Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành ngân hàng có vai trò quan trọng, dẫn dắt nền kinh tế đất nước

09/02/2022, 10:29

Ngày 8-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và chúc Tết cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và ngành ngân hàng. Cùng dự có Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Phát biểu với cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngành ngân hàng, Thủ tướng cho biết, trong thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của NHNN Việt Nam và ngành ngân hàng nói chung. “Ngành ngân hàng có vai trò quan trọng, dẫn dắt nền kinh tế đất nước; cán bộ, nhân viên, lao động ngành ngân hàng cần tự hào với ngành và công việc của mình “đã nỗ lực rồi, nỗ lực hơn nữa; đã cố gắng rồi, cố gắng hơn nữa”, đổi mới, tiên phong trong xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN), nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc; vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc Tết và giao nhiệm vụ cho ngành Ngân hàng. Ảnh: TTXVN. 

Thủ tướng nhận định, năm 2022, kinh tế thế giới và trong nước được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường do tác động của đại dịch Covid-19. Thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có thể biến động phức tạp; xu hướng tăng lãi suất dự kiến được đẩy mạnh tại các nước đang phát triển khi kinh tế phục hồi và mở cửa trở lại. Giá cả hàng hóa thế giới được dự báo tăng cao, chuỗi cung ứng quốc tế chậm phục hồi sẽ tác động mạnh đến việc kiểm soát lạm phát tại các nước... đặt ra những thách thức cho hoạt động của ngành ngân hàng nước ta.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ xây dựng, triển khai Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), tạo nền tảng quan trọng để thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Chính phủ xác định chủ đề điều hành năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển".

Với tinh thần và mục tiêu đó, Thủ tướng đề nghị NHNN Việt Nam tăng cường công tác phân tích, dự báo; tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận thuận lợi nguồn vốn ngân hàng để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục các giải pháp đa dạng hóa dịch vụ, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số mạnh mẽ để mang lại tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, trong đó cần khuyến khích các tổ chức tín dụng tích cực tham gia vào quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng mua bắt buộc, bảo đảm an toàn, lành mạnh của toàn hệ thống cũng như của từng tổ chức tín dụng.

Thủ tướng yêu cầu NHNN Việt Nam kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng để tránh rủi ro hệ thống; tăng cường quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng huy động vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến việc phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với ý chí, quyết tâm cùng với kinh nghiệm và những kết quả rất quan trọng đã đạt được trong thời gian qua, với tinh thần đoàn kết, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy và nỗ lực hơn nữa để đạt được những thành tích to lớn hơn trong năm 2022.

TTXVN


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO