Thanh Hóa nỗ lực chuyển đổi đưa người dân, doanh nghiệp lên không gian số

23/10/2023, 21:45

Chuyển đổi số tại Thanh Hóa đã đạt nhiều thành tựu lớn. Tuy nhiên hiện không ít doanh nghiệp vẫn "mơ hồ" về chuyển đổi số, nên gặp khó khăn trong xác định chiến lược kinh doanh. Doanh nghiệp mong muốn có Quỹ chuyển đổi số cho doanh nghiệp để thực hiện công tác: huấn luyện, đào tạo, tập huấn, thay đổi tư duy, chuyển giao...

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số khu vực miền Trung; khai trương cổng dữ liệu mở tỉnh Thanh Hóa và ra mắt ứng dụng Thanh Hóa.

Theo ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện hạ tầng Viễn thông - Công nghệ thông tin đã được các doanh nghiệp đầu tư triển khai đến hầu khắp các thôn, bản trên địa bàn tỉnh, góp phần sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Các Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư và duy trì, cung cấp các phần mềm ứng dụng trong cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước hoạt động ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Nền tảng chia sẻ, tích hợp nội tỉnh (trục LGSP) hoạt động một cách thường xuyên, ổn định, đáp ứng được việc trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng nội tỉnh cũng như với các cơ quan trung ương.

Thanh Hóa đã xây dựng và đưa vào hoạt động Cổng dữ liệu mở của tỉnh, bước đầu đã cung cấp 195 cơ sở dữ liệu thuộc 15 lĩnh vực, phục vụ việc cung cấp, chia sẻ dữ liệu kịp thời, công khai, minh bạch dữ liệu của cơ quan chính quyền tới doanh nghiệp và người dân.

Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác dữ liệu dân cư trong việc thực hiện thủ tục hành chính.

Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa đã thực hiện việc xử lý văn bản và hồ sơ công việc, gửi/nhận văn bản hoàn toàn trên môi trường điện tử trong 03 cấp chính quyền từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã. Cổng dịch vụ công của tỉnh và Hệ thống một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã hiện tại có hơn 85.000 tài khoản người dân, doanh nghiệp với hơn 27.662.427 lượt truy cập.

Cổng dịch vụ công cung cấp 890 dịch vụ công trực tuyến một phần và 872 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia 1.202 dịch vụ; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước và đúng hạn đạt 97,61%.

Tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của tỉnh đạt 8,28%. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử với hơn 152 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và 11.361 sản phẩm đặc trưng của các huyện; cung cấp hơn 105.815 tem truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ trên 854.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, cho rằng, Thanh Hóa cũng như các địa phương miền Trung cần xác định phát triển công nghiệp ICT là cơ hội để đẩy đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế-xã hội nhanh hơn, hiệu quả cao hơn và bền vững hơn.

Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao việc UBND tỉnh Thanh Hóa đã đưa lĩnh vực CNTT là lĩnh vực có vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương để ưu tiên phát triển bên cạnh các lĩnh vực khác là công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.

Make in Viet Nam đã được cộng đồng doanh nghiệp không chỉ trong lĩnh vực công nghệ số hưởng ứng mà đã tạo hiệu ứng tích cực trong tất cả các lĩnh vực khác, đã được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận.

Các sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam thời gian qua đã hướng tới tập trung vào việc giải quyết các thách thức tồn tại trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đồng thời chung tay cùng nhà nước góp phần giải quyết một số vấn đề nóng của xã hội trong các mọi lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông, chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia.

Ông Đới Sỹ Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa, Thanh Hóa hiện có hơn 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có gần 21.000 doanh nghiệp hoạt động và có phát sinh doanh thu. Doanh nghiệp Thanh Hóa chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ, hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực và được phân bổ ở khắp 27 huyện, thị xã và thành phố.

Về cơ bản, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những nhìn nhận tích cực về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Một số ngành nghề đang có những bước chuyển đổi số rất nhanh, mạnh mẽ như: lĩnh vực nội dung, thương mại điện tử, du lịch, dịch vụ, sản xuất công nghiệp tự động hóa và đặc biệt là tài chính - ngân hàng. Song, các lĩnh vực: nông nghiệp, chế biến, chế tạo có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số còn thấp.

Ông Đới Sỹ Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa:
Ông Đới Sỹ Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa:

Nhiều doanh nghiệp vẫn "mơ hồ" về chuyển đổi số, nên gặp khó khăn trong xác định chiến lược kinh doanh.

Ông Đới Sỹ Nam đề nghị UBND tỉnh xem xét thành lập Quỹ chuyển đổi số cho doanh nghiệp để thực hiện công tác: huấn luyện, đào tạo, tập huấn, thay đổi tư duy, chuyển giao... (nếu có thể) giao cho HHDN tỉnh quản lý Quỹ này để thúc đẩy chuyển đổi số;

Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh Thanh Hóa xem xét, nghiên cứu xây dựng điển hình trong chuyển đổi số để biểu dương, khen thưởng hằng năm; tạo động lực và khí thế thi đua sôi nổi về chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp; tăng uy tín doanh nghiệp trên thị trường và trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.

Các đại biểu tham quan, nghe giới thiệu về hệ sinh thái số
Các đại biểu tham quan, nghe giới thiệu về hệ sinh thái số

Ông Lê Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Thanh Hóa chia sẻ, mặc dù đã đạt được một số thành tựu nổi bật, quá trình chuyển đổi số Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Đó là, cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu, trong khi nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp còn rải rác, chưa được thiết kế và số hóa đồng bộ. Nông nghiệp thông minh và công nghệ cao cần phải đầu tư hơn nhiều so với nông nghiệp truyền thống nên phần lớn các hộ không đủ điều kiện để đầu tư.

Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật mặc dù đã được đầu tư chuyên sâu nhưng vẫn còn chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất; các tiêu chí về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cùng với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất cho từng đối tượng vật nuôi, cây trồng chưa được ban hành.

Ngoài ra, nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn tín dụng trong đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn hạn chế;

Diện tích canh tác nhỏ; các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế. Đầu tư, phát triển thương mại điện tử, nhất là đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại theo sản phẩm chủ lực và đặc trưng của địa phương trong tình hình mới trên nền tảng số, sàn giao dịch điện tử.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO