Lực lượng đoàn viên, thanh niên hướng dẫn cài đặt các phần mềm liên quan cho người dân
Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (khu phố An Thuận 2) đến bộ phận “một cửa” UBND phường 7 để làm xác nhận tình trạng hôn nhân. Với hệ thống hạ tầng, thiết bị đồng bộ và đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp - hộ tịch chuyên nghiệp, nhiệt tình, sau khi nộp hồ sơ, chị được trả kết quả ngay trong một buổi. Chị cho rằng, nhiều thủ tục được được tinh giản so với trước đây.
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 20/8/2021 về CĐS tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình số 3288, ngày 08/10/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, TP. Tân An tập trung xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai, hoàn thiện hạ tầng số, xây dựng mô hình chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số toàn diện trên nền tảng của tỉnh. Đây là tiền đề đẩy nhanh tiến trình CĐS và xây dựng thành phố thông minh.
Bên cạnh đó, thành phố triển khai nhiều giải pháp tập trung công tác đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho cán bộ công chức, viên chức, người dân trên địa bàn. Các tổ công nghệ số cộng đồng thường ra quân hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt, sử dụng nền tảng công nghệ số, Long An Số, sử dụng các dịch vụ số thiết yếu, thanh toán không dùng tiền mặt,… MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội thành phố ra quân tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện CĐS. Thành Đoàn thành lập Đội IT áo xanh và Đội thanh niên tình nguyện công nghệ số hỗ trợ đoàn viên, thanh niên, học sinh tiếp cận, học tập trên môi trường mạng; hỗ trợ người dân cài đặt các ứng dụng, các app điện tử thông minh.
TP.Tân An lắp đặt camera giám sát an ninh và giao thông
Bà Nguyễn Thị Lành (phường 4) nói: “Tôi lớn tuổi, không rành công nghệ, nhờ có các cháu đoàn viên, thanh niên đến tận nhà hướng dẫn sử dụng điện thoại để tra cứu, nhập các thủ tục hành chính khi cần thiết có thể tham khảo”.
Hạ tầng kỹ thuật công nghệ - thông tin được đầu tư. Hầu hết các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố được kết nối mạng nội bộ, sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dụng theo quy định. Bên cạnh đó, thành phố tập trung xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, đưa vào hoạt động hiệu quả Trung tâm Hành chính công; hoàn thành công tác triển khai thí điểm CĐS tại phường 4.
Năm 2022, TP.Tân An tập trung triển khai 2 dự án phục vụ phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Đó là dự án xây dựng Trung tâm điều hành (IOC) và camera an ninh thông minh; dự án Quản lý chiếu sáng thông minh (iLCS) và thay thế đèn led. Thành phố đã triển khai, lắp đặt 121 camera cho 22 vị trí giao thông trên địa bàn, giúp lực lượng chức năng phát hiện hành vi vi phạm giao thông đường bộ.
Khảo sát và lắp đặt hệ thống đèn led
Đối với dự án Quản lý chiếu sáng thông minh (iLCS) và thay thế đèn led, thành phố thay thế đèn hiện hữu bằng đèn led tiết kiệm điện năng; quản lý chiếu sáng thông minh thông qua hệ thống các thiết bị LCU, DCU và MCU tại 78 tuyến đường. Hệ thống này cho phép tự động điều chỉnh ánh sáng thích ứng trong thời gian gần, giảm ánh sáng khi lượng phương tiện ít lưu thông trên đường, chủ động thay đổi thời gian chiếu sáng theo thời tiết. Khi được trang bị đèn led thông minh trên các tuyến đường, thành phố tiết kiệm từ 50%-70% lượng điện năng tiêu thụ trong lĩnh vực chiếu sáng, từ đó, tiết kiệm ngân sách cho địa phương.
Chủ tịch UBND TP.Tân An - Nguyễn Minh Hùng cho biết, để thực hiện hiệu quả công tác CĐS toàn diện gắn với xây dựng thành phố thông minh cần có sự đồng hành, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn tham mưu công tác CĐS của tỉnh, đặc biệt là Sở Thông tin và Truyền thông, sự ủng hộ, tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nâng cao tinh thần học hỏi, ứng dụng tốt các phần mềm nền tảng số trong quá trình giải quyết công việc. Tuy là giai đoạn đầu nhưng thành phố đạt những thành quả đáng ghi nhận. Điều đó khẳng định thành phố đã đi đúng hướng với mục tiêu cao nhất là phát triển nhanh, bền vững, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho từng người dân trên địa bàn./.
Song Nhi