Cần có biện pháp để cha mẹ quản lý trẻ em xem phim trên mạng
Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi có nhiều nội dung quy định về việc phát hành, phổ biến phim trên mạng Internet.
Dự thảo nêu rõ Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân phổ biến phim Việt Nam trên không gian mạng. Hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng phải thực hiện quy định (của Luật này) và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim phù hợp theo độ tuổi; Không thay đổi nội dung và kết quả phân loại đối với phim đã được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng.
Các đơn vị phải gỡ bỏ phim khi có các dấu hiệu vi phạm ngay khi có yêu cầu bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Dừng cung cấp dịch vụ ngay khi có yêu cầu bằng văn bản (hoặc qua phương tiện điện tử) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tổ chức, cá nhân cung cấp nội dung phim vi phạm theo quy định.
Cha mẹ cần kiểm soát trẻ khi xem phim trên Internet. Ảnh minh họa |
Đồng thời cung cấp công cụ để người sử dụng dịch vụ phản ánh về nội dung phim vi phạm với cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng.
Thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết để cha, mẹ, hoặc người giám hộ tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim được phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi xem phim được quy định.
Cũng theo dự thảo, các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng trên không gian mạng để phổ biến phim tại Việt Nam có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc gỡ bỏ phim vi phạm.
Các tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phổ biến phim trên không gian mạng vào Việt Nam phải có Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng; Bảo đảm các điều kiện để phổ biến phim đối với từng hình thức phổ biến; Thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo theo quy định và dừng việc phổ biến phim khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc kiểm tra nội dung phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với cơ quan quản lý về thông tin và truyền thông xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thống nhất quản lý
Trước đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đánh giá, sửa đổi Luật Điện ảnh có thể quản lý việc phát hành, phổ biến phim trên Internet, trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet.
Các nội dung truyền hình theo yêu cầu, đặc biệt là phim đang chiếm thời lượng lớn nhưng nhiều nền tảng xuyên biên giới chưa chịu sự quản lý và không ít bộ phim ngang nhiên trình chiếu trên Internet mà chưa có giấy phép.
Theo thống kê của cơ quan hữu trách, có 22 doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ OTT TV. Dịch vụ này hiện chiếm quy mô 20% thị trường, đạt xấp xỉ 3,6 triệu thuê bao, doanh thu gần 190 tỉ đồng. Ngoài những kênh chương trình, các doanh nghiệp cũng đang cung cấp đến 20.000 giờ nội dung truyền hình theo yêu cầu (VOD), trong đó phim các loại chiếm 60% thời lượng.
Các doanh nghiệp đang cung cấp đến 20.000 giờ nội dung truyền hình theo yêu cầu, trong đó phim chiếm 60% thời lượng (Ảnh minh họa: CafeBiz) |
Theo quy định, khi cung cấp dịch vụ OTT TV, doanh nghiệp trong nước phải có giấy phép do Bộ TT&TT cấp. Nội dung theo yêu cầu (VOD) trên dịch vụ được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình biên tập theo quy định. Phim là một trong các loại nội dung VOD, thực hiện theo quy định của pháp luật về báo chí, điện ảnh (có giấy phép phổ biến phim hoặc có quyết định phát sóng của người đứng đầu các đài phát thanh, truyền hình).
Dịch vụ OTT TV do Bộ TT&TT quản lý chỉ là một trong nhiều loại dịch vụ sử dụng mạng Internet để cung cấp nội dung đến cho người dùng. Trên mạng Internet vẫn đang tồn tại các trang web, các ứng dụng cung cấp phim (gồm cả miễn phí và thu tiền người xem thông qua hình thức cho thuê phim, cho mua phim) nhưng không được cấp có thẩm quyền về điện ảnh cấp phép phổ biến phim. Hệ quả là có nhiều nội dung chưa phù hợp, thậm chí vi phạm pháp luật; cung cấp phim không có bản quyền... Do đó, để quản lý được các loại hình này, cần sửa đổi Luật điện ảnh một cách toàn diện.
Việc phát sóng trên truyền hình, chiếu tại rạp hay cung cấp trên môi trường Internet chỉ là các phương thức cung cấp phim đó đến người xem. Do đó, Bộ TT&TT đề nghị sửa đổi Luật Điện ảnh về phổ biến phim trên không gian mạng thống nhất quản lý theo một tiêu chí chung, không phân biệt nội dung phim được chiếu ngoài rạp, trên truyền hình và Internet. Theo đó, cần quy định chi tiết nhất có thể về các nội dung bị cấm trên phim, nội dung bị hạn chế... Đầu mối quản lý nội dung phim theo pháp luật về điện ảnh nên tập trung về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đối với phim phổ biến trên Internet, trên dịch vụ OTT TV phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh cấp giấy phép phổ biến hoặc phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình biên tập, quyết định phát sóng, phổ biến.
Đồng thời, cần có quy định cảnh báo rõ ràng cho người xem về những nội dung có thể không phù hợp, nguy hiểm... và gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu. Đơn vị cung cấp buộc phải cung cấp công cụ để người xem có thể phản ánh về nội dung vi phạm, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Duy Vũ