Thế giới đã có hơn 700 triệu người dùng 5G

03/05/2022, 20:31

Thông tin được ông David Wang, Giám đốc điều hành của Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản lý Cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin, Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) chia sẻ cách đây ít hôm tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà phân tích toàn cầu của Huawei 2022…

Ông David Wang cho biết 5G đã phát triển nhanh chóng trên khắp thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 200 nhà mạng trên toàn cầu đã đưa 5G vào sử dụng thương mại và tổng số người dùng 5G đã vượt quá 700 triệu người.

Thống kê của Huawei – tập đoàn công nghệ đang dẫn đầu về 5G – rằng trên thực tế, ngành công nghiệp di động đã bước vào kỷ nguyên 5G vào khoảng năm 2020 và kỷ nguyên 6G dự kiến sẽ đến vào một thời điểm nào đó sau năm 2030. Hai năm trước, khi lần đầu tiên bắt đầu triển khai 5G trên quy mô lớn, Huawei đã lên kế hoạch và xác định lộ trình tiếp tục phát triển từ 5G lên 6G.

Theo ông Ken Hu, Chủ tịch luân phiên của Huawei, trong lĩnh vực kết nối, tập đoàn công nghệ của Trung Quốc này sẽ tiếp tục thúc đẩy bằng việc công bố tầm nhìn mang kết nối 10 Gbps đến mọi nơi với 5.5G và F5.5G, cũng như công bố bước phát triển tiếp theo trong mạng không dây và cố định.

Trong quá trình triển khai thương mại 5G tập đoàn công nghệ của Trung Quốc nhận thấy bản thân 5G có nhiều hạn chế. Ví dụ, tốc độ đường lên và đường xuống vẫn không đủ để đáp ứng các yêu cầu trong nhiều trường hợp. Độ trễ không đủ thấp để đáp ứng các yêu cầu về trải nghiệm mạng chất lượng cao.

Ngoài ra, 5G cần phải cải thiện để hỗ trợ IoT – xu hướng đang phát triển rất mạnh hiện nay. Do đó đây chính là lý do mà ngành công nghiệp viễn thông di động cần bàn bạc và hướng đến tốc độ kết nối với 5.5G. Người tiêu dùng có thể cảm nhận được sự cải tiến mà 5.5G sắp mang lại vào khoảng năm 2025. Khi công nghệ 5G phát triển hơn nữa, tốc độ đường xuống cao nhất sẽ đạt 10 Gbps và tốc độ đường lên cao nhất sẽ đạt 1 Gbps.

Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà phân tích toàn cầu của Huawei 2022, ông Ken Hu thẳng thắn cho biết hiện Huawei đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức (tuy điều này đã phản ánh vào kết quả kinh doanh năm 2021 của tập đoàn khi doanh thu năm này chỉ đạt 636,8 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 99,9 tỷ USD, giảm gần 29%, tuy vậy lợi nhuận lại của Huawei lại tăng 76% so với năm trước, đạt 113,7 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 17,8 tỷ USD) nhưng vẫn còn hiện diện trong năm 2022, đó là việc cấm vận, xung đột địa chính trị, đại dịch kéo dài, lạm phát toàn cầu, chi phí hàng hóa số lượng lớn tăng và biến động tỷ giá hối đoái có thể xảy ra.

Những thay đổi này sẽ làm cho những thách thức trong môi trường kinh doanh của chúng ta trở nên nghiêm trọng hơn, vị Chủ tịch luân phiên của Huawei nhìn nhận. Trước những thử thách trên, một trong những giải pháp quan trọng của Huawei là tiếp tục đầu tư mạnh cho đổi mới sáng tạo – một phần cốt lõi trong chiến lược phát triển của Huawei. Trong gần một thập kỷ qua, chiến lược của Huawe là tái đầu tư ít nhất 10% doanh thu hàng năm vào nghiên cứu phát triển (R&D). Năm 2021, Huawei đã dành khoản đầu tư hơn 22% trên tổng số doanh thu vào R&D.

Cụ thể tập đoàn công nghệ này đã chi 22,4 tỷ USD vào R&D, chiếm 22,4% tổng doanh thu và góp phần nâng tổng chi phí R&D 10 năm qua lên hơn 132,66 tỷ USD. Từ năm 2012 đến 2021, khoản đầu tư vào R&D của Huawei đã tăng trưởng liên tục. Nếu như năm 2013, Huawei chi 13,2% doanh số vào R&D, thì đến năm 2021, con số đã tăng lên 22,4% doanh số.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO