Ngân hàng than bù lỗ SMS Banking, nhà mạng khẳng định không tăng cước

23/02/2022, 10:35

Trong khi các ngân hàng cho biết buộc phải tăng phí SMS Banking vì nhà mạng thu cước tin nhắn cao, các nhà mạng đều khẳng định đã không tăng giá cước trong nhiều năm qua.

Trao đổi với Zing, một chuyên gia viễn thông tại Việt Nam nhận định việc các ngân hàng cho rằng nhà mạng thu phí dịch vụ SMS cao không phải do các nhà mạng tăng giá mà bản chất nằm ở việc các ngân hàng đang không thể cân đối giữa khoản thu từ khách hàng và chi phí cho dịch vụ SMS.

"Các ngân hàng đang thu đồng giá dịch vụ SMS banking với tất cả khách hàng, tuy nhiên có người sử dụng ít, có người lại sử dụng rất nhiều. Đặc biệt là trong giai đoạn các thành phố lớn thực hiện giãn cách xã hội, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh khiến người dùng chuyển đổi mua sắm sang kênh online. Xu hướng này phát sinh nhiều giao dịch trực tuyến, từ mã OTP (mật khẩu 1 lần), biến động số dư, tin nhắn cảnh báo, dẫn tới lượng SMS mà chủ tài khoản ngân hàng sử dụng tăng mạnh", vị này nhận định.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng việc các ngân hàng tăng phí SMS Banking còn nhằm chuyển dịch người dùng sang sử dụng các ứng dụng của ngân hàng để thực hiện giao dịch và nhận thông báo thay kênh SMS. "Việc này vừa giúp ngân hàng có thêm người dùng ứng dụng banking trên điện thoại thông minh, vừa tiết kiệm khoản ngân hàng phải chi cho SMS từ các nhà mạng.

ngan hang tang phi sms banking anh 1
Các nhà mạng khẳng định đã không tăng cước SMS brandname trong nhiều năm qua, thậm chí còn có nhiều chương trình hỗ trợ chi phí SMS cho các doanh nghiệp trong mùa dịch. Ảnh: Duy Hiệu.

Còn theo đại diện một số nhà mạng lớn tại Việt Nam, dịch vụ tin nhắn SMS của các ngân hàng thuộc loại hình tin nhắn định danh (brandname) cho các doanh nghiệp, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật và hệ thống mạng cao hơn nên phí dịch vụ cũng cao hơn so với tin nhắn SMS thông thường.

Cụ thể, vị này cho biết đặc thù tin nhắn các ngân hàng yêu cầu thỏa thuận mức độ dịch vụ (SLA) ở mức cao nhất, do đó nhà mạng phải triển khai trên một hệ thống riêng biệt để luôn đảm bảo dự phòng tránh sự cố gây gián đoạn dịch vụ, cũng như có tốc độ xử lý tin nhắn nhanh giúp ngân hàng gửi tin nhắn với số lượng lớn tại một thời điểm.

"Nhà mạng phải đầu tư nâng cấp hệ thống riêng, phải có nhân sự túc trực 24/7, phải đảm bảo cả tốc độ, bảo mật, độ ổn định nên giá cước SMS brandname ở mức độ SLA cao không thể thấp như giá cước SMS thông thường được", đại diện một doanh nghiệp viễn thông chia sẻ.

Các nhà mạng cũng cho biết mức giá với dịch vụ tin nhắn SMS brandname được áp dụng chung với tất cả khách hàng có nhu cầu sử dụng chứ không riêng biệt với ngân hàng. Đồng thời, mức giá đã được áp dụng từ nhiều năm nay, không có sự điều chỉnh giá cước như các ngân hàng tuyên bố. Bên cạnh đó trong mùa dịch, các nhà mạng cũng đã hỗ trợ miễn phí, giảm giá lượng lớn tin nhắn brandname cho các ngân hàng.

Theo khảo sát của Zing, trong số 49 ngân hàng có vốn Nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh và ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chỉ có 2 ngân hàng miễn phí dịch vụ SMS Banking cho khách hàng. Các ngân hàng còn lại hiện thu phí dao động quanh mức 5.000-10.000 đồng/tháng (chưa bao gồm VAT). Đặc biệt, tại một số nhà băng, mức phí duy trì dịch vụ này lên tới 15.000-20.000 đồng/tháng.

Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, với số lượng tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động lên tới cả trăm đơn vị, chi phí viễn thông cả hệ thống ngân hàng trả cho các nhà mạng lên tới vài nghìn tỷ/tháng. Nhiều ngân hàng thông báo đang phải gánh khoản lỗ từ dịch vụ SMS Banking và phải điều chỉnh tăng mức thu của khách hàng.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO