Sắp hết hạn nhận hồ sơ tham gia đấu giá tần số 4G và 5G

13/04/2023, 10:17

Bộ TT&TT công bố mức giá khởi điểm là 386,4 tỷ đồng cho một lô 30 MHz và thời gian được phép sử dụng băng tần này là 15 năm.

Doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2300-2400 MHz có thể triển khai mạng và dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ IMT-Advanced (4G) hoặc IMT-2020 (5G).

Có nhiều doanh nghiệp được tham gia đấu giá 4G, 5G

Đại diện Cục Tần số cho hay, mới đây Bộ TT&TT đã ban hành quyết định đấu giá tần số cho băng tần 2300-2400 MHz để các nhà mạng phát triển 4G và 5G. Theo đó, giá khởi điểm đối với băng tần 2300-2400 MHz là 12,88 tỷ đồng cho một MHz cho một năm được phép sử dụng và mỗi doanh nghiệp đấu giá sẽ đấu giá 30 MHz. Thời gian được phép sử dụng băng tần cho 4G và 5G là 15 năm.

Chia sẻ với VietNamNet, đại diện Cục Tần số cho biết, ngày 19/4 là ngày cuối cùng nhận hồ sơ để lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá tần số. Sau đó, Cục Tần số sẽ trình Bộ TT&TT những doanh nghiệp có đủ điều kiện đấu giá và tiến hành đấu giá tần số này.

Lần tham gia đấu giá tần số này không chỉ có các doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ di động mà có thể có thêm nhiều doanh nghiệp viễn thông khác nếu có đủ điều kiện. Như vậy, rất có thể thị trường di động sẽ xuất hiện thêm người chơi mới tham gia thị trường này và sử dụng công nghệ 4G và 5G.

Theo Nghị định 88/2021/NĐ-CP quy định các điều kiện tham gia đấu giá đối với doanh nghiệp đủ điều kiện được xem xét cấp giấy phép thiết lập mang viễn thông và đáp ứng các yêu cầu của cuộc đấu giá. Các yêu cầu này gồm: hoàn thành các nghĩa vụ tài chính trước đó với Nhà nước về viễn thông, tần số vô tuyến điện và yêu cầu triển khai mạng viễn thông do Bộ trưởng Bộ TT&TT xác định cụ thể với từng cuộc đấu giá. Yêu cầu triển khai mạng viễn thông bao gồm một hoặc một số nội dung quy định tại điểm b khoản 3 Điều 11 Nghị định là: Số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện phải triển khai trong thời hạn 2 năm kể từ ngày được cấp giấy phép và cho đến hết thời hạn của giấy phép. Yêu cầu phủ sóng khi phát triển mạng viễn thông (cam kết theo từng năm đến hết thời hạn giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng đối với mật độ dân cư hoặc địa giới hành chính đến cấp xã). Doanh nghiệp phải cam kết chuyển vùng dịch vụ viễn thông di động mặt đất giữa các mạng tại các xã vùng sâu, vùng xa, xã nghèo, vùng được cung ứng dịch vụ viễn thông công ích và các tỉnh, thành phố theo tiêu chí do Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành.

 Doanh nghiệp đã hoặc chưa được cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông đều có thể nộp hồ sơ đề nghị Bộ TTTT xét duyệt đủ điều kiện tham gia đấu giá. Doanh nghiệp trúng đấu giá, sau khi nộp đủ và đúng thời hạn tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và tiền bảo đảm thực hiện giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo quy định của pháp luật được cấp giấy phép sử dụng băng tần, giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông.

Doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2300-2400 MHz có thể triển khai mạng và dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ IMT-Advanced (4G) hoặc IMT-2020 (5G). Doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2300-2400 MHz theo nguyên tắc triển khai công nghệ nào (căn cứ hồ sơ đề nghị xét duyệt đủ điều kiện tham gia đấu giá), sẽ áp dụng yêu cầu triển khai mạng viễn thông với công nghệ tương ứng (IMT-Advanced/ IMT-2020).

5G sẽ là hạ tầng số quan trọng 

Trước đó, Bộ TT&TT đã cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông thử nghiệm 5G tại 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong năm 2022, Bộ TT&TT khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục thử nghiệm những ứng dụng của 5G, đánh giá nhu cầu của thị trường, phương án kỹ thuật để xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả nhất khi được cấp phép chính thức.

Theo các nhà cung cấp thiết bị viễn thông quốc tế, 5G sẽ là hạ tầng số gần như thay thế cơ sở hạ tầng vật lý trong việc xây dựng nền tảng cũng như kết nối xã hội tương lai. Cơ sở hạ tầng số này tạo ra kết nối không chỉ giữa con người với con người mà còn giữa con người với máy móc, giữa máy móc với máy móc. Đó là những cơ sở tạo ra tự động hóa cũng như việc chuyển đổi giữa các ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, giới chuyên gia viễn thông quốc tế cho rằng đối với Việt Nam, 4G vẫn còn quan trọng và tồn tại trong khoảng thời gian nữa. Việc tiếp tục đầu tư vào 4G cũng rất quan trọng bởi trong vài năm tới, 4G vẫn là mạng phổ biến. Nhưng 5G sẽ được triển khai ở các điểm nóng, khu công nghiệp, thành phố lớn và sau đó có thể phát triển nhanh từ năm 2025. Đến năm 2030, 5G dự kiến đem lại cho các nhà khai thác Việt Nam doanh thu 1,5 tỷ USD.

Đến năm 2025, 5G có khả năng đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,3% đến 7,4%, bởi công nghệ này có thể nâng cao năng suất lao động, hiệu suất làm việc của doanh nghiệp. Ngoài ra, 5G còn góp phần phát triển về mặt xã hội và kỹ năng số của người dân Việt Nam, từ đó tạo ra những công việc liên quan tới khoa học, công nghệ, môi trường, sản xuất.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO