Chiều 1/12 tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã tổ chức Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam 2022 (Smart City Summit 2022).
Với chủ đề Hạ tầng pháp lý - thúc đẩy phát triển đô thị thông minh, sự kiện nhấn mạnh vào các tiền đề phát triển thành phố thông minh với 2 phiên chuyên đề trong vòng 2 ngày: Chuyên đề 1: Hạ tầng pháp lý – thúc đẩy phát triển đô thị thông minh (ngày 1/12); Chuyên đề 2: Mô hình triển khai hạ tầng Công nghệ cho Đô thị thông minh (ngày 2/12).
Hội nghị sẽ cập nhật, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như thảo luận; tập trung vào chủ đề hạ tầng thông minh với các phiên chuyên đề về hạ tầng pháp lý, hạ tầng công nghệ và các giải pháp công nghệ xây dựng các khu đô thị thông minh nhằm chia sẻ về tầm nhìn, chiến lược, kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh, những quan điểm và mô hình đô thị thông minh, cùng giải pháp phát triển, quy hoạch và quản lý dựa trên điều kiện thực tế của các thành phố và nền tảng công nghệ mới: IoT, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo…
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA cho biết: "Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thành phố thông minh, nhưng cũng không ít thách thức.
Trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp công nghệ và lãnh đạo các đô thị đã rất nỗ lực phát triển các đô thị thông minh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho hợp tác công tư đặc biệt các thủ tục liên quan đến: đầu tư, đấu thầu, và thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Thêm vào đó, hiện các đô thị chưa chú trọng quy hoạch thông minh, thông minh hóa các hạ tầng cơ bản, thiết yếu. Vì vậy, hội nghị mong muốn các nhà quản lý, các chuyên gia bàn thảo và kiến nghị những phương giải quyết cụ thể cho 2 nhóm vấn đề này."
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết: "Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành cùng các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai chuyển đổi số nói chung trong việc phát triển công nghệ thông tin trong đô thị thông minh nói riêng để việc triển khai đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả, bền vững trong dài hạn."
Tại Việt Nam, thành phố thông minh giúp tối ưu hóa nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, tiện ích cho người dân và phát triển kinh tế, xã hội cũng là mục tiêu của Chính phủ, chính quyền các cấp.
Từ tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Đến nay, trên cả nước có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng đề án đô thị thông minh; 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án/Chương trình/Kế hoạch phát triển đô thị thông minh; 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh; 38 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh; 21 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh, 17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị, ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh./.