Tổng thống Joe Biden cho biết, ông không đưa ra lời đe dọa nào trong 3 giờ hội đàm, tuy nhiên, đã nhấn mạnh đến quyền lợi của Mỹ, đồng thời làm rõ rằng, nước này sẽ phản ứng nếu Moscow không khắc phục những gì Washington đang quan ngại.
Cả hai đã đồng ý gửi đại sứ của mình trở lại thủ đô của nhau. Nga đã triệu hồi đại sứ của mình về nước sau khi ông Joe Biden gọi Tổng thống Putin là “sát thủ” vào hồi tháng 3, sau đó, Mỹ cũng có hành động tương tự. Sau cuộc họp, ông Putin cho biết, bản thân ông cảm thấy hài lòng với lời giải thích của người đồng cấp Mỹ về bình luận "sát thủ" nói trên.
Cả hai nhà lãnh đạo không che giấu sự khác biệt trong nhiều vấn đề, ví dụ như nhân quyền, khi ông Joe Biden cảnh báo hậu quả nếu chính trị gia đối lập ở Nga Alexei Navalny tử vong, hay trong vấn đề an ninh mạng, khi Washington yêu cầu Moscow ngăn chặn các vụ tấn công mạng có nguồn gốc từ lãnh thổ nước này.
Đáp lại, ông Putin cũng bày tỏ tính hợp pháp của việc Mỹ bắt giữ nhiều người biểu tình trong cuộc bạo loạn tại tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6-1.
Hai tổng thống thẳng thắn chia sẻ bất đồng trong hội nghị thượng đỉnh |
Tổng thống Nga và Mỹ đã hứa sẽ tổ chức các cuộc đàm phán cấp chuyên viên về vấn đề an ninh mạng nhưng chưa tiết lộ rõ thời điểm. Ngoài ra, cả hai lãnh đạo đều bảy tỏ quan điểm chung đồng thuận rằng, cần có các cuộc đối thoại về thay đổi điều khoản trong Hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược (New START).
Các quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ cho biết, 2 tổng thống, ngoại trưởng và phiên dịch viên đã nói chuyện trong 93 phút đầu tiên. Sau một khoảng thời gian nghỉ ngắn, hai bên tiếp tục gặp gỡ theo một nhóm đàm phán lớn hơn, bao gồm cả các đại sứ.
Sau cuộc họp, Tổng thống Putin đã bình luận rằng, "rất khó để nói quan hệ hai nước có được cải thiện hay không, tuy nhiên, điều này thực sự có tia hy vọng".