Thách thức, nguy cơ trong phát triển TMĐT của Việt Nam và đề xuất

20/05/2022, 09:57

Thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển bùng nổ tại Việt Nam nhưng gặp không ít những thách thức. Việt Nam cần có chính sách phù hợp để phát triển TMĐT, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lấy nòng cốt là các sàn TMĐT của doanh nghiệp (DN) bưu chính Việt Nam.

Tiềm năng TMĐT Việt Nam

Doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ. Mục tiêu đến năm 2025, TMĐT chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ tại Việt Nam.

Tính đến tháng 03/2022, đã có 1.446 sàn giao dịch TMĐT đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nằm trong nhóm các thị trường bán lẻ TMĐT phát triển nhanh nhất.

Theo số liệu thống kê được Bộ TT&TT thống kê và phân tích dựa trên báo cáo E-Conomy SEA - 2021 và báo cáo "Việt Nam: TMĐT tăng tốc sau COVID-19" của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) 2021, đại dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen tiêu dùng Việt Nam. Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng số mới kể từ khi đại dịch bắt đầu, với 55% đến từ khu vực ngoài thành thị. Trong đó, những người sử dụng các dịch vụ số trước đại dịch - đã sử dụng thêm trung bình 4 dịch vụ kể từ khi đại dịch xảy ra và mức độ hài lòng của hầu hết người dùng với các dịch vụ này đạt 83%. Xu thế tăng trưởng của hoạt động mua sắm hàng trực tuyến vẫn được tiếp tục duy trì, ngay cả sau giai đoạn giãn cách xã hội. Mua hàng trực tuyến đã dần trở thành thói quen mua sắm thường xuyên của người dân.

Các số liệu trên cho thấy Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để tăng tốc phát triển TMĐT, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nhất là các địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nam Bộ.

Các thách thức, nguy cơ trong phát triển TMĐT của Việt Nam

Sàn giao dịch TMĐT nước ngoài đang chi phối thị trường Việt Nam

Theo Bộ TT&TT, thách thức đầu tiên là thị trường TMĐT Việt Nam hiện nay đang bị chi phối bởi các DN nước ngoài. Đáng chú ý một số DN xuất phát điểm là DN Việt Nam nhưng khi thành công thì được nước ngoài mua lại hoặc do pháp nhân nước ngoài nắm cổ phần chi phối.

Điển hình như sàn Tiki vốn là một sàn bản địa Việt Nam, đến cuối năm 2020 vốn ngoại tại sàn này đã chiếm gần 55%, và đến 2021 sàn này chuyển 90,5% cổ phần cho pháp nhân Tiki Global của Singapore. Như vậy, Tiki đã trở thành DN Singapore. Tương tự, sàn Sendo xuất phát điểm là DN Việt Nam, nhưng đến cuối năm 2020 vốn ngoại tại sàn này đã lên tới hơn 65%.

Việc chi phối thị trường của các sàn TMĐT nước ngoài thể hiện rõ qua số lượt truy cập. Theo số liệu tháng 02/2022, tổng số lượt truy cập trên Shopee là 78,5 triệu lượt, trên Lazada là 14,8 triệu lượt, trên Tiki là 14,1 triệu lượt và Chợ tốt (Việt Nam) là 12,7 triệu lượt.

Trong bảng xếp hạng các ứng dụng di động (Android, iOS) mua sắm tại Việt Nam, Shopee cũng là ứng dụng được sử dụng nhiều nhất, xếp sau lần lượt là Lazada, Tiki.

20220519-pg6.png

Sự chi phối của sàn giao dịch TMĐT nước ngoài còn được thể hiện ở sở thích của người tiêu dùng: Khoảng 51% người Việt Nam coi Shopee là nền tảng mua sắm yêu thích, Lazada đứng thứ hai (18%), tiếp theo là Facebook (8%), Tiki (7%). Hơn nữa, hơn 70% người dùng trẻ tuổi (17-25 tuổi) cũng coi Shopee là sàn giao dịch TMĐT tốt nhất.

20220519-pg7.png

Các thách thức khác

Tiếp theo là nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng. Với tỉ lệ chiếm lĩnh thị trường TMĐT lớn, các sàn TMĐT có sở hữu nước ngoài không những có doanh thu lớn tại thị trường Việt Nam mà còn nắm giữ một lượng lớn dữ liệu của người Việt Nam, từ các trường thông tin cơ bản như tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại liên hệ đến các thông tin về hành vi mua sắm, sở thích, thói quen và mức sống của người dân Việt Nam. Đây chính là nguy cơ rất lớn về an toàn, an ninh mạng, thậm chí thách thức chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Bên cạnh đó là các thách thức khác bao gồm: nguy cơ về tăng tỷ trọng hàng hóa nhập khẩu và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam; nguy cơ dịch vụ bưu chính trong nước bị thay thế bởi nước ngoài.

20220519-pg8.png

Sự tham gia của các DN nước ngoài nhằm thâu tóm thị trường chuyển phát Việt Nam đã có tác động mạnh mẽ. Theo số liệu năm 2021, trong số khoảng 45.000 tỷ đồng tổng doanh thu từ dịch vụ bưu chính toàn ngành bưu chính (của trên 700 DN, bao gồm cả 2 DN lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) và Viettel Post) thì nhóm các DN bưu chính thuộc sở hữu nước ngoài là Giao hàng tiết kiệm (GHTK), Giao hàng nhanh (GHN), J&T, Ninjavan, Best Express, Ahamove, Shopee Express, Flex Speed (Lazada Express) chiếm khoảng 18.670 tỷ đồng, tương đương 41,5% tổng doanh thu toàn ngành. Điều này cho thấy các DN chuyển phát Việt Nam đang dần bị loại khỏi cuộc chơi chuyển phát cho TMĐT - mảng đang phát triển mạnh, ước đạt doanh thu 25 tỷ USD vào năm 2025.

Bối cảnh khối ngoại chi phối thị trường TMĐT và dịch vụ bưu chính phục vụ TMĐT tại Việt Nam đã tạo ra nhiều khó khăn cho các DN bưu chính trong nước, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguồn dữ liệu lớn gắn với hoạt động giao nhận của DN cung ứng dịch vụ bưu chính bị sử dụng trái pháp luật.

Thách thức tiếp theo là thiếu sự quản lý với các nền tảng xuyên biên giới. Theo Bộ TT&TT, không chỉ riêng các sàn TMĐT, các nền tảng mạng xã hội phổ biến cũng dần lấn sân sang các hoạt động TMĐT và giao dịch trực tuyến. Điển hình như Facebook, Google, Netflix, Youtube, Amazon, TikTok… các nền tảng này cho phép hiển thị các quảng cáo mua bán hàng hoá, sản phẩm, có thể thực hiện mua bán qua liên kết với các sàn TMĐT, hoặc tích hợp trực tiếp việc đăng tải mua bán sản phẩm trên các nền tảng này.

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, việc các nền tảng xuyên biên giới thiếu tuân thủ pháp luật Việt Nam vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Những vấn đề về kiểm soát nội dung thông tin, nộp thuế và các nghĩa vụ khác đều chưa được thực hiện nghiêm túc và triệt để.

Phát triển TMĐT, kinh tế số nông nghiệp, nông thôn với nòng cốt là các sàn TMĐT của DN bưu chính Việt Nam

Định hướng Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2030 tập trung chuyển dịch các dịch vụ bưu chính truyền thống (chuyển phát thư, báo…) sang dịch vụ bưu chính số và tham gia TMĐT. Việc tham gia thị trường TMĐT của các DN bưu chính Việt Nam tập trung ở cả 2 mảng: cung cấp hạ tầng, dịch vụ bưu chính, chuyển phát, logistics cho TMĐT; tổ chức vận hành các sàn TMĐT để cung cấp dịch vụ cho thị trường.

Hạ tầng, dịch vụ bưu chính, chuyển phát bao gồm các mạng lưới bưu cục và kho xử lý, bảo quản hàng hóa là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của TMĐT. Sự phát triển TMĐT đã mang lại nhu cầu và cơ hội phát triển mạnh mẽ cho thị trường bưu chính, với tốc độ tăng trưởng 12% mỗi năm.

20220519-pg9.jpeg
Cán bộ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam hướng dẫn hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) lên sàn TMĐT

Tuy nhiên, việc bùng phát mạnh mẽ của TMĐT cũng đang đặt ra thách thức lớn cho hạ tầng bưu chính Việt Nam. Theo số liệu thống kê được Bộ TT&TT phân tích và ước tính dựa trên báo cáo thị trường Lazada, DHL,… tỉ lệ chi phí (logistics và chuyển phát)/GDP của Việt Nam đang ở mức 20%, cao gấp đôi so với trung bình thế giới. Các DN bưu chính, chuyển phát cho TMĐT cũng đang phải đối mặt với thách thức do hạ tầng còn nhiều hạn chế và năng lực chuyển đổi số (CĐS) còn thấp. Hiện mới chỉ có gần 11% số DN đang ứng dụng công nghệ để theo dõi và truy xuất hàng hóa, quản lý kho bãi.

Bối cảnh hiện nay không cho phép Việt Nam thực hiện các biện pháp bảo hộ các sàn TMĐT trong nước, ngăn cản, hạn chế các nền tảng số nước ngoài như Trung Quốc. Để thúc đẩy phát triển các sàn TMĐT nội địa cũng như bảo vệ thị trường bưu chính, chuyển phát, logistics trước các nguy cơ như phân tích ở trên, Việt Nam cần có chính sách phù hợp để phát triển TMĐT nông thôn với nòng cốt là các sàn TMĐT của DN bưu chính Việt Nam.

Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định cần đẩy mạnh xây dựng và triển khai các Chương trình hỗ trợ DN bưu chính, chuyển phát và logistics CĐS, hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN), hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) cá thể CĐS, kinh doanh trên sàn TMĐT. Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tại Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT ngày 21/7/2022 (gọi tắt là Kế hoạch 1034), với mục tiêu hỗ trợ hộ SXNN, người nông dân tiêu thụ sản phẩm, nông sản trên các sàn TMĐT, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Việc triển khai Kế hoạch có sự tham gia phối hợp của các cơ quan chức năng liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức ở Trung ương, địa phương và 02 DN bưu chính lớn là VNPost và Viettel Post.

Hai sàn TMĐT Postmart và Vỏ Sò là 2 sàn TMĐT chính tham gia, triển khai Kế hoạch 1034 này. Đến nay, việc triển khai Kế hoạch 1034 đã mang lại những kết quả bước đầu. Số liệu lũy kế tính đến tháng 4/2022 trên 02 sàn giao dịch TMĐT Postmart và Vỏ Sò: Tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được tạo tài khoản là 5.917.644hộ, trong đó số tài khoản đủ điều kiện tham gia giao dịch là 2.148.427 tài khoản (chiếm 36,3%). Hiện nay, 02 sàn này đã đưa 91.648 sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch, tập huấn kỹ năng số cho gần 6.304.538 hộ SXNN tham gia giao dịch trên các sàn của mình.

Phát triển các sàn TMĐT Việt Nam là hết sức cấp thiết

Theo Bộ TT&TT, việc phát triển các sàn giao dịch TMĐT Việt Nam và các DN logistics TMĐT Việt Nam mạnh, đủ sức cạnh tranh bình đẳng trên thị trường là hết sức cấp thiết để hạn chế các vấn đề đã nêu trong báo cáo, cũng như tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh trên thị trường TMĐT.

Trong bối cảnh hiện nay, cần thực hiện gắn kết chặt chẽ việc phát triển TMĐT, kinh tế số nông thôn với phát triển các DN bưu chính Việt Nam và các sàn giao dịch TMĐT của các DN này. Bộ TT&TT và Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chú trọng triển khai một số nhiệm vụ như: Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch 1034 trên địa bàn các tỉnh, thành phố để hỗ trợ các hộ SXNN, hợp tác xã, cơ sở SXKD cá thể CĐS, kinh doanh trên sàn TMĐT Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Cụ thể, các công việc bao gồm tăng cường đào tạo cho các hộ SXNN và người dân nông thôn về kỹ năng số để tham gia hoạt động trên môi trường số; thúc đẩy việc tham gia, giao dịch trên các sàn TMĐT của các DN bưu chính Việt Nam, hỗ trợ người dân đưa sản phẩm dịch vụ của mình lên các sàn TMĐT để góp phần đưa mỗi một người dân thành một doanh nhân; cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ SXNN như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân bón… qua các ứng dụng di động của các sàn TMĐT Postmart và Vỏ sò; thúc đẩy các nền tảng TMĐT phát triển thông qua chuỗi giá trị, kết nối các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối vừa và nhỏ, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty TMĐT cùng cấu thành nên chuỗi cung ứng.

Tiếp theo cần xây dựng, ban hành và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế số, xã hội số của địa phương để thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển sàn giao dịch TMĐT nông thôn và dịch vụ hạ tầng bưu chính, chuyển phát tại địa phương cần được đẩy mạnh, trong đó chú trọng các nội dung: triển khai nhiệm vụ thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia, đặc biệt là nền tảng sàn giao dịch TMĐT Việt Nam; xây dựng và tổ chức triển khai chương trình thúc đẩy TMĐT tại các vùng nông thôn có tiềm năng phát triển với hạ tầng bưu chính thuận lợi và nhiều nông sản, sản phẩm thủ công, mỹ nghệ độc đáo; tăng cường liên kết TMĐT giữa các vùng miền; phát triển hạ tầng bưu chính cho TMĐT gắn với quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, chú trọng phát triển các trung tâm bưu chính quốc gia/vùng;

Ứng dụng TMĐT cần được đẩy mạnh hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa; tăng cường hợp tácgiữa các địa phương và các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong quản lý và phát triển TMĐT; đẩy nhanh việc thành lập và tập huấn cho các Tổ công nghệ số cộng đồng tới tận xã, phường, thôn, xóm.

Theo Bộ TT&TT, cần đưa Tổ công nghệ số cộng đồng, với thành phần cốt lõi đoàn thanh niên, trở thành cánh tay nối dài của chính quyền để "đi từng ngõ, gõ từng nhà" hỗ trợ Chính quyền hướng dẫn người dân kỹ năng số cần thiết để tham gia các sàn giao dịch TMĐT, sử dụng các dịch vụ số và các nền tảng số một cách an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững.

Cuối cùng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển TMĐT thông qua báo giấy, báo điện tử, ấn phẩm, mạng xã hội và các hình thức khác, đặc biệt sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin cơ sở tại địa phương và tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng./.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO