Mỗi buổi sáng, trên các ga tàu điện, nhiều người vội vã chạy nhanh ra khỏi tàu, lấy điện thoại từ trong túi, quét mã QR trên một chiếc xe đạp và nhanh chóng đi tới chỗ làm. Vào giờ cao điểm, hàng trăm người đạp xe dọc theo các trung tâm trung chuyển lớn tại các đô thị.
Để phục vụ nhu cầu của nhóm người này, các dịch vụ chia sẻ xe đạp vẫn phải duy trì các đội đưa xe đạp trở lại các ga tàu, bến xe, đôi khi vài lần một ngày. Nhưng cũng nhờ đó, các doanh nghiệp trong nghề vẫn có thể tồn tại sau bong bóng chia sẻ xe đạp vào năm 2017.
Dịch vụ chia sẻ xe đạp bùng nổ ở Trung Quốc từ đầu năm 2016; với kỳ vọng giải quyết ùn tắc; giảm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy giao thông công cộng.
Vào thời điểm đó, cơn sốt này đã thu hút hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư cũng như tiền ký quỹ của người dùng. Hàng chục triệu xe đạp mới được sản xuất trong nỗ lực tranh giành thị phần của các doanh nghiệp tham gia.
Tuy nhiên, khi bong bóng vỡ vào năm 2017, hầu hết công ty rơi vào cảnh phá sản, để lại những "nghĩa trang" xe đạp khổng lồ khiến giới chức phải đau đầu.
Số liệu ước tính của chính phủ Trung Quốc cho thấy năm 2017 có khoảng 20 triệu xe đạp được đưa vào sử dụng. Một vấn đề khác là các công ty không được tái sử dụng xe cũ mà cứ vài năm phải thay thế xe mới một lần để đảm bảo an toàn. Điều đó khiến số lượng xe chờ tái chế liên tục tăng mạnh.
Ông Liu Chun-sheng, Giáo sư Trường đại học tài chính kinh tế trung ương tại Bắc Kinh chia sẻ: “Những khó khăn trong việc xử lý các nghĩa trang xe đạp không quá khó hiểu. Bởi dù chính phủ đã có những quy định để hạn chế số lượng xe đạp mới, nhưng chính sách quản lý số xe bị bỏ đi lại không theo kịp. Và bởi vì trong ngành dịch vụ này không có yếu tố nước ngoài nên Trung Quốc phải tự tìm cách giải quyết vấn đề một mình”.
Trong khi chính phủ tìm cách để giải quyết các nghĩa trang xe đạp, các doanh nghiệp còn trụ lại trong ngành cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất mà ngành dịch vụ chia sẻ xe đạp Trung Quốc phải đối mặt, đó là làm thế nào để sinh lời.
Trong thời kỳ bùng nổ, để tranh giành thị phần, giá sử dụng dịch vụ được các công ty hạ xuống thấp nhất có thể. Tuy nhiên, chi phí bảo trì, vận hành quá lớn là lí do khiến hầu hết các công ty này phá sản sau đó.
Vào năm 2019, giá dịch vụ sử xe đạp công cộng tại Trung Quốc được các công ty tăng từ 1 nhân dân tệ cho 30 phút sử dụng lên thành 1 nhân dân tệ, tức khoảng 3.600 đồng VN, cho 15 phút sử dụng.
Ông Zhou Wei, người đứng đầu đơn vị kinh doanh tại thành phố Hàng Châu của dịch vụ HelloBike chia sẻ: “Trước khi điều chỉnh giá, chúng tôi đã sử dụng công nghệ Big Data để phân tích và kết quả cho thấy, khoảng 70% người dùng của chúng tôi sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá”.
Hiện tại HelloBike, chi phí bảo dưỡng 1 chiếc xe đạp là 0,3 – 0,6 nhân dân tệ, tức là vào khoảng hơn 2 nghìn đồng VN một ngày. Về lý thuyết, chỉ cần mỗi chiếc xe đạp của hãng được dùng 1 lần mỗi ngày thì hãng sẽ sinh lời. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là tỷ suất lợi nhuận thấp, và còn chưa tính tới nhiều loại chi phí khác như nghiên cứu, phát triển, tiếp thị hay thay thế xe mới…
Dù vậy, theo các chuyên gia, việc tăng giá sử dụng dịch vụ là điều cần thiết để các công ty có thể tồn tại. Trước đây, các doanh nghiệp, startup trong lĩnh vực chia sẻ xe đạp chủ yếu sử dụng tiền đặt cọc của người dùng để duy trì dòng tiền. Tuy nhiên ngày nay các dịch vụ này đã không còn yêu cầu tiền đặt cọc, do đó tiền thu được từ phí sử dụng dịch vụ của khách hàng đóng vai trò rất quan trọng.
Ông Liu Xingliang, Người đứng đầu trung tâm dữ liệu Internet Trung Quốc cho biết: “Trong quá khứ, mọi người đều có thể sử dụng xe đạp chia sẻ chỉ với chi phí tối thiểu. Các doanh nghiệp thì cạnh tranh với nhau bằng cách trợ giá cho người tiêu dùng. Tuy nhiên cách đó sẽ khiến doanh nghiệp không thể tồn tại. Chỉ khi cạnh tranh một cách lành mạnh, ngành công nghiệp chia sẻ xe đạp mới có thể phát triển trở lại”.
Bên cạnh đó, vẫn có những chuyên gia có cái nhìn bi quan hơn. Giáo sư Wu Weiqiang từ Viện khoa học chính trị và hành chính công, Đại học Công nghệ Triết Giang cho biết: “Tôi không nghĩ đây là mô hình có thể đem lại lợi nhuận rõ ràng. Trước đây, tiền gửi từ người dùng được sử dụng cho dòng tiền của doanh nghiệp. Nhưng bây giờ họ không thu tiền đặt cọc nữa mà lại tăng phí sử dụng. Điều này có thể khiến người dùng từ bỏ việc sử dụng dịch vụ xe đạp chia sẻ. Kết quả cuối cùng có thể sẽ trái với kỳ vọng”.