Phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh 

27/09/2021, 10:37

Để phấn đấu xây dựng tỉnh ổn định và phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, tạo nền tảng hướng đến mục tiêu năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 2 nhấn mạnh các nhóm giải pháp về việc thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ…

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang từng bước mở rộng sản xuất sau thời gian dài phải thu hẹp để phòng, chống dịch bệnh
Ảnh: Ngọc Thanh

Tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”

Theo đánh giá của HĐND tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả khá toàn diện. Việc nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc trong cải cách hành chính được nhân dân và doanh nghiệp ủng hộ, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh tiếp tục được cải thiện. Tăng trưởng kinh tế đạt 9,04%. GRDP bình quân đạt 151 triệu đồng/người/năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trung bình 9,33%/năm. Công tác an sinh, phúc lợi xã hội được quan tâm; các chế độ, chính sách cho người có công, đối tượng xã hội, người nghèo và công nhân lao động được triển khai thực hiện chu đáo, kịp thời. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%... Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế cũng như gặp không ít khó khăn, thách thức.

Trên cơ sở đó, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 xác định mục tiêu tổng quát cho giai đoạn tới là: tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” là vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân. Phấn đấu ổn định và tăng trưởng kinh tế cao hơn giai đoạn 2016 - 2020; đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại, phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương ổn định và phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, tạo nền tảng hướng đến mục tiêu năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.

Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu: Phấn đấu tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,5 - 8,7%/năm; GRDP bình quân đạt 210 - 215 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 85%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt 50%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 99%; tỷ lệ độ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm duy trì ở mức 57,5%; tỷ lệ chất thải rắn y tế được thu gom và xử lý đạt 100%; tỷ lệ lượng thông tin cung cấp công khai cho người dân có cơ chế phản hồi thông tin đạt 70%...

Thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững

Để đạt được những mục tiêu trên, Nghị quyết của HĐND tỉnh nhấn mạnh một số giải pháp trọng tâm. Đơn cử, đối với nhóm giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững: Cần kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”. Triển khai kế hoạch, phương án tái khởi động các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới sau giãn cách xã hội. Tăng cường công khai, minh bạch các quy định, chính sách, quy hoạch của tỉnh và địa phương; cập nhật và hướng dẫn rõ ràng đối với 100% thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và kinh doanh…

Về nhóm giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế: Phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị, ổn định tốc độ tăng trưởng và giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Tái cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ như: Thông tin và viễn thông, điện tử, trí tuệ nhân tạo, sản xuất phần mềm, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…

Để nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ: Đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức trong tổ chức thực thi cơ chế, chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Xây dựng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, các giải pháp đổi mới sáng tạo theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu, bảo đảm phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển của địa phương.

Về phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội, Nghị quyết HĐND tỉnh nhấn mạnh việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả và bền vững, chủ yếu hỗ trợ người nghèo có việc làm và tạo ra thu nhập ổn định để từng bước thoát nghèo, chống tái nghèo. Gắn mục tiêu đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp...


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO