Chiến lược chuyển đổi số “4 không 1 có”
Những năm vừa qua, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã từng bước ban hành các chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Năm 2014, Thừa Thiên Huế triển khai 5 phần mềm dùng chung theo định hướng hạ tầng dùng chung và cơ sở dữ liệu tập trung.
Năm 2016, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế được khai trương. Năm 2019, Quyết định số 1779/QĐ-UBND phê duyệt đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh.
Tháng 7/2020, Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định số 1957/QĐ-UBND phê duyệt chương trình chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế với phương châm “4 không 1 có” bao gồm: Làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung nhiều, dịch vụ công không gặp mặt, thanh toán không dùng tiền mặt và luôn luôn có câu hỏi thông tin, dữ liệu được tiếp cận đã được số hoá chưa.
Toàn cảnh thành phố Huế. |
Trao đổi với PV vào trung tuần tháng 6/2021, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước góp phần quan trọng trong thực hiện cải cách hành chính, hiện thực hóa lộ trình giảm giấy tờ, giảm thời gian, giảm chi phí trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Chuyển đổi số trong hệ thống cải cách hành chính, Nhà nước cần phải đi đầu, là điều kiện quan trọng thúc đẩy và phát huy hiệu quả sự đồng bộ chuyển đổi số các lĩnh vực kinh tế.
Từ năm 2020 đến nay, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế, chính quyền địa phương Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh hoạt động làm việc, hội họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến xã.
Những lúc cao điểm, mỗi cuộc họp có khi lên đến hơn cả 100 điểm cầu. Mục tiêu Thừa Thiên Huế đặt ra trong chương trình chuyển đổi số, đến 2030, tỉnh hoàn thiện mô hình chính quyền số, xã hội số; Đô thị thông minh trở thành mô hình phổ biến trong điều hành, vận hành hệ thống quản lý nhà nước và xã hội; Kinh tế số trở thành phương thức cốt lõi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Giám sát nhiều vấn đề trong đô thị TP Huế thông qua hệ thống camera cảm biến chuyển hình ảnh về Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC). |
Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến nay 100% các thủ tục hành chính của tỉnh được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên.
Tất cả hồ sơ của người dân, doanh nghiệp nộp được nhập vào hệ thống một cửa điện tử, do vậy người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu trạng thái giải quyết hồ sơ trực tuyến qua mạng Internet, SMS, Zalo… Khi người dân nộp hồ sơ liên quan đất đai có cung cấp số di động sử dụng Zalo, trạng thái hồ sơ được thông báo cho người dân.
Điều này giảm giấy tờ, thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận cao trong giải quyết thủ tục hành chính.
Ngoài xây dựng, phát triển hạ tầng mạng, hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đang thí điểm Đề án chính quyền số với nhiều nội dung hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm như: cung cấp tốt hơn các dịch vụ số sử dụng các công nghệ và công cụ hiện đại; nâng cao chất lượng các dịch vụ di động cho người dân, doanh nghiệp; đánh giá hiệu năng, chất lượng của dịch vụ và sự hài lòng của người dân để cung cấp dịch vụ một cách tốt nhất…
Ưu tiên chuyển đổi số ngành du lịch
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tich UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết,rong năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung chuyển đổi số đối với 4 ngành, trong đó ưu tiên ngành du lịch. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình, sản phẩm du lịch thông minh như: mô hình thực tế ảo, thuyết minh tự động tại các điểm di tích, số hóa các di sản văn hóa, thẻ du lịch thông minh…
“Tỉnh xác định phát triển du lịch theo hướng thông minh, bền vững nên ưu tiên tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành này. Chính vì thế, thời gian tới cần tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng như: đầu tư đảm bảo hệ thống hạ tầng, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch, phát triển các ứng dụng kết nối liên thông hệ thống thông tin quản lý từ Trung ương đến cơ sở; phát triển các ứng dụng thông minh phục vụ khách du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tập huấn đội ngũ nhân lực du lịch tại các doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số”, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm.
Chuyển đổi số giúp xây dựng hình ảnh cố đô Huế hiện đại, văn minh và thân thiện với người dân, doanh nghiệp và du khách. |
Để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ngành du lịch, trước hết, tỉnh Thừa Thiên-Huế cần từng bước số hóa tài nguyên du lịch, từ các điểm di tích, di sản, các cảnh quan, các hệ thống bảo tàng và tiến tới số hóa các dịch vụ du lịch; số hóa các yếu tố liên quan đến hoạt động du lịch của các ngành liên quan. Phát triển hệ thống công cụ, nền tảng số các ứng dụng thông minh để khai thác các dữ liệu số chung của tỉnh; kết nối hệ thống du lịch số của Thừa Thiên Huế vào hệ thống chung của quốc gia.
Tại Tuần lễ chuyển đổi số của tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức cuối tháng 4/2021, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế phải trở thành điểm đến của những sự kiện công nghệ lớn của quốc gia và thế giới hướng tới mục tiêu kép: Vừa phát triển du lịch, vừa phát triển công nghệ và trở thành mô hình mẫu thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số là một hành trình chứ không phải đích đến. Trên hành trình đó có vô vàn khó khăn, thử thách. Ở cấp độ địa phương, Thừa Thiên Huế hãy coi mình như một quốc gia thu nhỏ để vận dụng chiến lược phù hợp, đặt ra mục tiêu phù hợp và cách làm phù hợp.