Chốt phiên giao dịch ngày 23.8, giá Bitcoin đã lần đầu tiên vượt mốc 50.000 USD kể từ tháng 5 vừa qua. Lực cầu bắt đáy mạnh khiến giá tiền ảo tăng vọt. Kể từ khi rơi xuống mức thấp kỷ lục trong 6 tháng là 29.000 USD, giá Bitcoin đã tăng hơn 70%.
Sau khi bật cao vọt đỉnh 50.000 USD cách đây 3 tháng, giá Bitcoin lập tức lao dốc không phanh sau khi tỉ phú Mỹ Elon Musk bất ngờ thông báo Tesla ngừng chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền kỹ thuật số do lo ngại lượng khí thải carbon khổng lồ từ việc đào coin. Cộng thêm một số thông tin tiêu cực từ động thái kiểm soát chặt hoạt động của tiền kỹ thuật số từ ngân hàng trung ương các nước, giá các đồng tiền ảo liên tục xuống thấp.
Mới đây tỉ phú Elon Musk và hãng xe điện Tesla tỏ ý sẽ hỗ trợ đồng Bitcoin. Ngay sau đó nhiều nhà đầu tư nổi tiếng khác, trong đó có nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey cũng thể hiện sự chú ý tới đồng tiền này.
Mặc dù tăng khá mạnh nhưng giá Bitcoin vẫn còn khá xa so với mức cao kỷ lục gần 65.000 USD thiết lập vào tháng 4 vừa qua.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát đi thông điệp đáng chú ý. Các chuyên gia của IMF cho rằng sự xâm lấn của tiền điện tử không được giám sát đa phương, đã dấy lên mối lo ngại về sự hỗn loạn trong hệ thống tài chính toàn cầu.
“Giá trị của stablecoin đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng 6 tháng qua, từ 25 tỉ USD lên 75 tỉ USD, trong khi tài sản tiền điện tử tăng gấp đôi từ 740 tỉ USD lên 1,4 nghìn tỉ USD. Trong khi đó, các tài khoản tiền điện tử đang phát triển nhanh chóng ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn, tiêu biểu là châu Phi”, IMF cho biết.
Giống như nhiều thành quả trong sự đổi mới công nghệ, sự ra đời của tiền kỹ thuật số luôn có 2 mặt, tốt và xấu. Nhưng sự phát triển của các định chế mới này, không phải là thứ nên để phó mặc cho thị trường điều tiết.
Theo dữ liệu về Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu (GCAI) do Chainalysis thống kê từ 154 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đứng đầu về chỉ số chấp nhận tiền điện tử.
Theo đó, tỉ lệ chấp nhận tiền điện tử của người dân trên toàn cầu năm 2021 tăng 881% so với 2020, dẫn đầu là Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan.
Tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phát đi thông điệp rõ ràng rằng, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Tại một toạ đàm trực tuyến về công nghệ mới đây, các chuyên gia cho rằng thời điểm này, "bong bóng tiền số" có thể đã đến gần. Người chơi mới không nên vào các hội nhóm tư vấn mua bao nhiêu, bán bao nhiêu. "Lướt sóng" là "bộ môn" dành cho người chơi chuyên nghiệp. Người đến sau không nên bị ảnh hưởng bởi hội chứng "FOMO" (Fear of Missing Out, cảm giác sợ hãi bị lỡ mất đi điều gì đó thú vị) mà "đu đỉnh bán đáy" trong thời điểm này.