Mới đây, Tổng cục Thuế cho biết đã nắm thông tin của hơn 53.000 cá nhân và 14.800 tổ chức bán hàng trên Shopee, Lazada, Sendo... Dựa trên các thông tin này, cơ quan thuế sẽ rà soát để đưa nhiều cá nhân, tổ chức vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp để điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu.
Cá nhân tôi là một người bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Từ thực tế trải nghiệm, tôi cho rằng kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook, Zalo mới có thu nhập cao, còn bán trên sàn thương mại điện tử lãi rất ít, chủ yếu chạy số lượng để bù vào. Do bán online nhàn nên ai cũng phá giá để bán, miễn có lãi là được, trong đó có tôi.
Chưa kể, trên sàn thương mại điện tử, người mua được so sánh giá nên rất cạnh tranh, khách cứ lựa ai bán rẻ là họ mua chứ không quan tâm đến chất lượng sản phẩm khác nhau thế nào, nên lợi nhuận càng ít. Để bán được hàng trên sàn thương mại điện tử, người bán buộc phải giảm lợi nhuận, tập trung vào bán số lượng lớn để giành khách, giành đánh giá sản phẩm và lên được top tìm kiếm.
Thế nhưng, theo quy định, nếu doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên, người bán hàng phải nộp thuế thu nhập cá nhân với mức 0,5% và thuế giá trị gia tăng ở mức 1% doanh thu, không cần biết bán lời hay lỗ, chi phí thế nào, có miễn trừ gia cảnh gì không... và truy thu từ năm 2018 - từ lúc mà quy định về thuế còn là một thứ gì đó rất mông lung.
>>Thu thuế bất động sản thứ hai và bán hàng online
Hiểu đơn giản, người bán hàng cá nhân sẽ không có giấy tờ nhập và xuất, dẫn tới không thể tính được lợi nhuận, đồng nghĩa cũng không thể làm chi phí. Ví dụ sản phẩm điện thoại bán giá 5 triệu đồng, người bán lãi được 200.000 một sản phẩm (chưa trừ chi phí nhân viên) đã mừng rồi. Và rồi sau vài năm, họ bị truy thu thuế ngược với mức 1.5% cho 5 triệu đó (tức 75.000 đồng), còn bị phạt nộp chậm, tương đương với việc đóng thuế lên tới hơn 50% lợi nhuận một sản phẩm. Như vậy, thử hỏi là cao hay thấp?
Năm 2021, khi nghe thông tin về việc thu thuế, tôi cũng đã bán giá cao lên đôi chút, nhưng vẫn chẳng thấm vào đâu nếu bị truy thu thuế theo kiểu này. Tôi bỏ vốn ban đầu có vẻn vẹn hơn 100 triệu đồng, nhưng tổng doanh thu ba năm lên tới 16 tỷ đồng. Nếu theo cách tính trên, tiền đóng thuế và phạt rơi vào khoảng hơn 300 triệu đồng. Nhưng vốn của tôi giờ chỉ có 150 triệu đồng để nhập hàng. Thế nên, tôi đang suy nghĩ đến việc phải xin bố mẹ chia đất sớm để bán lấy tiền bù đóng thuế. Xong xuôi, có lẽ tôi cũng chuyển sang nghề khác, ai trụ được thì làm tiếp chứ tôi bỏ cuộc.
Thực tế, ngành điện tử bán trên các sàn TMĐT, lãi sau trừ chi phí chỉ rơi vào tầm 1-3% vì các shop đua nhau phá giá sập sàn. Doanh thu bán thì tính tiền tỷ, nhưng lãi chỉ tính bằng tiền triệu. Nếu giờ bị truy thu thuế bán từ tận năm 2018 tới giờ thì coi như là bán không hề có lãi trong mấy năm. Nói chung nhìn thấy doanh thu khủng cũng chưa chắc đã lãi nhiều đâu. Nên tôi rất hy vọng bên cục Thuế sớm có những nghiên cứu, cân nhắc tính toán từ nhiều phía để làm sao có thể hài hòa lợi ích giữa các bên.
Nghị định số 52/2013 của Chính phủ quy định người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và chủ sàn phải có nghĩa vụ hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Dù bán hàng online phát triển rất mạnh nhưng hầu hết đều không kê khai và nộp thuế. Việc các cá nhân này có thể dễ dàng lách thuế là vì những người mua hàng online trên Facebook, trên các sàn thương mại điện tử... đều không lấy hóa đơn. Các tổ chức cũng như cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử cho rằng cơ quan thuế không nắm được doanh thu này nên không thực hiện kê khai nộp thuế trong suốt nhiều năm qua.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.