Biểu tượng công cụ ChatGPT do công ty OpenAI phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong kế hoạch thúc đẩy sở hữu trí tuệ sẽ được công bố trong thời gian tới, Chính phủ Nhật Bản sẽ trình bày các điểm thảo luận xung quanh vấn đề AI, quyền tác quyền, các trường hợp vi phạm cụ thể và cách giải thích pháp lý trong tương lai. Hiện tại, các cuộc thảo luận tương tự như tại Nhật Bản cũng đang được tiến hành ở nước ngoài.
Trong dự thảo kế hoạch thúc đẩy sở hữu trí tuệ, Chính phủ Nhật Bản đề cập rõ nội dung thảo luận về các chính sách cần thiết, thúc đẩy điều chỉnh quan điểm pháp luật, phân tích và nắm bắt các trường hợp mang tính cụ thể, trong đó, có vấn đề quyền tác quyền đối với nội dung và hình ảnh do AI tạo ra, hoặc các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển AI.
Theo luật bản quyền của Nhật Bản, bản quyền được cấp cho các tác phẩm thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của tác giả theo một cách độc đáo. Đối tượng áp dụng trên phạm vi rộng là văn bản, hình ảnh, âm nhạc, kiến trúc…, và tác giả được giả định là con người người. Các văn bản và hình ảnh do máy tính tạo ra có thuộc bản quyền không?. Vấn đề này đã được tranh luận từ những năm 1970 và các cuộc tranh luận hiện tại về AI là một phần mở rộng của điều đó.
Năm 2017, Chính phủ Nhật Bản đã bày tỏ quan điểm rằng ngay cả văn bản và hình ảnh do AI tạo ra “có thể được công nhận là có bản quyền nếu chúng có tính sáng tạo”. Nếu AI được sử dụng như một công cụ và nội dung thu được có thể được đánh giá là có sự sáng tạo của con người, thì đó sẽ là một tác phẩm có bản quyền. Tuy nhiên, hiện tại việc ra quyết định trở về bản quyền trở nên khó khăn hơn với sự ra đời của AI tạo sinh. Cách giải thích về việc “đóng góp sáng tạo” sẽ là trọng tâm chính trong các cuộc thảo luận trong tương lai.
Ví dụ, điều gì sẽ xảy ra nếu một nghệ sĩ ra lệnh cho một AI sáng tạo một hình ảnh độc đáo mà không ai có thể nghĩ ra?. Liệu có bản quyền đối với các văn bản được soạn thảo bởi AI và được sửa chữa bởi con người hay không?.
Trong mọi trường hợp đều ghi nhận mức độ tham gia của con người, nhưng hiện tại không có tiêu chuẩn rõ ràng cho vấn đề này. Luật sư Kensaku Fukui, người thông thạo về vấn đề bản quyền, tin rằng ở Nhật Bản cũng vậy và sẽ cần phải chứng minh rằng mọi người đã có những đóng góp cụ thể cho việc hình thành tác phẩm, chẳng hạn như nội dung hướng dẫn đối với AI như thế nào.
Ngay cả ở nước ngoài, “sự tham gia của con người” là một yếu tố quyết định quan trọng đối với bản quyền. Vào năm 2016, Mỹ đã ra phán quyết rằng những bức ảnh do khỉ chụp bằng máy ảnh do con người để lại không thể đăng ký bản quyền.
Theo hướng dẫn được Văn phòng đăng ký bản quyền của Mỹ công bố vào tháng 3/2011, về nguyên tắc, bản quyền không được công nhận đối với các tác phẩm do AI tạo ra. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như khi một người sử dụng AI để sửa đổi tác phẩm, bản quyền có thể được cấp. Nghị viện châu Âu cũng đã nói rằng các tác phẩm được tạo tự động có thể không đủ điều kiện để được bảo vệ.
Vương quốc Anh cấp một mức độ bản quyền nhất định đối với các sáng tạo do máy tính tạo ra. Ngay cả ở Trung Quốc, một phán quyết đã được đưa ra công nhận bản quyền của các bài báo do AI viết.
Việc sử dụng các tác phẩm có bản quyền làm tài liệu cho AI học hỏi cũng là một điểm gây tranh cãi lớn.
Luật bản quyền của Nhật Bản không hạn chế việc thu thập và phân tích các tác phẩm để nghiên cứu. Điều này được giải thích là do AI không thể “tiếp nhận” những suy nghĩ và cảm xúc của tác giả, vốn là nền tảng của tác phẩm. Các trường hợp ngoại lệ chỉ giới hạn trong các trường hợp gây phương hại một cách bất hợp lý đến lợi ích của chủ sở hữu bản quyền. Ví dụ, có thể hình dung rằng toàn bộ cơ sở dữ liệu của các tác phẩm có bản quyền được sao chép và phân tích, và giá trị của doanh nghiệp bị hạ thấp. Theo Cục Văn hóa Nhật Bản, hiện chưa có trường hợp nào AI tự học bị phát hiện vi phạm bản quyền và cũng chưa có tiêu chuẩn để đánh giá thế nào là “bất hợp lý”.
Tại Mỹ, các tòa án quyết định xem các dịch vụ mới là hợp pháp hay bất hợp pháp theo các quy tắc được gọi là “quy tắc sử dụng hợp lý”. Trong một số trường hợp, chủ sở hữu bản quyền có thể không cho phép AI tiếp cận tác phẩm. Tại Liên minh châu Âu (EU), chủ sở hữu bản quyền có thể từ chối việc phân tích ngoài mục đích nghiên cứu học thuật.
Ở Nhật Bản, không giống như ở châu Âu, không có cơ chế nào cho phép chủ sở hữu bản quyền từ chối việc thu thập và phân tích dữ liệu. Những người sáng tạo đã bày tỏ mối quan ngại của họ và Katsuya Tamai, Giáo sư tại Đại học Tokyo, người thông thạo vấn đề sở hữu trí tuệ, đã chỉ ra rằng: “Chúng ta cần tạo ra một hệ thống mang lại lợi nhuận cho người sáng tạo mà không cản trở sự phát triển của công nghệ”./.