Tạo không gian mới cho tăng trưởng kinh tế số, phát triển Chính phủ điện tử mức cao

28/06/2022, 09:27

Đây là một mục tiêu hướng tới của Kế hoạch hành động mới được Bộ TT&TT phê duyệt nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.

Ngày 27/6, Bộ TT&TT đã phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Quyết định 2289 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) đến năm 2030.

Với kế hoạch mới phê duyệt, Bộ TT&TT đặt mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược quốc gia về cách mạng 4.0. Kết quả thực hiện kế hoạch hành động của ngành TT&TT tạo lập hạ tầng số quốc gia hiện đại, an toàn, tạo không gian mới cho tăng trưởng kinh tế số, phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao, hướng tới xây dựng Chính phủ số.

Về các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, Bộ TT&TT xác định đến năm 2025, chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam theo xếp hạng của Liên hợp quốc thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.

Cũng đến năm 2025, hạ tầng số của Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số phát triển CNTT - truyền thông (chỉ số IDI) của Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU. Trong đó, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại di động thông minh; 80% dân số sử dụng internet; 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả thiết bị di động; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.

Cùng với đó, dịch vụ 5G tại ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam.

Tạo không gian mới cho tăng trưởng kinh tế số, phát triển Chính phủ điện tử mức cao
Bộ TT&TT đặt mục tiêu Việt Nam sẽ hoàn thành xây dựng Chính phủ số vào năm 2030 (Ảnh minh họa)

Đến năm 2030, theo kế hoạch hành động, các mục tiêu cần đạt được, gồm có: Chỉ số Chính phủ điện tử thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm. Hạ tầng số của Việt Nam vào năm 2030 thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số phát triển CNTT- truyền thông; phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; hoàn thành xây dựng Chính phủ số.

Để đạt được các mục tiêu kể trên, tại kế hoạch, Bộ TT&TT cũng đã xác định danh mục các nhiệm vụ cụ thể theo 7 nhóm gồm: Nâng cao chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách; Phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu; Phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; Đầu tư, nghiên cứu, phát triển một số công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cách mạng 4.0 như công nghệ robot, vật liệu tiên tiến, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, công nghệ trong y học, internet vạn vật, dữ liệu lớn, chuỗi khối...;

Mở rộng hợp tác quốc tế và hội nhập về khoa học và công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm về bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các cơ quan, tổ chức nhà nước và toàn xã hội

Với từng nhiệm vụ cụ thể, Bộ TT&TT đều phân công rõ Lãnh đạo Bộ chỉ đạo, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, thời gian hoàn thành và kết quả dự kiến cần đạt được.

Bộ TT&TT yêu cầu, căn cứ các nhiệm vụ trong kế hoạch hành động, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ được giao chủ trì nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, xây dựng, tổ chức cụ thể hóa thành các nhiệm vụ triển khai hàng tháng, tuần. Trong đó, các nhiệm vụ phải được triển khai chi tiết và được phân công trách nhiệm cụ thể, thường xuyên đôn đốc đảm bảo chất lượng, khối lượng, tiến độ công việc.

Vân Anh


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO