TPHCM: Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh

28/03/2022, 10:27

UBND TPHCM vừa có công văn khẩn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tình hình thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia năm 2021.

Một trong những kết quả nổi bật đối với nhiệm vụ tài chính ngân hàng năm qua đó là thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn TPHCM có những bước tăng trưởng mạnh mẽ.

Cụ thể, dịch vụ thẻ và hệ thống mạng lưới thanh toán POS ngày càng mở rộng. Đến cuối tháng 10/2021, số lượng thẻ đang hoạt động tại thành phố tăng khoảng 1,47% so với cuối năm 2020. Sản phẩm thẻ nội địa vẫn là sản phẩm chủ yếu của các ngân hàng trong nước chiếm 67,97%, thẻ quốc tế chiếm 32,03%. Số máy POS và máy ATM đang hoạt động lần lượt tăng 26,86% và 2,53% so với thời điểm cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, các ngân hàng và các tổ chức thanh toán trung gian trên địa bàn tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng chấp nhận thẻ, ví điện tử tại các điểm cung cấp dịch vụ để mở rộng địa bàn cung ứng các dịch vụ thanh toán hiện đại, đáp ứng nhu cầu thanh toán điện tử ngày càng cao của khách hàng. Đến cuối tháng 10/2021, tổng số đơn vị chấp nhận thẻ tăng 21,79% so với cuối năm 2020.

Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử vào cuối tháng 10/2021 tăng 46,24% so với cuối năm 2020 (Ảnh minh họa) 
Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử vào cuối tháng 10/2021 tăng 46,24% so với cuối năm 2020 (Ảnh minh họa) 

Dịch vụ ngân hàng điện tử cũng tiếp tục tăng trưởng. Việc phát triển đa dạng các kênh thanh toán hiện đại cùng với các tiện ích mang lại đã góp phần gia tăng số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử vào cuối tháng 10/2021 tăng 46,24% so với cuối năm 2020.

Ngoài ra, khối nhà nước đẩy mạnh thanh toán điện tử phục vụ chi tiêu công, thực hiện các khoản chi ngân sách qua tài khoản. Từ năm 2015, Kho bạc nhà nước đã phối hợp với Vietinbank triển khai chương trình mở thẻ tín dụng để mua sắm hàng hóa phục vụ chi tiêu công đến các đơn vị sử dụng ngân sách. Nếu như những năm trước có rất ít đơn vị, thì trong năm 2021, đã có 198/3.347 đơn vị tham gia chương trình.

Trong năm 2021, Kho bạc nhà nước đã triển khai thí điểm thanh toán tự động các khoản điện nước, điện thoại, viễn thông... đến các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Tiếp tục thực hiện tốt thanh toán lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Tỷ lệ đăng ký nộp thuế điện tử tại ngân hàng của các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đạt trên 94%, tỷ lệ doanh nghiệp đã thực hiện nộp thuế điện tử đạt trên 84% và 100% doanh nghiệp mới thành lập trên địa bàn đều đăng kí thực hiện kê khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử.

Tuy nhiên, UBND TPHCM cho biết vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc như phân bổ số lượng điểm cung ứng tài chính trên địa bàn nông thôn chưa đều. Số lượng ATM tại các huyện ngoại thành chưa nhiều trong khi tiền mặt vẫn được sử dụng phổ biến nên nhiều người muốn nhận tiền lương, tiền trợ cấp bằng tiền mặt.

Tại một số huyện ngoại thành, số lượng người dân có tài khoản ngân hàng hoặc sử dụng thẻ ngân hàng chưa cao. Người dân vẫn còn tâm lý lo sợ mất tiền trong tài khoản, hoặc bị gian lận thẻ.

Những người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng đa phần lớn tuổi, không thành thạo sử dụng công nghệ, thao tác khi rút tiền tại các máy ATM cũng như sử dụng các dịch vụ ngân hàng khác. Thói quen dùng tiền mặt vẫn là rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

UBND TPHCM kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với một số vấn đề như mô hình ngân hàng đại lý, lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) nhằm hỗ trợ các ngân hàng, các công ty trung gian thanh toán có cơ sở hoạt động tiếp cận khách hàng nhanh chóng hơn, cũng như tăng cường khả nắng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán cho người dân ở những vùng không có chi nhánh, điểm giao dịch.

Thành phố kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu triển khai cơ chế thử nghiệm một số nền tảng công nghệ tài chính như “cho vay ngang hàng”, “gọi vốn cộng đồng” để gia tăng cơ hội tiếp cận vốn và các dịch vụ tài chính khác cho các đối tượng gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

Chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường cơ cấu lại hệ thống mạng lưới hướng đến khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; nâng cao chất lượng phục vụ ATM, lắp đặt, sắp xếp các máy ATM hợp lý để người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ, đặc biệt là ở vùng nông thôn…

Quốc Ngọc


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO