Ngân hàng vẫn chưa thể tiếp cận kho dữ liệu căn cước công dân

23/10/2021, 10:53

Vẫn chưa có nhiều bước tiến mới trong thoả thuận tiếp cận kho dữ liệu dân cư quốc gia giữa các ngân hàng và Bộ Công an. Trong bối cảnh lừa đảo chuyển tiền, mạo danh tài khoản ngân hàng vẫn diễn ra nhức nhối thời gian qua, việc tiếp cận kho dữ liệu dân cư sẽ mang đến những lợi ích lớn để ngăn chặn tình trạng này.

Mới dừng lại ở thoả thuận 

Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng giả mạo thông tin, lừa đảo chuyển khoản, vào tháng 6 vừa qua, 4 ngân hàng trong đó có 3 ngân hàng thương mại nhà nước và 1 ngân hàng thương mại cổ phần đã ký kết thỏa thuận khai thác dữ liệu căn cước công dân với Bộ Công an. 

Khi đó, theo đánh giá của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), đây là nội dung rất lớn phục vụ cho chiến lược chuyển đổi số của ngân hàng. Nếu khai thác được dữ liệu căn cước công dân sinh trắc học, gần như việc giả mạo thông tin khi mở thẻ ngân hàng sẽ không còn nữa. 

Dù vậy, ngày 20.10, trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện một trong các ngân hàng quốc doanh tham gia ký kết khai thác kho dữ liệu căn cước công dân của Bộ Công an cho biết vấn đề này vẫn chưa có nhiều bước tiến mới. Ngân hàng hiện vẫn chưa thể tiếp cận kho dữ liệu căn cước công dân để hỗ trợ cho định danh khách hàng. 

“Mới chỉ ký kết về mặt nguyên tắc thôi chứ chưa triển khai được bất cứ điều kỳ. Vẫn chưa rõ ràng về các đầu đọc để hỗ trợ cho việc nhận dạng thông tin trong kho dữ liệu và các sản phẩm của ngân hàng để đọc những thông tin đó" - đại diện ngân hàng nói trên cho biết. 

Phía ngân hàng này đồng tình ở việc trong hoạt động phòng chống tội phạm tài chính, ngân hàng, việc được tiếp cận kho dữ liệu dân cư thực sự sẽ mang lại những lợi ích lớn. Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn đang gặp một số vướng mắc như chưa thể triển khai đồng bộ căn cước công dân mới thay thế cho chứng minh nhân dân kiểu cũ, bên cạnh đó, các hoạt động ngân hàng liên quan đến bảo mật dữ liệu cá nhân cũng là vấn đề cần được xem xét thấu đáo. 

Trước đó, hàng loạt ngân hàng tại Việt Nam đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ra mắt các siêu ứng dụng và đặc biệt triển khai eKYC (electronic Know Your Customer) - định danh khách hàng điện tử. Việc được tiếp cận kho dữ liệu công dân do Bộ Công an cung cấp được cho sẽ hỗ trợ rất lớn cho các bước định danh được nhanh chóng, thuận lợi. Trong đó, ngân hàng có thể định danh công dân cũng như xác minh tình hình tài chính, thông tin liên quan của cá nhân đó khi tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Trên cơ sở đó, ngân hàng đánh giá xếp hạng cung cấp dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tín dụng.

Ở thời điểm hiện tại, do chưa được tiếp cận với kho dữ liệu công dân, các ngân hàng triển khai giải pháp eKYC phải thiết lập bộ phận hậu kiểm để kiểm tra toàn bộ thông tin thu thập từ dữ liệu điện tử để đảm bảo an toàn trong việc bảo mật sử dụng thanh toán.

Vẫn nhức nhối lừa đảo, mạo danh 

Trong bối cảnh các ngân hàng đẩy mạnh các kênh giao dịch trực tuyến, thanh toán không tiền mặt tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, các con số thống kê mới đây cho thấy, so với cùng kỳ năm 2020, kênh Internet đạt 435,25 triệu giao dịch với giá trị 22,78 triệu tỉ đồng; tăng tương ứng 54,1% về số lượng và 30,7% về giá trị; kênh điện thoại di động đạt tới 1.193,9 triệu giao dịch với giá trị hơn 13,5 triệu tỉ đồng; tăng tương ứng 74,98% về số lượng và 93,69% về giá trị. 

Tuy nhiên, bên cạnh tốc độ tăng trưởng cao, tình trạng lừa đảo, gian lận thanh toán thông qua các hoạt động giao dịch, chuyển tiền qua mạng vẫn diễn ra nhức nhối. Trong thời gian qua, hàng loạt ngân hàng đã phải phát đi các cảnh báo, đề nghị khách hàng cẩn trọng trong các giao dịch có nguy cơ. 

Mới đây, VP Bank, BIDV hay Sacombank liên tục phải đưa ra cảnh bảo khách hàng tuyệt đối không nên vào các đường link có dấu hiệu giả mạo, các trang web yêu cầu cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, OTP, tránh tình trạng bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Chia sẻ tại một tọa đàm gần đây về an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết, tội phạm ứng dụng công nghệ cao trong thời gian gần đây hết sức phức tạp, diễn ra trên phạm vi cả nước, hành vi ngày càng táo bạo, tinh vi. Bất chấp việc các tổ chức tín dụng luôn đổi mới ứng dụng công nghệ hiện đại. Điển hình như thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn, thư điện tử lừa đảo khách hàng cung cấp thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử. Từ đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản, chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng... 

Các ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực này cũng nhận định, để đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Trong đó, việc các ngân hàng được tiếp cận cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia nhằm tận dụng sức mạnh của hạ tầng kỹ thuật sẽ hỗ trợ rất lớn trong vấn đề này.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO