Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa công bố 48 website có dấu hiệu vi phạm pháp luật tính đến hết quý 3/2022. Trong đó có nhiều website phát sóng trái phép, vi phạm bản quyền các chương trình thể thao. Những website này thường xuyên được người dùng tìm đến thay vì sử dụng các dịch vụ nội dung được cấp bản quyền chính thức.
Còn tại một tọa đàm mới đây do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin tổ chức với chủ đề "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số", một doanh nghiệp Việt tham gia tọa đàm cho biết mình đã bị thiệt hại hàng triệu USD từ sự cạnh tranh không lành mạnh của một công ty nước ngoài.
Cụ thể, ông Tạ Mạnh Hoàng, CEO của Sconnect - công ty media của Việt Nam có sản phẩm thu hút tới 2 tỉ lượt xem mỗi tháng trên nền tảng YouTube, cho biết bộ phim hoạt hình nhiều tập Wolfoo của công ty đã bị một công ty của Anh có tên là Entertainment One cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của họ đối với hình ảnh nhân vật Peppa Pig. (Vấn đề này cũng đã được phản ánh qua loạt bài trên VietTimes).
Lợi dụng tiềm lực tài chính và kinh nghiệm tại thị trường quốc tế, Entertainment One (EO) đã kiện Sconnect tại nhiều thị trường, đồng thời EO cũng cung cấp nhiều thông tin không chính xác cho các đối tác như YouTube, Google, khiến cho các nền tảng này chặn hoặc không cho hiển thị các tập phim Wolfoo của Sconnect. Theo ước tính của ông Tạ Mạnh Hoàng, thiệt hại trực tiếp, hữu hình của Sconnect tính tới ngày 12/9 đã lên tới 1 triệu USD.
Để bảo vệ uy tín và đứa con tinh thần của mình, Sconnect đã đệ đơn kiện EO lên tòa án Moscow (Nga) và đã được tuyên thắng kiện. Tuy nhiên, ở thị trường Anh, tòa án vẫn chưa thụ lý vụ kiện mặc dù đã xem xét hồ sơ của cả hai bên. Sconnect cũng đã gửi thư cầu cứu lên 4 vị Bộ trưởng của Việt Nam đề nghị lên tiếng bảo vệ bản quyền sản phẩm. Mới đây nhất, ngày 15/9/2022, Sconnect đã lần thứ hai đệ đơn kiện EO lên Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội.
Việc vi phạm thương hiệu và bản quyền trên internet, hay rộng hơn là các nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử, đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp số và các công ty khởi nghiệp.
Trao đổi với VietTimes, ông Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - cho biết, vấn đề bảo vệ thương hiệu ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức.
"Số lượng các đơn đăng ký nhãn hiệu ở trong nước tính đến nay đã vượt con số 600.000, trong đó số lượng đơn đăng ký trong 1 năm cũng vào khoảng 45.000 – 50.000 đơn", ông Hồng dẫn chứng. Tuy nhiên, nhiều đơn vị đã cử nhân viên thực tập hoặc những người ít liên quan tới làm việc với Cục Sở hữu Trí tuệ, chứng tỏ họ không coi việc bảo vệ thương hiệu là vấn đề ưu tiên - ông Hồng cho biết thêm.
Video ông Trần Lê Hồng trao đổi với VietTimes về chủ đề quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp công nghệ số |
Vị lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ trở nên phức tạp và tốn kém hơn khi doanh nghiệp muốn cung cấp các hàng hoá, dịch vụ ra thị trường quốc tế thông qua Internet.
"Nếu có xảy ra tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ thậm chí xảy ra ở cả trên môi trường mạng thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ sẵn sàng cung cấp các ý kiến chuyên môn cho các cơ quan chức năng, các cơ quan thực thi như cơ quan quản lý thị trường hay hải quan, những trường hợp liên quan đến hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên môi trường trực tuyến, nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ", ông Hồng nói.
Ông Hồng cho rằng, trong quá trình khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, việc phát triển sản phẩm, dịch vụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của doanh nghiệp. Tính cạnh tranh, tính ưu việt của sản phẩm, dịch vụ, sẽ là yếu tố quyết định chỗ đứng của doanh nghiệp trên thị trường. Do đó, để dễ dàng được nhận diện thì chắc chắn doanh nghiệp phải dựa vào công cụ thương hiệu.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần có sự đầu tư trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mà mình phát triển. Nếu không, dù có nỗ lực nhiều phát triển sản phẩm, dịch vụ đó nhưng lại thất bại trong việc thị trường hóa nó.
Các doanh nghiệp phải tìm cách thương mại hóa sản phẩm đến tay người tiêu dùng mới là đích đến cuối cùng để có được lợi nhuận.
Do vậy, các doanh nghiệp cần đảm bảo cơ sở pháp lý cho các thành quả của mình, cụ thể là đăng ký nhãn hiệu ở thị trường Việt Nam, cũng như ở thị trường các nước mà doanh nghiệp mong muốn phát triển.
"Bản thân tôi nhận thấy doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ, nguồn lực còn yếu nên khi đăng ký ở nước ngoài để giữ thương hiệu cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần hiểu rõ hơn những quy trình đăng ký quốc tế", ông Hồng cho hay.
"Trong thời gian qua, theo thống kê của rất nhiều tổ chức khác nhau, một trong những vấn đề nổi cộm nhất trong hoạt động thương mại điện tử là hành vi xâm phạm quyền với nhãn hiệu như vi phạm pháp luật về nhãn hiệu có tính lãnh thổ. Vì vậy, các doanh nghiệp phải hết sức lưu ý để đảm bảo được hoạt động thuận lợi kể cả ở trong và ngoài nước", Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ nhấn mạnh./.