Khác với các đồng nghiệp trong công ty bất động sản, Xiaopan được tạo từ AI. Cô có nhiệm vụ nhắc nhở những khách hàng chưa thanh toán nợ quá hạn.
"Xiaopan đã chứng minh tính hiệu quả cao hơn nhiều so với con người trong việc thúc ép các con nợ, nhắc nhở họ trả tiền", Yu Liang, Chủ tịch China Vanke, viết trên WeChat.
Theo ông, Xiaopan có khả năng thu hồi các khoản nợ quá hạn và các khoản thu khác với tỷ lệ thành công 91,4%. Nữ nhân viên ảo được bộ phận Longtaitou của China Vanke phát triển, sử dụng hệ thống AI Xiaoice của Microsoft.
China Vance là tập đoàn kinh doanh nhà ở lớn thứ ba Trung Quốc và có khoảng 140.000 nhân viên. Doanh nghiệp này được đánh giá rất nhanh nhạy trong việc ứng dụng công nghệ. Wang Shi, người sáng lập và cựu chủ tịch công ty, từ năm 2015 đã cho biết mục tiêu trong 10 năm của China Vance là dùng do robot và AI quản lý 40% công việc.
Báo cáo của công ty tư vấn thị trường Analysys cho thấy, thành tích nổi trội của các nhân viên ảo như Xiaopan là lý do nhiều công ty Trung Quốc bắt đầu đặt kế hoạch triển khai những mô hình tương tự. Những năm qua, Trung Quốc luôn đặt tham vọng dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030 và những cái tên như Xiaopan đang từng bước thể hiện điều đó.
Trước đó, nhân viên ảo Dreamwriter của Tencent cũng nổi tiếng khi có thể tạo các bài viết 1.000 từ trong 60 giây, hay có thể đọc bản tin truyền hình trên sóng của Tân Hoa Xã.
Theo Analysys, nhân viên ảo dựa trên AI sẽ xuất hiện ngày càng nhiều tại Trung Quốc. Chúng có thể được dùng cho các mục đích đa dạng tuỳ theo ngữ cảnh, thay vì các dạng chỉ trả lời các câu hỏi có sẵn hiện nay.
"Với sự thông minh và hiệu suất cao của nhân viên ảo, nhân viên thật cũng sẽ được khuyến khích cải thiện kỹ năng. Mô hình này thúc đẩy chuyển đổi số ở doanh nghiệp diễn ra nhanh hơn", đại diện Analysys nói.
Theo IDC, thị trường phần mềm AI tại Trung Quốc, gồm ứng dụng cho robot AI hoặc con người ảo đã trở nên phổ biến. Dự báo năm 2030, lĩnh vực này ước đạt 23 tỷ nhân dân tệ (3,6 tỷ USD).
Trong đó, việc sử dụng người ảo sẽ trở nên phổ biến trong lĩnh vực bán lẻ và giải trí. Đặc biệt, các thần tượng ảo đang ngày càng được chú ý, nhất là giới trẻ. Ayayi, Ling Yuezheng, Angie là những "mỹ nhân ảo" có hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên các mạng xã hội. Chuỗi chăm sóc sức khỏe cá nhân Watsons và hãng mỹ phẩm L'Oreal đều tung ra thần tượng ảo riêng để giao tiếp với người tiêu dùng Trung Quốc.
"KOL ảo ngày càng phổ biến tại Trung Quốc, đặc biệt thu hút người trẻ - thế hệ tò mò muốn trải nghiệm những cái mới", Mei Chen, đứng đầu bộ phận thời trang của Alibaba, nhận xét.
Thống kê của iMedia cho thấy, thị trường thần tượng ảo dự kiến đạt 12 tỷ nhân dân tệ (1,8 tỷ USD) năm nay, tăng 10 lần so với con số 1,2 tỷ nhân dân tệ năm 2018.
Bảo Lâm (theo SCMP)