Tạo thông thoáng, thuận lợi cho giới nghiên cứu khoa học

08/07/2023, 10:26

Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng tăng cường quản lý nhà nước và tạo thông thoáng, thuận lợi cho các nhà khoa học trong nghiên cứu, đồng thời, cần minh bạch thông tin về nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Viện Dược liệu. (Ảnh VŨ LINH)
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Viện Dược liệu. (Ảnh VŨ LINH)

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đầu tư cho khoa học và công nghệ. Trong bối cảnh cân đối chi ngân sách nhà nước còn khó khăn, chi thường xuyên cho hoạt động khoa học và công nghệ vẫn được Quốc hội thông qua trung bình trong giai đoạn 2021-2023 đạt 0,64% tổng chi ngân sách nhà nước.

Trong đầu tư cho khoa học và công nghệ, tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển là một chỉ tiêu chính được các tổ chức quốc tế sử dụng để đánh giá cường độ nghiên cứu và phát triển của một quốc gia.

Theo số liệu điều tra do Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia thực hiện, tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển của Việt Nam năm 2021 là 36.066 tỷ đồng, bằng 0,42% GDP, trong đó ngân sách nhà nước là 11.137,9 tỷ đồng, chiếm 30,8%, nguồn ngoài ngân sách nhà nước chiếm 69,2%.

Như vậy, chỉ số này thấp hơn nhiều các nước phát triển (ở mức khoảng 2% GDP), nhưng cũng cho thấy xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tuy mức đầu tư cho khoa học và công nghệ còn khiêm tốn, nhưng trong giai đoạn vừa qua, khoa học và công nghệ đã đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội, thể hiện gián tiếp thông qua một số chỉ tiêu.

Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã đóng góp vào xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách. Gần đây, là dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; thực hiện các chương trình, nhiệm vụ khoa học lớn như Đề án Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử); xây dựng bộ Địa chí quốc gia Việt Nam (Quốc chí); phục vụ nghiên cứu các xu thế mới của thế giới như Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xã hội 5.0…

Khoa học cơ bản đạt được nhiều thành tựu thể hiện qua các chỉ số xếp hạng, công bố nghiên cứu quốc tế. Số lượng bài báo công bố quốc tế ISI của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 20%. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên như: Toán học, Vật lý, Hóa học tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN. Khoa học công nghệ ứng dụng thể hiện qua trình độ công nghệ có những bước tiến rõ nét.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý IV và năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố, đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) ước tính đạt khoảng 43,8% (gần bằng trung bình giai đoạn trước dịch Covid-19 2016-2020 là 45,5% và cao hơn mức 37,12% của năm 2021).

Năm 2022, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng; tiếp tục xếp thứ 4 trong Đông Nam Á; xếp thứ 2 trong các quốc gia có mức thu nhập bình quân thấp (sau Ấn Độ). Mặc dù giảm thứ hạng so với năm 2021 (xếp thứ 44), nhưng một số chỉ số đã có cải thiện đáng chú ý như trụ cột Thể chế, nhóm chỉ số Liên kết đổi mới sáng tạo, trụ cột Sản phẩm sáng tạo…

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, việc phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hiện vẫn còn một số tồn tại và hạn chế. Tình trạng tồn đọng vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ thể hiện qua kinh phí chuyển nguồn hằng năm còn lớn; chậm xây dựng và phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ kéo theo phân bổ và sử dụng không kịp, không hết dự toán chi ngân sách nhà nước được giao.

Nguyên nhân là do tính chất của hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Mục tiêu nghiên cứu càng lớn, càng mang tính đột phá thì việc đạt được kết quả ngay từ những thử nghiệm đầu tiên là rất khó xảy ra, nhiều trường hợp đã đầu tư một khối lượng lớn nhân lực, vật lực nhưng không đem lại kết quả mong muốn.

Bên cạnh đó, những vướng mắc trong cơ chế, chính sách cũng là rào cản để sử dụng hiệu quả kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, như chưa có cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ; vướng mắc đối với xử lý tài sản là kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; vướng mắc về quy định thương mại hóa tài sản trí tuệ…

Nhiều nhà khoa học cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, cần sửa đổi, bổ sung các văn bản quản lý thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia từ khâu xác định đặt hàng, thực hiện cho tới đánh giá, nghiệm thu theo hướng vừa tăng cường quản lý nhà nước, vừa bảo đảm tạo thông thoáng, thuận lợi cho các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp tham gia thực hiện.

Các chuỗi nhiệm vụ khoa học và công nghệ cần xây dựng theo hướng ưu tiên đầu tư bảo đảm tới ngưỡng cho các kết quả có tiềm năng ứng dụng; chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, nới rộng điều kiện của cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng, tăng tự chủ và trách nhiệm của đơn vị chủ trì.

Giải pháp quan trọng nữa là cần thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chế độ công khai, minh bạch thông tin về nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ để tránh chồng chéo, trùng lặp trong phê duyệt và giao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách.

Ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, công khai, minh bạch phải gắn với yêu cầu cập nhật đầy đủ thông tin về nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên hệ thống thông tin khoa học và công nghệ quốc gia. Yêu cầu này gắn với trách nhiệm cập nhật thông tin về nhiệm vụ khoa học và công nghệ của đầu mối thông tin khoa học và công nghệ tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Hiện nay, giữa các hệ thống thông tin khoa học và công nghệ chưa có sự kết nối và cập nhật đầy đủ, theo thời gian thực, dẫn đến khó khai thác và khó tra cứu sự trùng lặp.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO