũng đã đi đầu trong các hoạt động triển khai những ứng dụng và mạng di động 5G.
Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành China Unicom Liu Liehong. Ảnh: CCTV |
Những tuyên bố về các nghiên cứu và phát triển 6G của Trung Quốc, được đưa ra tại CDF sau Hội nghị 6G toàn cầu, diễn ra từ ngày 22 đến 24/3 tại Nam Kinh. Tại đây các chuyên gia trong ngành viễn thông đạt được sự đồng thuận rằng những dịch vụ di động 6G tại quốc gia này sẽ bắt đầu được triển khai vào đầu năm 2030.
Những mốc thời gian dự kiến triển khai 6G mà ông Liu của China Unicom và lãnh đạo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) tuyên bố phản ánh niềm tin của Trung Quốc trong nỗ lực phát triển những tiến bộ công nghệ lớn, bất chấp xung đột thương mại và công nghệ ngày càng gia tăng với Mỹ.
Ba nhà khai thác mạng viễn thông của quốc gia là China Mobile , China Telecom và China Unicom đều đã tuyên bố tham gia vào nghiên cứu và phát triển mạng 6G, đồng thời đẩy nhanh hoạt động triển khai cơ sở hạ tầng và dịch vụ 5G trên toàn quốc.
Kế hoạch phát triển công nghệ của Trung Quốc đang đối mặt với những khó khăn lớn, xung đột công nghệ giữa Bắc Kinh và Washington dẫn đến việc các nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn Huawei Technologies Co và ZTE Corp bị ảnh hưởng nặng nề từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, đặc biệt là khả năng tiếp cận linh kiện bán dẫn tiên tiến, được sử dụng trong điện thoại thông minh và thiết bị mạng.
Mặc dù phải đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt và quy định hạn chế xuất khẩu của Mỹ, tình trạng phong tỏa và cách ly trong đại dịch coronavirus, Trung Quốc đã xây dựng mạng di động 5G lớn nhất thế giới với hơn 2,31 triệu trạm gốc 5G được triển khai vào cuối năm 2022, theo dữ liệu của MIIT.
Năm 2023 được cho là đánh dấu sự khởi đầu của một hành trình phát triển dài cho công nghệ 6G, khi nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới bắt đầu các nghiên cứu mới, theo báo cáo của Hiệp hội GSM (thường được gọi là “GSMA” hoặc Hệ thống Truyền thông Di động Toàn cầu, ban đầu là Nhóm Di động đặc biệt “Groupe Spécial Mobile”), tổ chức công nghiệp phi lợi nhuận đại diện cho lợi ích của các nhà khai thác mạng di động trên toàn thế giới..
Báo cáo của GSMA cho biết, Hội nghị Thông tin Vô tuyến Thế giới vào tháng 11/2023 dự kiến sẽ thiết lập nền tảng phổ tần cho 6G. Phổ tần đề cập đến những tần số vô tuyến được phân bổ cho ngành công nghiệp di động và những lĩnh vực khác liên quan để liên lạc qua sóng vô tuyến.
Liên minh Viễn thông Quốc tế, một cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc, dự kiến sẽ hoàn thiện vào mùa hè này bản dự thảo các đề xuất cho truyền thông di động toàn cầu vào năm 2030 và trong thập kỷ tiếp theo, báo cáo của GSMA cho biết.
Theo South China Morning Post