Người dân Anh hưởng lợi khi chính phủ ‘lên mây’

08/08/2022, 09:53

Vương quốc Anh đã sớm nhìn nhận công nghệ điện toán đám mây là yếu tố nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Kể từ năm 2013, chính phủ Anh đã đưa ra chính sách ưu tiên đám mây “Cloud first” nhằm thúc đẩy áp dụng rộng rãi điện toán đám mây (cloud computing) trong khu vực công nhằm nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Hơn 8 năm sau, chính sách ban đầu vốn chỉ là sáng kiến tiết kiệm chi phí đã trở thành đáp án cho bài toán duy trì hoạt động chính phủ, khi các văn phòng phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19.

Ngày nay, vai trò của đám mây liên tục được thử nghiệm và kiểm tra, những lợi ích mang lại là không phải bàn cãi, ngay cả đối với những người từng nghi ngờ về độ an toàn và ổn định của công nghệ này. Mặc dù các lệnh giãn cách xã hội đã được dỡ bỏ, đại dịch đã mang tới tư duy mới về kết hợp các mô hình giữa làm việc từ xa và làm việc tại chỗ.

Người dân Anh hưởng lợi khi chính phủ ‘lên mây’
(Ảnh: Microsoft)

Theo khảo sát của công đoàn FDA (công đoàn dành cho công nhân viên chức tại Anh) năm 2021, có tới 97% số người được phỏng vấn bày tỏ mong muốn được tiếp tục làm việc từ xa sau khi đại dịch kết thúc, đó được coi là một thay đổi lớn đối với thực tế làm việc. Nghiên cứu của GGF và Dell Technologies cũng cho ra kết quả tương tự, khi 82% công chức tại Vương quốc Anh nói rằng họ muốn làm việc từ xa trong thời gian tới.

Đưa bộ máy công quyền tiếp cận công nghệ mới

Với tham vọng số hoá các dịch vụ công của Chính phủ bằng các công nghệ kỹ thuật số tương lai, Bộ Nội vụ Vương quốc Anh đã sử dụng điện toán đám mây để hỗ trợ các mục tiêu chuyển đổi số của mình.

Đôi khi lợi ích lớn nhất của việc “lên mây” là tạo ra nền tảng để cơ quan công quyền có thể làm các việc kế tiếp. Đối với Bộ Nội vụ Anh, đó là việc mở ra cánh cửa để tự động hoá nâng cao hiệu quả dịch vụ văn phòng.

Cơ quan này, với hơn 35.000 nhân viên, đã chuyển đổi thành công các công tác chủ chốt về nhân sự, lương thưởng, tài chính, hỗ trợ khách hàng và phân tích nhân sự lên dịch vụ đám mây của Oracle. Đây cũng là cơ quan đi đầu trong chính phủ về ứng dụng công nghệ số hoá các công tác nghiệp vụ và chức năng hỗ trợ.

“Bộ Nội vụ là một trong những cơ quan chính phủ lớn nhất và phức tạp nhất tại Vương quốc Anh. Việc chuyển đổi số thành công, đưa mọi công tác chuyên môn lên đám mây sẽ là bài học kinh nghiệm tập thể cho các cơ quan khác áp dụng. Đây là một bước đi thiết yếu, truyền tải công nghệ tập trung vào người dùng”, Jill Hatcher, Giám đốc nhân sự của cơ quan khẳng định.

Ứng dụng điện toán đám mây trong công tác quản lý nhập cư tại Anh, cũng đem lại kết quả khả quan khi trong một tháng, cơ quan chức năng có thể xử lý hơn 5.000 trường hợp sinh trắc học ưu tiên; 3.000 giấy tờ sinh trắc học du lịch; 44.000 giấy phép cư trú sinh trắc học và hơn 8.000 trường hợp lưu trú ban đầu.  

Trong khi đó, Steve Miranda, Phó chủ tịch điều hành phát triển ứng dụng tại Oracle, tin rằng, tình hình thế giới gần đây cùng với những dự báo kinh tế đầy thách thức sẽ ngày càng tạo ra áp lực đối với các cơ quan công quyền. Việc chuẩn hoá và hiện đại hoá cách thức hoạt động của các cơ quan chính phủ sẽ giúp mang lại nhiều giá trị đối với người dân hơn.

Đám mây khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn

Với việc các máy tính để bàn được lưu trữ tại các máy chủ từ xa, bộ phận công nghệ thông tin (CNTT) của cơ quan công quyền có thể kiểm soát tập trung hơn trong việc trao quyền truy cập máy tính, ứng dụng cũng như các dữ liệu nhạy cảm khác.

Không chỉ vậy, các nền tảng điện toán đám mây đều hỗ trợ dịch vụ sao lưu và khôi phục dữ liệu trong trường hợp sự cố xảy ra. Điều này có nghĩa rằng các dịch vụ công của chính phủ sẽ nhanh chóng được phục hồi thay vì mất nhiều thời gian bị gián đoạn như trước.

Waltham Forest, trung tâm dữ liệu với phần cứng xuống cấp, đã nhận thấy cơ hội hiện đại hoá với cơ sở hạ tầng đám mây. Trước đây, hệ thống tại trung tâm cần phải cập nhật mỗi đêm, nhưng phần cứng cũ kỹ khiến tốc độ này diễn ra rất chậm, kết quả là hệ thống thường xuyên không kịp hoàn thành cập nhật vào buổi sáng dẫn tới những vấn đề trục trặc trong cả ngày hôm đó.

David Frewin, quản lý dịch vụ mạng lưới cơ sở hạ tầng tại trung tâm dữ liệu này, cho biết, công nghệ điện toán đám mây đã giúp cải thiện khả năng phối hợp và năng suất của nhân viên từng ngày. “Một trong những điều tuyệt vời nhất là cảm hứng trong cả nhóm. Các dự án này đã giúp cả đội xích lại gần nhau hơn”.

Với đám mây, các phòng ban tại trung tâm đã được bổ sung thêm sức mạnh điện toán căn cứ theo nhu cầu thực tế. Chỉ cần chạy hệ thống qua các chương trình giả lập như Virtual Desktop và Azure, Waltham Forest có thể phân bổ tập trung nguồn lực cho hệ thống vào buổi tối và đảm bảo mọi thứ chạy đúng tiến độ vào sáng hôm sau.

“Không nghi ngờ gì về việc công nghệ đám mây (Microsoft 365 và OneDrive) có vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu suất. Các nhân viên có thể truy cập thẳng lên Microsoft tại nhà mà không cần sử dụng mạng lưới của chúng tôi. Điều này có nghĩa là các ứng dụng kinh doanh trong mạng lưới hầu như không có độ trễ”, Simon Copsey, trợ lý Giám đốc điều hành công nghệ thông tin tại Waltham Forest nói.

Tính tới thời điểm năm 2021, chỉ trong 5 năm triển khai khuôn khổ chương trình G-Cloud (sáng kiến chính phủ đám mây), các cơ quan thuộc Chính phủ Anh đã chi tổng cộng 7 tỷ Bảng cho các dịch vụ đám mây và con số này chắc chắn không dừng lại trong thời gian tới.

Vinh Ngô


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO