Chất bán dẫn thường được sử dụng rất nhiều trong các thiết bị điện, đặc biệt là trong các ngành sản xuất ô tô và điện thoại, tivi. Ảnh: TTXVN
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) vừa công bố dự thảo chiến lược mới nhằm tăng cường ngành công nghiệp linh kiện bán dẫn nội địa, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2030, doanh thu từ ngành công nghiệp này sẽ tăng lên mức 15.000 tỷ yen (khoảng 113 tỷ USD), gấp 3 lần so với hiện nay.
Trong dự thảo chiến lược mới, ngoài việc đẩy nhanh quá trình phát triển kỹ thuật chế tạo chất bán dẫn thế hệ mới có kích thước 2 nanomet, METI cũng chủ trương thúc đẩy tính năng của chất bán dẫn dùng trong bộ nhớ của các thiết bị điện thoại thông minh, cảm ứng dữ liệu và nâng cao tính năng của linh kiện bán dẫn được sử dụng trong thiết bị kiểm soát ô tô điện.
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, METI cho biết ngành công nghiệp bán dẫn nội địa sẽ cần khoản vốn đầu tư theo diện công - tư là hơn 10.000 tỷ yen, trong quãng thời gian 10 năm tới đây. Bên cạnh đó, METI cũng sẽ thúc đẩy liên kết trong hoạt động nghiên cứu phát triển với các quốc gia cùng chí hướng như Mỹ và Hà Lan để tăng cường sự bền vững của mạng lưới cung ứng linh kiện bán dẫn cho nước này.
Trước đó, METI cũng đã công bố chủ trương tăng cường kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất linh kiện bán dẫn ra nước ngoài. Theo đó, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu 23 loại thiết bị có khả năng sản xuất linh kiện bán dẫn có độ lớn dưới 14 nannomet sẽ cần xin cấp phép trước. Ngoài ra, METI cũng quy định danh sách 42 quốc gia được hưởng chế độ đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu đối với các loại thiết bị này./.