Từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, cần nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, hướng đến xây dựng “công dân số”.
Thành viên Tổ công tác chuyển đổi số xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công.
Xác định chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng với tất cả các lĩnh vực làm thay đổi mọi mặt của đời sống, Trà Vinh tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực, hướng đến cuộc sống hiện đại, thông minh hơn. Được Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đánh giá Trà Vinh hiện là tỉnh khá trong cả nước về chuyển đổi số, cơ bản hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đã xác định năm 2023 là “Năm dữ liệu số quốc gia”. Dữ liệu số và nền tảng số là những thành tố cơ bản cấu thành của chuyển đổi số. Dữ liệu số sinh ra từ nền tảng số và được khai thác bởi nền tảng số; dữ liệu số phong phú (đúng, đủ, sạch, sống) giúp nền tảng số hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, để thực hiện thành công chuyển đổi số, ý thức của người dân có vai trò quan trọng, mọi người cần nâng cao nhận thức chuyển đổi, hướng đến “công dân số”.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nầy, để trở thành “công dân số”, những điều kiện cần thiết là phải có 01 thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính để bàn, máy tính bảng, ti-vi có kết nối interrnet...), có đường truyền internet, có tài khoản dịch vụ công, tài khoản ngân hàng, chữ ký số, định danh điện tử trên môi trường mạng, có kỹ năng về chuyển đổi số…
Được biết, về hạ tầng số, đến nay, hệ thống internet băng rộng cáp quang đã được phát triển đến 100% xã, phường, thị trấn; 100% xã, phường thị trấn được phủ sóng di động 3G, 4G, đảm bảo cung cấp kết nối mạng cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh với tổng số 1.227 trạm thu phát sóng thông tin di động. Trên 84% người dân sử dụng internet; trên 76% dân số trên địa bàn tỉnh có điện thoại thông minh; tỷ lệ hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng đạt 69,3%… chất lượng dịch vụ bưu chính - viễn thông luôn được nâng cao sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho chuyển đổi số của tỉnh.
Tuy nhiên, để tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia, bộ, ngành, tỉnh cần có tài khoản dịch vụ công và đây được đánh giá là khâu yếu nhất bởi ý thức của người dân về đăng ký tài khoản dịch vụ công chưa cao, dù có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng thực tế người dân chưa tạo tài khoản nhiều và khi đã tạo tài khoản rồi thì sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng chưa cao.
Theo đồng chí Châu Ngọc Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang, nhằm giúp người dân chuyển đổi số, cán bộ, công chức, viên chức của xã và thành viên tổ công nghệ số cộng đồng các ấp đã và đang tích cực hỗ trợ người dân tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, do người dân địa phương còn nhiều khó khăn, trên 70% đồng bào Khmer, thanh niên, người lao động trong độ tuổi đi làm xa, nhiều gia đình chỉ còn người già và trẻ em ở nhà nên khi đến làm hồ sơ tại xã dù được hướng dẫn cài đặt, thực hiện dịch vụ công trực tuyến nhưng nhiều người chưa biết thực hiện, đa số đều được công chức, viên chức hỗ trợ. Riêng lực lượng cán bộ, công chức, viên chức của xã đã cài đặt tài khoản dịch vụ công và sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi làm các thủ tục hành chính.
Tại huyện Trà Cú, UBND huyện thực hiện mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm” trên địa bàn huyện năm 2023 với mô hình “Ngày thứ Năm chuyển đổi số”. Theo đó, vào ngày thứ Năm hàng tuần, tổ công tác của huyện phối hợp hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản và thực hiện nộp hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, kết hợp tuyên truyền về công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số. Bên cạnh, UBND xã thành lập Tổ công tác, vào thứ Năm hàng tuần đến từng ấp hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia và công dịch vụ công của tỉnh, giúp người dân có sẵn tài khoản, tạo thuận lợi khi đi làm các thủ tục hành chính… hướng đến mục tiêu trở thành “công dân số”.
Đồng chí Nguyễn Văn Nầy nhấn mạnh, Sở Thông tin và Truyền thông mong muốn từng cán bộ, công chức, viên chức, từng người dân trong tỉnh xác định tâm thế, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trở thành “công dân số”, sẵn sàng và tích cực tương tác, làm việc trên môi trường số, phát huy hiệu quả nền tảng số, dữ liệu số, góp phần vào thành công công cuộc chuyển đổi số và đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN