Hiệu quả vượt trội
Trồng 2 ha cỏ ngọt, ông Ngô Văn Dũng, thôn Tam Kỳ, xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) nhiều lúc phải đau đầu trong việc tìm kiếm, thuê mướn nhân công, nhất là ở khâu phun thuốc BVTV, bởi đây là công việc khá nặng nhọc và độc hại. Vì thế, khi biết có dịch vụ phun thuốc bằng máy bay không người lái, ông đã mạnh dạn thuê thử. Kết quả khiến ông vô cùng hài lòng.
Ông Dũng chia sẻ: Bình thường, với 2 ha này tôi phải thuê 2 người, phun trong 1 ngày mới xong, đó là chưa kể công giám sát, hướng dẫn họ pha thuốc để đảm bảo về liều lượng, nồng độ. Trong khi đó, dùng máy bay chỉ trong 12 phút toàn bộ ruộng của gia đình đã được phun xong, đều, chính xác, không bỏ sót bất kỳ khu vực nào; đặc biệt, giá rẻ bằng ½ so với phun bằng tay.
Cũng giống như ông Dũng, anh Phạm Văn Hướng, xóm Đông, xã Khánh Hòa (huyện Yên Khánh) tìm đến dịch vụ phun thuốc, bón phân bằng thiết bị bay không người lái đã được vài vụ sản xuất. Anh Hướng cho biết: Tôi đang thuê mượn lại 35 ha ruộng của bà con ở các xã Khánh Hòa, Khánh Cư để sản xuất lúa. Với diện tích lớn như vậy mà không có các thiết bị tự động hóa thì không thể làm nổi vì lực lượng lao động trẻ khỏe đổ hết về các khu công nghiệp làm rồi.
Hiện gia đình tôi đang có 20 đầu máy các loại, từ máy làm đất, máy gieo mạ, máy cấy đến máy gặt đập liên hợp, máy cuộn rơm để phục vụ các khâu sản xuất. Riêng phần phun thuốc, rải phân, tôi thuê thiết bị bay không người lái. Qua vài vụ sản xuất, tôi thấy đây là ứng dụng ưu việt, vừa hiệu quả, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí lại đảm bảo về thời vụ. Đặc biệt, nhờ hệ thống vòi phun ly tâm kết hợp lực gió đẩy xuống của thiết bị bay không người lái, thuốc BVTV bám đều lên 2 mặt của lá; giúp cây hấp thụ tốt, không kết thành hạt rơi xuống gây hại môi trường.
Ông Bùi Hữu Ngọc, Giám Đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh phân tích: Ứng dụng máy bay không người lái vào trong sản xuất nông nghiệp giúp phun thuốc BVTV chính xác hơn; giảm công lao động và nhiên liệu, tăng hiệu quả phun đầu vào; giảm lượng nước cần sử dụng; giảm mức độ phơi nhiễm của người vận hành phun; thiết bị có thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng, tính tự động cao, vận hành đơn giản, máy có hệ thống phun tự động chính xác và đồng đều, tự bay theo kế hoạch được thiết lập sẵn, ghi nhớ điểm phun.
Ưu điểm nữa của thiết bị không người lái là sử dụng công nghệ phun áp lực, cắt nhỏ hạt thuốc thành kích thước siêu nhỏ dạng sương mù, sau khi kết hợp với các luồng gió đối lưu từ cánh quạt sẽ giúp thuốc tản đều và bám, thấm nhanh vào cây trồng ở cả mặt trên và dưới của lá, cũng như tán, thân cây, giảm được hiện tượng thuốc bị rơi rớt xuống ngấm vào đất và nước. Khi xảy ra dịch bệnh trên diện rộng, việc sử dụng thiết bị không người lái để phun thuốc sẽ giúp dập dịch nhanh, tiết kiệm được thời gian quản lý dịch hại, tăng hiệu suất lao động.
Thực tế, chính nhờ những ứng dụng ưu việt trên mà máy bay không người lái ngày càng nhận được những phản hồi tích cực của các nông dân, HTX. Nó giúp ngành nông nghiệp ít tiêu tốn công sức hơn. Thậm chí còn góp phần thu hút thế hệ những người nông dân trẻ tuổi, có hiểu biết về công nghệ cao.
Xu hướng kinh doanh hấp dẫn
Trước những thách thức về thiếu hụt, già hóa lao động cộng với quá trình tích tụ ruộng đất đòi hỏi phải ứng dụng những phương pháp canh tác nông nghiệp hiệu quả hơn thì thiết bị bay không người lái sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho nhu cầu canh tác của nông dân. Nắm bắt cơ hội này, một số nông dân trên địa bàn tỉnh đã nhạy bén, mạnh dạn đầu tư mua máy bay không người lái, áp dụng vào trồng trọt, điều này không chỉ giải phóng sức lao động của gia đình mà còn cung ứng dịch vụ cho nhiều nông dân khác, bỏ túi tiền triệu mỗi ngày.
Mặc dù giá máy bay nông nghiệp khá đắt đỏ, trung bình 300-600 triệu đồng/chiếc, nhưng ngay từ năm 2020, ông Trịnh Viết Chiến ở thôn Kim Phú, xã Ninh Khang (huyện Hoa Lư) đã "bạo tay" sắm về để phun thuốc trừ sâu cho ruộng lúa 100 mẫu của gia đình, đồng thời làm dịch vụ. Quá trình sử dụng, ông rất tâm đắc về hiệu quả mà máy bay không người lái mang lại: Trước đây, nếu áp dụng phương pháp dùng bình phun truyền thống, chúng tôi mất hơn 10 ngày mới phun xong 100 mẫu ruộng nhưng giờ chỉ cần chưa đến một ngày là hoàn thành. Ngoài ra tôi còn đưa máy đi làm dịch vụ cho các hộ nông dân, HTX khác ở trong và ngoài tỉnh, thu về khoản lợi nhuận không nhỏ.
Cùng ở xã Ninh Khang, đầu năm 2023, anh Đỗ Hữu Chân cũng bỏ ra 600 triệu đồng để mua máy bay không người lái PG100 mới nhất để làm dịch vụ. Anh Chân chia sẻ: Chỉ qua 2 vụ sản xuất lúa vừa qua, tôi đã thực hiện được tổng diện tích bay là gần 1.300 ha bao gồm sạ giống, rải phân bón và phun thuốc BVTV, với giá dịch vụ là 400 nghìn đồng/ha, tôi thu về khoản doanh thu 450 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí nhân công, xăng xe, máy phát điện, vật tư tiêu hao, tôi cũng đã thu về gần 3/4 tiền đầu tư máy.
Tương tự như vậy, nhận thấy cơ hội làm ăn từ thiết bị bay không người lái, lại được hỗ trợ một phần kinh phí theo nhóm chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp trong Nghị quyết 32/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, gia đình chị Phạm Thị Hằng ở xóm Ngoài, thôn Liên Phương, xã Yên Nhân (huyện Yên Mô) đã mạnh dạn đầu tư mua thiết bị bay không người lái.
Chị Hằng, chia sẻ: Thực tế không ít bà con còn e dè, nghi ngờ về hiệu quả của việc phun thuốc bằng máy bay, sợ phun không hết, không đều, hoặc quá trình bay làm lốc rễ cây. Ban đầu tôi phải trình diễn trước trên ruộng của gia đình và một số hộ xung quanh, để bà con trực tiếp quan sát, cảm nhận hiệu quả. Đến thời điểm này dịch vụ của tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía bà con nông dân cũng như HTX. Cũng theo chị Hằng, với giá dịch vụ là 18 nghìn đồng/sào, sau khi trừ chi phí vốn, nhiên liệu, khấu hao máy móc, có ngày cao điểm, chị thu về khoản lợi nhuận 3 - 5 triệu đồng/ngày.
Cần tiếp tục khơi thông
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích và giá trị cho sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ hiện nay trên toàn tỉnh mới có hơn chục chiếc máy bay không người lái. Nguyên nhân là do giá của thiết bị này khá cao, khoảng 300-600 triệu đồng/chiếc. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao của nước ta còn hạn chế, ruộng đồng manh mún nên việc ứng dụng thiết bị trong thực tế còn không ít khó khăn.
Nông dân Nguyễn Văn Hòa, xã Thượng Kiệm (huyện Kim Sơn) chia sẻ: Vụ lúa mùa vừa qua, khi nạn rầy hoành hành mới thấy rõ hiệu quả của việc phun thuốc bằng máy bay vì nhiều ruộng phun thuốc bằng tay rồi nhưng vẫn bị rầy phá hoại còn riêng ruộng phun thuốc bằng máy thì không hề ảnh hưởng gì. Tuy nhiên không phải cứ muốn thuê là được vì các chủ máy chỉ nhận làm dịch vụ trên diện tích tối thiểu là 5 ha. Nếu trong một vùng chỉ một vài hộ dân không đồng thuận là đành chịu.
Ông Bùi Hữu Ngọc, Giám Đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết thêm: Ngoài ruộng đất manh mún thì một vấn đề lớn hiện nay là chất lượng nguồn nhân lực. Thực tế, để làm chủ và vận hành một thiết bị công nghệ liên tục được nâng cấp và cập nhật phiên bản phần mềm mới; toàn bộ lập trình tự động và kiểm soát các thông số kỹ thuật chặt chẽ khi vận hành và kết nối tín hiệu vệ tinh, trạm sóng… là điều không đơn giản với người nông dân.
Thực tế đúng như vậy, là một trong những người sở hữu chiếc máy bay không người lái đầu tiên ở tỉnh nhưng đến giờ ông Trịnh Viết Chiến vẫn không thể lái nó. Ông Chiến chia sẻ: Thời điểm đầu mua máy, phía công ty cũng có ý định đào tạo, hướng dẫn tôi vận hành máy bay. Nhưng do lớn tuổi, không còn nhanh nhạy với công nghệ nên tôi không dám học mà bỏ tiền để thuê người lái. Điều này cũng gây ra không ít bất tiện, thiếu chủ động trong quá trình sản xuất, làm dịch vụ của gia đình.
Như vậy, rõ ràng để tiếp tục đưa các công nghệ bay không người lái ngày càng gần hơn với nông dân, trước hết cần có thêm nhiều buổi giới thiệu, tập huấn để bà con thấy được những lợi ích, công dụng mà thiết bị này mang lại, tạo sự đồng tình để ứng dụng rộng rãi đối với diện tích sản xuất lớn.
Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ từ nhà nước, cũng như các công ty trong lĩnh vực máy nông nghiệp. Ngoài ra, chúng ta cũng cần sớm xây dựng, ban hành khung pháp lý phù hợp để có thể quản lý công nghệ không người lái và sử dụng thiết bị này một cách an toàn trong sản xuất nông nghiệp. Nên có sự phối hợp chặt chẽ giữa các hiệp hội, các đơn vị cung ứng thiết bị bay không người lái, công ty sản xuất thuốc BVTV, phân bón, giống và các tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm chính quy để tập trung nghiên cứu đánh giá, hoàn thiện quy trình kỹ thuật sử dụng thiết bị không người lái trong phun thuốc BVTV, phân bón, giống.
Ông Lê Tuấn Anh, Phụ trách Kinh doanh khu vực đồng bằng sông Hồng, Công ty cổ phần Đại Thành - đơn vị chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm về nông nghiệp trong đó có thiết bị bay không người lái cho biết: Với tư cách là đơn vị cung cấp thiết bị máy bay nông nghiệp, Công ty sẽ hỗ trợ toàn bộ công tác đào tạo, cấp chứng chỉ cho nông dân vận hành máy. Đồng thời, cử nhân viên kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng máy, hỗ trợ kịp thời cho khách hàng khi gặp sự cố, vướng mắc trong quá trình vận hành.
Về phía Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đơn vị này khẳng định, thời gian tới sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu đánh giá việc sử dụng thiết bị bay không người lái đối với từng loại thuốc, trên từng loại cây trồng, đối tượng sinh vật gây hại nhằm có quy trình phòng trừ thống nhất một cách hiệu quả, an toàn. Bên cạnh đó, giới thiệu, hỗ trợ kết nối giữa chủ máy và các cá nhân, HTX có nhu cầu.