Thu phí không dừng (Electronic Toll Collection - ETC) là mô hình thu phí dành cho phương tiện giao thông được nhiều quốc gia sử dụng. Trong đó, Singapore được đánh giá là một trong những nước sở hữu hệ thống giao thông hiệu quả nhất thế giới khi áp dụng thu phí đường bộ với phương tiện tham gia giao thông.
Năm 1989, quốc gia này đã ra mắt hệ thống thu phí không dừng, còn gọi là hệ thống định giá đường bộ điện tử (Electronic Road Pricing - ERP) và chính thức áp dụng từ năm 1998.
Thiết bị thu phí không dừng tại Singapore
ERP được đặt trên đường cao tốc và dọc theo những tuyến đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông cao và không có thanh chắn (barie). Hệ thống này hoạt động dựa trên 3 bộ phận chính, gồm các cổng ERP trên đường, thiết bị thu phí gắn trên phương tiện giao thông (In-vehicle Unit - IU) và thẻ trả phí giao thông tự động (CashCard hay EZ-Link).
IU có khả năng hiển thị chữ số, phát âm thanh để thông báo cho tài xế về khoản tiền bị trừ và số dư. Xe chỉ cần đi qua cổng ERP, hệ thống sẽ tự động trừ phí trong thẻ trả trước bằng công nghệ liên lạc vô tuyến tầm ngắn (DSRC) chuyên dụng. Công nghệ này sẽ xác định tình trạng, chức năng hoặc loại IU để nhận biết phương tiện rồi trừ khoản phí phù hợp trên thẻ.
Hiện nay, có 78 trạm thu phí ERP trên khắp Singapore, chia thành 3 khu vực chính gồm đường huyết mạch, đường cao tốc và tuyến đường nối với khu trung tâm. Mức phí áp dụng thay đổi tùy thuộc vào địa điểm, thời gian và loại phương tiện nhưng thường đắt nhất vào giờ cao điểm.
Bị phạt nặng nếu trốn nộp tiền
Số tiền bình quân chủ xe phải trả qua từng cổng gắn ERP rơi vào 0,5-3 SGD. Với những giờ cao điểm từ 7-9h hay 15-16h, con số này sẽ tăng lên. Ngược lại, ở những thời điểm phương tiện lưu thông bình thường, mức phí thu ở các trạm sẽ thấp hơn.
Mức phí sẽ thay đổi 30 phút một lần theo mật độ lưu thông trên đường, cứ mỗi 3 tháng sẽ được xem xét và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Giá cước được điều chỉnh để đảm bảo tốc độ các phương tiện nằm trong phạm vi tối ưu, 45-65 km/h với đường cao tốc và 20-30 km/h với đường huyết mạch.
Bộ thiết bị thu phí tự động được gắn trên xe và đặt ở phía trước, phí lắp đặt là 155 SGD. Nếu đi qua trạm thu phí mà xe không có IU, chủ xe sẽ bị phạt 70 SGD.
Trên IU có khe để lái xe lắp thẻ trả trước CashCard hoặc EZ-Link vào. Người dùng phải nạp tiền trước vào các thẻ này. Khi xe đi qua ERP, số tiền phải trả sẽ được trừ tự động sau 10 giây.
Với những người ngại phiền vì phải đảm bảo trong thẻ luôn có tiền, họ có thể thanh toán bằng thẻ ngân hàng thông qua ví Motorpay, EZ-Pay hoặc Virtual CashCard.
Nếu vào cổng ERP mà thiết bị IU không bật hoặc không đủ tiền, chủ xe sẽ bị ghi hình lại và phạt tiền. Trong vòng 10 ngày, họ sẽ nhận được giấy báo phí bằng phí vào thời điểm qua ERP kèm theo 10 SGD tiền phạt. Tuy nhiên, người dùng cũng có thể thanh toán qua một số cổng để được giảm tiền phạt.
Nếu đóng phạt chậm, vé phạt sẽ tăng lên 70 SGD. Trong trường hợp quá 28 ngày, chủ phương tiện có thể bị triệu tập ra tòa.
Bản nâng cấp sử dụng vệ tinh và AI
Dù hoạt động hiệu quả, Singapore vẫn tiếp tục nâng cấp và cải thiện hệ thống. Trong thời gian tới, ERP sẽ không còn hoạt động dựa trên camera, thay vào đó sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GNSS. Thay vì lắp đặt cổng thu phí cố định trên đường, GNSS sử dụng vệ tinh để nhận diện và tính phí khi xe di chuyển đến những khu có lưu lượng giao thông cao.
Việc tính cước, truyền đạt thông tin sẽ diễn ra trên bộ thiết bị mới có tên On-board Unit (OBU), người dân có thể đăng ký thay thế miễn phí cho thiết bị IU cũ. Với xe máy, OBU chỉ là một thiết bị đồng bộ. Trên xe hơi và những phương tiện khác, OBU gồm một ăng-ten, bộ xử lý và màn hình cảm ứng.
Singapore dự tính áp dụng công nghệ này vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lên chuỗi cung ứng khiến lịch trình được dời đến năm 2023.
Với GNSS, chủ xe có đầy đủ dữ liệu về tình hình giao thông như thông tin bãi đậu xe, đoạn đường đang sửa chữa và chi phí thông qua OBU. Từ đó, họ có thể lập kế hoạch cho hành trình di chuyển, tránh các con đường tắc nghẽn.
Trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa khắp nơi đang tăng cao, việc các nhà cung cấp chất bán dẫn ngừng hoạt động đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất thiết bị điện tử trong nhiều lĩnh vực. Nguồn cung các vi mạch quan trọng cho công nghệ GNSS bị thiếu hụt do các nhà cung cấp không đủ khả năng đáp ứng lịch trình giao hàng.
Học tập Singapore, nhiều quốc gia trên thế giới cũng áp dụng mô hình thu phí không dừng. Tại Thái Lan đang triển khai hệ thống thu phí M-Flow, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện chính xác biển số xe và thu phí.
So với hệ thống cũ, M-Flow có thể xác định và tính phí khi xe chạy tốc độ lên tới 120 km/h, thời gian xử lý nhanh hơn 5 lần. Chủ xe có thể thanh toán qua thẻ tín dụng, chuyển khoản, ngân hàng trực tuyến, ATM...
Hiệu quả từ thu phí không dừng
Hệ thống thu phí ERP được đánh giá là phương pháp hiệu quả giúp quản lý lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, đồng thời tiết kiệm nhân lực và chi phí. Với lợi thế về diện tích chiếm dụng ít hơn, cắt giảm toàn bộ nhân viên bán vé và chi phí duy trì thấp hơn, mô hình này đã hoàn toàn thay thế hệ thống thu phí bằng giấy tại đảo quốc sư tử.
Ngay khi áp dụng hệ thống thu phí thủ công qua chương trình Area Licensing Scheme (ALS), lưu lượng xe tham gia giao thông tại Singapore giảm 45%, các vụ va chạm giảm 25%. Sau khi triển khai ERP, lưu lượng xe giảm thêm 15%, giúp tốc độ di chuyển được duy trì tối ưu. Lượng người đi làm sử dụng phương tiện công cộng cũng tăng gần 20%.
Giảm lưu lượng phương tiện giao thông cũng giúp cải thiện chất lượng không khí tại Singapore khi lượng khí thải (CO2) được giảm hơn 80 tấn. "Điều đó cho thấy những biện pháp dùng để kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông, bao gồm chính sách giao thông đường bộ và môi trường đã hoạt động hiệu quả tại Singapore", Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore nhận định.
ERP cũng mang về doanh thu lớn cho đơn vị vận hành. Theo Quỹ Bảo vệ Môi trường (Environmental Defense Fund), việc triển khai hệ thống ERP tiêu tốn khoảng 200 triệu SGD (khoảng 125 triệu USD). Doanh thu hàng năm từ ERP đạt 80 triệu SGD (khoảng 50 triệu UGD), cao hơn so với chi phí duy trì mỗi năm là 16 triệu SGD (khoảng 10 triệu USD).
Mặt khác, ERP cũng giúp kiểm soát các hành động vi phạm, lách luật của cá nhân tham gia giao thông. Khi đi qua cổng ERP, camera sẽ chụp ảnh từng chiếc xe kèm thông tin biển số. Nếu có vi phạm như xe không gắn thẻ hoặc không nạp đủ tiền, hệ thống sẽ gửi hình ảnh của phương tiện đến Trung tâm Hệ thống Giao thông Thông minh Singapore (ITSC). Trung tâm này sẽ gửi vé phạt tới chủ phương tiện không chấp hành luật lệ.