Công ty khởi nghiệp CTrees đã xây dựng một nền tảng sử dụng trí thông minh nhân tạo để theo dõi chính xác lượng carbon dioxide mà cây cối đang giúp con người lưu giữ hàng ngày - điều này có thể giúp chúng ta xác định cây cối đang giúp ích cho hành tinh của chúng ta như thế nào.
Nền tảng này được một nhóm các nhà khoa học của NASA phát triển và truyền đi một thông điệp rất đơn giản: “hãy nhìn vào khu rừng và mỗi cái cây”.
Bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo, CTrees đã làm được điều đó. Công ty kết hợp dữ liệu vệ tinh và dữ liệu trên không với thông tin địa phương để giải thích về hoạt động hữu ích “hít vào” khí CO2 và “thở ra” khí O2 cua mọi cây trên hành tinh.
CTrees có thể sử dụng bộ sưu tập dữ liệu của mình để xem khi nào cây cối bị đốn hạ hoặc bị mất do cháy rừng, cũng như có bao nhiêu cây xanh được trồng và phát triển trên khắp thế giới. Điều này cho phép họ tiếp tục ước tính tổng lượng carbon được 3 nghìn tỷ cây xanh trên hành tinh lưu trữ.
CTrees cung cấp miễn phí phần lớn dữ liệu rừng hàng năm và đó là một nền tảng sẽ mang lại lợi ích cho nhiều người thông qua phân tích toàn cầu và quốc gia về lưu trữ carbon.
Đó cũng là một công cụ tuyệt vời để các quốc gia hiểu cách họ có thể điều chỉnh các phương pháp nhằm đạt các mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm, chẳng hạn như các mục tiêu được nêu trong Thỏa thuận Paris. Bởi vì cây đóng vai trò là “bể chứa carbon” giúp loại bỏ khí làm nóng hành tinh ra khỏi bầu khí quyển, điều quan trọng đối với các quốc gia là có thể theo dõi sự phát triển của chúng theo thời gian.
“Chúng tôi dự định giới thiệu phương pháp độc đáo này trên tất cả các sản phẩm dữ liệu của mình trong năm tới”, Tiến sĩ Martin Brandt, đồng sáng lập CTrees và là giáo sư địa lý tại Đại học Copenhagen, cho biết trong một thông cáo báo chí.