Ngành chip Hàn Quốc đương đầu với thua lỗ và thất thoát nhân tài

28/06/2023, 07:53

Hai hãng chip đầu ngành là Samsung Electronics và SK Hynix Inc dự kiến báo lỗ lần nữa trong quí 2 khi nhu cầu thiết bị công nghệ trên toàn cầu giảm sút. Trong quí 3 tới đây, các hãng cũng chưa thể cắt lỗ.

Các hãng chip Hàn Quốc, đặc biệt là Samsung Electronics đang có nguy cơ chảy máu chất xám và rò rỉ bí mật công nghệ cốt lõi. Thời gian qua, các vụ ra tòa và sa thải những nhân sự chủ chốt của Samsung đã giấy lên hồi chuông cảnh báo mới.

Bên trong nhà máy đúc khuôn chip của Samsung Electronics tại thủ đô Seoul. Bảo vệ các công nghệ chip tiên tiến là một chính sách quan trọng nhất của hãng chip hàng đầu thế giới. Ảnh: Samsung Electronics

Thua lỗ liên tiếp trong nhiều quí

Samsung Electronics dự kiến sẽ báo cáo lợi nhuận hoạt động là 100,4 tỉ won (76,5 triệu đô la) trong quí này, giảm 99,3% so với mức hơn 14.000 tỉ won của cùng kỳ năm ngoái. Device Solutions, bộ phận phụ trách kinh doanh chip của Samsung, được dự báo sẽ ghi nhận khoản lỗ 3.000-4.000 tỉ won, thấp hơn so với khoản lỗ 4.580 tỉ won trong quí đầu năm. Triển vọng thu nhập ảm đạm được đưa ra khi ngành công nghiệp chip toàn cầu đang sụt giảm doanh thu và lợi nhuận.

Samsung, hãng sản xuất chip nhớ và smartphone lớn nhất thế giới, đã báo cáo lợi nhuận hàng quí tồi tệ nhất trong 14 năm qua trong quí 1-2023. Vài tuần trước khi công bố kết quả kinh doanh quí 2, Samsung cho biết đang cắt giảm sản xuất để đối phó với tình trạng thừa chip bộ nhớ.

SK Hynix dự kiến sẽ ghi nhận khoản lỗ hoạt động hàng quí thứ ba liên tiếp, trong đó quí này lỗ 2.860 tỉ won. Trước đó, quí cuối năm ngoái có khoản lỗ 1.890 tỉ won và khoản lỗ hoạt động 3.400 tỉ won trong quí 1 vừa qua.

Các nhà phân tích cho biết thị trường chip sẽ cải thiện vào cuối năm nay bởi sau giai đoạn giảm thì các hãng sẽ tăng sản lượng trở lại. “Chúng tôi tin rằng thu nhập hàng quí của Samsung đã chạm đáy trong quí đầu tiên. Sản lượng DRAM trong quí 2 đã vượt dự báo và mức tồn kho bắt đầu giảm”, theo nhà phân tích Kim Dong-won thuộc hãng chứng khoán KB Securities.

Nhà phân tích Doh Hyun-woo thuộc hãng NH Investment & Securities Co. cho biết rằng SK Hynix cũng sẽ chứng kiến “giá bán trung bình của DRAM và NAND tăng lên, góp phần cắt giảm khoản lỗ trong quí tới”.

Samsung tung ra công nghệ chip 3nm trong năm 2023, và dự định đưa ra chip 2nm vào năm 2025. Màn hình OLED và công nghệ chip dưới 10nm của Samsung đang là mục tiêu các đối thủ dòm ngó. Ảnh: Reuters

Báo động đỏ về “chuyển giao công nghệ bất hợp pháp”

Theo dữ liệu từ Trung tâm An ninh công nghiệp quốc gia của Cơ quan Tình báo quốc gia (NIS), giai đoạn từ 2017 đến tháng 9-2022, khoảng 36 trường hợp chuyển giao công nghệ bất hợp pháp đã xảy ra, gây thiệt hại tổng cộng 26.900 tỉ won.

Những câu chuyện về các kỹ sư Samsung liên tục hầu tòa trong thời gian gần đây khiến chính phủ, NIS và các hãng chip Hàn Quốc lo ngại.

Chẳng hạn như hôm 25-6, Tòa án Seoul đã chấp nhận đơn kiện của Samsung Electronics về lệnh cấm một nhân viên chủ chốt chuyển sang làm việc cho hãng chip đối thủ Micron Technology của Mỹ chỉ ba tháng sau khi nghỉ việc tại Samsung.

Trước đó, nhân viên này là một chuyên gia về thiết kế chip bộ nhớ DRAM, có vai trò là nhà nghiên cứu cấp cao của Samsung trong khoảng 24 năm qua kể từ khi ông làm việc cho gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc từ năm 1998. Từ tháng 6-2018, ông là giám đốc dự án xử lý các công nghệ chip chính của Samsung.

Tháng 3-2022, người này nộp đơn từ chức. Khi nghỉ việc tại Samsung, ông đã ký cam kết ký cam kết bảo mật là không thành lập công ty cùng lĩnh vực và không làm việc cho hãng chip đối thủ trong hai năm.

Nhưng chưa đầy ba tháng sau, ông đã gia nhập Micron Technology, hãng chip nhớ có trụ sở tại Mỹ và là nhà sản xuất chip lớn thứ ba thế giới sau Samsung và SK Hynix.

Samsung đã nhanh chóng đệ đơn lên tòa. Tuy vậy, cựu nhân viên Samsung lập luận rằng thỏa thuận nên bị vô hiệu bởi “không được đối xử thích hợp trong thời gian cấm hai năm”. Ông cũng nói rằng hợp đồng và cam kết là “quá hạn chế”

Tuy nhiên, tòa án phán quyết rằng hợp đồng song phương có hiệu lực và nhân viên không được phép làm việc trong ngành liên quan đến chip cho đến tháng 4-2024.

Ngoài ra, Samsung đang “báo động đỏ” khi ngày càng nhiều các kỹ sư và nhân sự cấp cao bỏ việc hay đánh cắp công nghệ cốt lõi của tập đoàn bán cho đối thủ nước ngoài.

Hôm 12-6, một cựu giám đốc điều hành của Samsung đã bị truy tố về tội ăn cắp bí mật công nghệ sản xuất chất bán dẫn của Samsung để giúp các đối thủ xây dựng một nhà máy ở Tây An, Trung Quốc.

Văn phòng Công tố quận Suwon ở Seoul đã cáo buộc cựu giám đốc 65 tuổi đánh cắp các bản thiết kế chip của Samsung và tuồn ra nước ngoài.

Nhà máy chip ở Tây An do chính quyền Thành Đô và một công ty Đài Loan tài trợ xây dựng trong hai năm 2018 và 2019. Các công tố viên cho biết bị cáo cũng từng giữ chức Phó Chủ tịch SK Hynix.

“Các bản thiết kế là bí mật kinh doanh mà Samsung đã phát triển trong hơn 30 năm qua quá trình thử và sai, trị giá ít nhất 300 tỉ won (233 triệu đô la). Nếu chip có chất lượng tương đương với chip của Samsung được sản xuất hàng loạt ở Trung Quốc, điều này có thể gây ra những tổn thất không thể phục hồi cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước”, văn phòng công tố nói.

Viên chức cấp cao của Samsung cũng đã thuê khoảng 200 nhân viên từ các hãng chip địa phương, bao gồm cả Samsung. Nhà chức trách cũng truy tố thêm sáu nhân viên của vị này về những cáo buộc tương tự.

Hồi tháng 5-2023, Samsung đã sa thải một kỹ sư chip khác và yêu cầu điều tra hình sự. Nguyên nhân là do người này bị phát hiện đã gửi thông tin quan trọng của công ty đến tài khoản email cá nhân và cả các tài khoản khác.

Tháng 2-2023, 7 cựu nhân viên Samsung lãnh án tù từ hai năm rưỡi đến bốn năm tù và phạt tiền vì đánh cắp bí mật bán cho hãng chip Trung Quốc.

Tháng 4-2022, một kỹ sư khác của Samsung, người được cho là đang chuẩn bị chuyển đến một hãng nước ngoài, bị phát hiện đã chụp hàng trăm bức ảnh về bí mật công nghệ của công ty được coi là công nghệ chiến lược quốc gia khi đang làm việc tại nhà. Trong phiên tòa đầu tiên, kỹ sư này nhận án treo 18 tháng và nộp phạt 10 triệu won.

Quyết bảo vệ công nghệ cốt lõi

Các vụ xử diễn ra trong bối cảnh đối đầu Mỹ – Trung vẫn căng thẳng và Washington đang ngăn cản Bắc Kinh tiếp cận công nghệ chip tiên tiến.

Samsung cũng đang thực hiện một số giải pháp để bảo vệ các công nghệ cốt lõi như tại một số nhà xưởng và văn phòng, nhân viên không được phép sử dụng smartphone để ghi âm ghi hình; các máy in đều được quản lý nhằm đề phòng việc đánh cắp bản vẽ kỹ thuật.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đưa ra nhiều chính sách bảo vệ cột sống của nền kinh tế. Đầu năm 2022, hệ thống dữ liệu kỹ sư ngành chip được thành lập. Nhà chức trách và cơ quan tình báo bắt đầu giám sát các chuyến du lịch nước ngoài của các kỹ sư ngành chip, nhằm đề phòng công nghệ rơi vào tay các hãng Trung Quốc và các hãng đối thủ khác.

Theo Korea Herald, Reuters, Bloomberg, Samsung Electronics


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO