Sai lầm khiến nhiều người Việt 'mất oan' tiền điện tử

03/12/2021, 10:37

Hoàng Đức (Hà Nội) được một người bạn tặng cho 0,5 Bitcoin vào năm 2015 nhưng giờ không thể tìm lại số coin khi xưa.

Đức cho biết anh lưu số Bitcoin trên một ứng dụng ví, có thể truy cập bằng cụm từ bí mật (seed phrase). Năm 2020, khi tiền điện tử đồng loạt tăng giá, anh mới tìm cách truy cập lại ví. Tuy nhiên, sau nhiều lần đổi máy, anh không thể nhớ đã lưu seed phrase ở đâu và mất số Bitcoin hiện có giá tương đương 30.000 USD.

Không lưu trữ cẩn thận mật khẩu của ví là một trong những sai lầm phổ biến mà nhiều người chơi tiền điện tử mắc phải. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường cũng mất số tiền lớn vì nhiều lý do như để lộ mật khẩu, cấp quyền cho ứng dụng mạo danh, chuyển tiền sai mạng lưới...

Quên, lộ mật khẩu ví

Do sợ thất lạc thông tin, Nguyễn Hợp (Bình Phước) chụp ảnh cụm từ khôi phục ví MetaMask của mình và lưu trên Facebook ở chế độ riêng tư. Tuy nhiên, sau một lần bị hack tài khoản Facebook, cụm từ bị lộ và anh mất toàn bộ số tiền điện tử trong ví.

Theo Đức Đạt, quản trị viên một nhóm đầu tư tiền số tại Việt Nam, mỗi tháng anh nhận hàng chục lời kêu cứu từ các thành viên bị lộ thông tin và chiếm tài khoản ví. Nguyên nhân dẫn đến mất seed phrase khá đa dạng, như nhờ người khác tạo ví, lưu cụm từ trên các dịch vụ đám mây, lưu trên máy tính nhiễm mã độc, nhập nhầm seed phrase vào trang web mạo danh... Trong khi đó, việc lấy lại gần như không thể do tính chất ẩn danh, phi tập trung của loại tiền này.

Nhiều người chụp lại cụm từ khôi phục bí mật thay vì lưu trữ offline như hướng dẫn. Ảnh: Lưu Quý

Nhiều người chụp và lưu trong điện thoại cụm từ khôi phục bí mật thay vì lưu trữ offline. Ảnh: Lưu Quý

Theo khuyến cáo của các nhà cung cấp, người dùng nên ghi nhớ cụm từ khôi phục bí mật bằng cách viết ra giấy, lưu trữ offline, hoặc có thể lưu trữ tiền điện tử bằng ví lạnh (dạng USB).

Nhầm địa chỉ, mạng lưới khi chuyển tiền

Mới đầu tư tiền số khoảng một tháng, Nguyễn Hằng (Nghệ An) suýt mất hàng nghìn USD vì gửi nhầm địa chỉ ví. Khi ấy, Hằng mua coin từ một người quen và được yêu cầu gửi địa chỉ ví trên mạng Ethereum. Tuy nhiên, Hằng gửi nhầm địa chỉ ví BEP20 (vốn dùng trên mạng Binance Smart Chain). Người gửi nói đã chuyển xong, nhưng sau hai ngày cô vẫn chưa thấy coin về. Khi kiểm tra, cô mới phát hiện gửi nhầm địa chỉ ví, và may mắn được hỗ trợ lấy lại số tiền.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như Hằng. Mộ số người do gửi nhầm địa chỉ ví, hoặc gửi nhầm mạng lưới đã mất toàn bộ số tiền mà không thể lấy lại.

Một số mạng lưới chuyển tiền phổ biến có thể kể đến ERC20, TRC20, BEP2, BEP20... Ví tiền điện tử trên các mạng này vốn có cấu trúc giống nhau, với 42 ký tự dạng: 0x123a2b345c.... nên nhiều người tưởng chúng là một.

"Trước khi chuyển tiền, cần đảm bảo chọn đúng mạng lưới ở cả bên nhận và bên chuyển, đảm bảo đã sao chép đúng địa chỉ ví và nên xác nhận lại 1-2 lần với người mà bạn đang giao dịch", Vi Khoa, quản trị viên một nhóm đầu tư tiền điện tử, khuyến nghị.

Các sàn giao dịch cảnh báo người dùng cần chuyển đúng mạng lưới. Ảnh: Lưu Quý

Các sàn giao dịch cảnh báo người dùng cần chuyển đúng mạng lưới. Ảnh: Lưu Quý

Mất cảnh giác dẫn đến bị lừa

Vốn là kỹ sư IT, Thanh Minh (Hà Nội) cũng trở thành nạn nhân của một chiêu lừa tiền điện tử. Anh nhận được tin nhắn trên Telegram từ một dự án đang quan tâm, thông báo anh trúng suất "whitelist" - tức có thể mua token với giá rẻ trước ngày ra thị trường. Thấy cơ hội đến và số tiền phải bỏ ra không quá lớn, anh nhanh chóng làm theo vì sợ người khác mua trước. Tuy nhiên, ngay khi kết nối ví vào web, số tiền 200 USD bị chuyển mất. "May là tôi có chút kinh nghiệm nên đã tạo riêng một ví cho các chương trình này, hạn chế được thiệt hại", Minh kể.

Tuy nhiên, không ít người mới tham gia thị trường đã mất số tiền hàng nghìn USD do để kẻ xấu chiếm quyền truy cập ví. Kịch bản lừa người dùng có thể kể đến như mạo danh admin dự án yêu cầu người dùng cung cấp thông tin ví; tạo các website hoặc nhóm Telegram mạo danh dự án, ví, sàn DEX; tặng token để dụ người dùng giao dịch; đề nghị người dùng nạp một số tiền điện tử sau đó sẽ trả lại gấp nhiều lần...

Theo các chuyên gia, lừa đảo tiền điện tử là một trong những dạng lừa đảo phát triển nhanh nhất hiện nay. Do là môi trường mới, nhiều người thiếu kỹ năng đề phòng, trong khi tính chất ẩn danh của giao dịch khiến kẻ xấu có thể chiếm số tiền lớn mà không bị phát hiện. Báo cáo của công ty Bolster cho biết số vụ lừa đảo tiền số đã tăng 40% lên 400.000 trường hợp vào năm 2020 và dự báo tăng 75% năm nay.

Bên cạnh nguy cơ về mặt kỹ thuật, bảo mật, đầu tư tiền điện tử hiện được đánh giá còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, do giá biến động liên tục, khó phân biệt các dự án lừa đảo. Giao dịch tiền điện tử tại Việt Nam hiện cũng chưa được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Lưu Quý


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO