Nhiều doanh nghiệp chuyển đổi mô hình hoạt động thích ứng với dịch COVID-19

09/09/2021, 10:46

BNEWS Chiều 8/9 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức diễn đàn trực tuyến với chủ đề "Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi".

Công ty TNHH Sông Kôn tại Khu Công ngiệp Phú Tài (Bình Định). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN 

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội; trong đó, đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng đang chịu những tác động vô cùng to lớn như không tiếp cận được khách hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh thu giảm mạnh, phải cho nhiều lao động nghỉ việc…., thậm chí, không ít doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc tạm đóng cửa.

Trải qua những tác động của dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.
Đáng lo hơn, đợt dịch này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước…
Bên cạnh những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, các địa phương, cũng đã tới lúc, chính các doanh nghiệp phải tính đến việc tái thiết kế phương thức kinh doanh, tìm kiếm khả năng kinh doanh mới, tái cơ cấu doanh nghiệp, tìm cách thức quản trị mới để sống chung, sống an toàn trong môi trường biến đổi này, ông Phòng nhấn mạnh.
Tùy theo quy mô, mỗi doanh nghiệp sẽ có những mô hình phù hợp để giữ cho doanh nghiệp mình được an toàn trước COVD-19. Song các mô hình đều phải tuân thủ nguyên tắc chủ động, từ lãnh đạo cao nhất đến toàn thể nhân viên cần nhận thức rõ và đồng lòng cùng tham gia phòng, chống dịch. Bởi lẽ nếu chỉ tập trung mục tiêu sản xuất, khi có dịch bệnh xảy ra, công ty sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn.
Theo ông Phòng, để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm chuyển đổi mô hình hoạt động, số hóa trong các khâu vận hành, quản lý, khai thác, giao nhận vận tải và tạo nên những làn sóng lan tỏa trên thị trường.

Rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử và thực tế cho thấy, những doanh nghiệp tiên phong trong quá trình chuyển đổi số có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường đều là những doanh nghiệp đã và đang trụ vững, phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng của dịch COVID-19.
Bàn về sự biến đổi của thế giới sau đại dịch và những thách thức đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam, Gs.Ts Nguyễn Đức Khương, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Chủ tịch Tổ chức khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu cho biết, về kinh tế, đại dịch COVID-19 đang và còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu; trong đó có Việt Nam.

Tuy có sự khác biệt về quy mô, lĩnh vực ngành nghề nhưng ảnh hưởng của COVID-19 đối với doanh nghiệp đều có những điểm chung như sự đứt đoạn các chuỗi cung ứng, đầu vào, logistics, thị trường đầu ra...; làm giảm nhu cầu ở trong và ngoài nước do các biện pháp cách ly phong tỏa và hạn chế đi lại.
Cùng với đó là sự bùng nổ của chi phí vận chuyển; sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng, sự gia tăng nhu cầu mua bán sản phẩm dịch vụ trực tuyến; sự thích ứng của nhiều doanh nghiệp khi chuyển đổi cách thức làm việc, quản lý điều hành từ xa; sự thay đổi về phương thức thanh toán để trả lương, trả tiền hàng cùng những khó khăn khác...hay sự khác biệt và độ chênh nhất định về chính sách của các địa phương (nơi đóng, nơi mở, lúc đóng, lúc mở thay đổi liên tục dẫn tới doanh nghiệp không xoay xở kịp) và áp lực chuyển đổi số khi nhiều doanh nghiệp vẫn chưa kịp sẵn sàng thích ứng để sống và làm việc lâu dài với dịch bệnh...
Tình hình đang đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức cho doanh nghiệp, tuy nhiên, không hẳn không có cơ hội dành cho các doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông Khương, đó là cơ hội thị trường mới do Việt Nam tạo được lòng tin chiến lược quan trọng với hầu hết các quốc gia và là đầu mối quan trọng cho nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu - EVFTA; Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP...
Ngoài ra, là cơ hội đón nhận các dòng dịch chuyển sản xuất, đầu tư đến Việt Nam nhờ tiềm năng tăng trưởng cao, nền kinh tế mở. Ước tính, khoảng 70% giá trị mới được tạo ra trong nền kinh tế trong thập kỷ tới sẽ dựa trên các mô hình kinh doanh nền tảng được hỗ trợ kỹ thuật số, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế do tính năng động và năng lực tiếp cận số cao và nhanh.
"Chính vì thế, điều tối quan trọng là cần thiết có tầm nhìn để kết nối nhân tài, xây dựng các hệ sinh thái kết nối các thành phần như doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức và cá nhân.... Kết nối chính là chìa khóa", ông Khương nói.
Đại diện Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (Vecom), ông Nguyễn Bình Minh nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước một cơ hội mới để bứt phá nếu thích ứng kịp thời với môi trường kinh doanh mới do đại dịch COVID-19 tạo ra.

Việc người dùng và các doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử là một sức ép bắt buộc sẽ làm thay đổi thói quen và hành vi của họ. Sau đại dịch chắc chắn các hoạt động thương mại điện tử  sẽ tiếp tục có cơ hội phát triển. Các doanh nghiệp cần phải tranh thủ thời gian để xây dựng thương hiệu, cải tiến quy trình kinh doanh, thực hiện các giao dịch có trách nhiệm và chăm sóc khách hàng chu đáo.
Cùng với đó, thái độ tích cực của doanh nghiệp với cộng đồng xã hội trong giai đoạn dịch bệnh sẽ nhận được sự ủng hộ của người dùng. Người dùng sẽ dần có xu hướng mạnh dạn tham gia vào các giao dịch thương mại điện tử và nâng cao lòng tin vào những doanh nghiệp kinh doanh có uy tín. Số lượng giao dịch thương mại sau đại dịch sẽ tiếp tục tăng khi nền kinh tế hoạt động và tăng tốc trở lại, cũng như thu nhập của người dân tăng lên..../.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO