Thí điểm chuyển đổi số cấp xã: Chuyển biến tư duy, quyết liệt hành động

28/12/2021, 10:31

(TTV) - Căn cứ trên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cùng những kết quả khả quan đã đạt được trong việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm xây dựng chính quyền điện tử, từ cuối năm 2020, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định lựa chọn 3 xã: Hà Sơn của huyện Hà Trung, Nga An của huyện Nga Sơn và Yên Thọ của huyện Như Thanh là 3 địa phương đầu tiên của tỉnh thí điểm chuyển đổi số cấp xã. Sau 1 năm triển khai, chương trình thí điểm đã cho thấy những kết quả khả quan và những bài học kinh nghiệm để thực hiện chuyển đổi số nhanh và bền vững hơn ở các địa phương khác trong tỉnh.

Bắt tay vào chuyển đổi số, xác định hạ tầng kỹ thuật là bước đầu tiên cần hoàn thiện, UBND các xã Hà Sơn, Nga An và Yên Thọ đã chủ động phối hợp chặt chẽ cùng đơn vị chủ trì thực hiện thí điểm là VNPT Thanh Hóa tiến hành lắp đặt cáp quang, đảm bảo độ phủ internet băng thông rộng và sóng di động đến 100% các hộ gia đình và cơ quan, công sở trên địa bàn; tối ưu hệ thống máy tính, phần mềm tại UBND xã, Trạm Y tế và trường học nhằm khai thác tối đa lợi ích từ ứng dụng công nghệ thông tin. Nhờ hạ tầng được trang bị tốt, nhiệm vụ triển khai chính quyền số đã ghi những dấu ấn cực kỳ quan trọng: 100% cán bộ, công chức xã đã thực hiện làm việc và ký số trên môi trường điện tử; cung cấp công khai, minh bạch dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 với tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, xử lý đúng hạn đạt 100%, không còn tình trạng người dân phải chờ đợi, xếp hàng lâu tại bộ phận một cửa để thực hiện thủ tục hành chính. Đáng chú ý, các địa phương đã thực hiện kết nối hội nghị trực tuyến xuống tận cấp thôn, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp.

Có thể thấy, chuyển đổi số đã làm chuyển biến căn bản nhận thức và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đem lại sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Đối với nhóm nhiệm vụ về xây dựng xã hội số, trong khuôn khổ chương trình thí điểm, Sở Thông tin và Truyền thông, VNPT Thanh Hóa và UBND các xã xác định tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu gồm: Y tế, Giáo dục và An ninh trật tự. Trong đó, lĩnh vực y tế đã triển khai phần mềm khám chữa bệnh VNPT HIS song song với các phần mềm sổ sách báo cáo, từng bước số hóa dữ liệu cư dân, liên thông hơn 40 loại báo cáo đến cấp huyện, từ đó giảm thiểu việc phải nhập lại nhiều nội dung như trước và cho phép người dân cập nhật nhanh chóng tình trạng tiêm vaccine phòng COVID-19 lên các ứng dụng của Bộ Y tế. Ngoài ra, các xã cũng đã triển khai hệ thống camera giám sát an ninh trật tự tại các tuyến giao thông trục chính, kịp thời phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật và tai nạn giao thông trên địa bàn.

Tuy nhiên, quá trình triển khai chuyển đổi số cũng đã cho thấy một số khó khăn, đặc biệt là trong xây dựng kinh tế số. Điểm mấu chốt để xây dựng thành công nền kinh tế số là thương mại điện tử và nền tảng thanh toán điện tử. Nhưng ở khu vực nông thôn, việc triển khai cả 2 nội dung này đều còn rất hạn chế. Người dân không có thói quen thanh toán trực tuyến và chưa sẵn sàng thay đổi phương thức mua bán hàng từ truyền thống sang môi trường mạng. Điều này cho thấy, để chuyển đổi số thành công, cần tiếp tục tăng cương các giải pháp tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của chuyển đổi số, thiết lập thói quen giao dịch online và sử dụng thiết bị thông minh, máy tính như một công cụ thiết yếu, phục vụ trực tiếp cho đời sống. Bên cạnh đó, là sự vào cuộc đồng bộ, liên tục của các cấp, các ngành, đơn vị cung ứng dịch vụ trong việc cải thiện hơn nữa hạ tầng số, linh hoạt các chương trình hành động, đảm bảo phù hợp với thực tiễn từng giai đoạn./.

Theo Tuyết Hạnh – Linh Sơn/Bản tin Thanh Hóa ngày mới 27/12


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO