Trong nghiên cứu "Phòng chống rửa tiền trong nền kinh tế số dưới khía cạnh pháp lý", thạc sĩ Trần Linh Huân (giảng viên Khoa Luật Thương mại Trường Đại học Luật TP HCM) cùng luật sư Bạch Ngọc Vân (Công ty Luật TNHH PwC Việt Nam) chỉ rõ những tác động tiêu cực mà tội phạm rửa tiền có thể mang lại.
Cụ thể, hoạt động rửa tiền phổ biến tạo ra nạn tham nhũng, hối lộ cũng như nhiều tội phạm khác. Ngoài ra, rửa tiền tác động xấu đến mối quan hệ quốc tế và đầu tư nước ngoài, làm suy yếu tổ chức tài chính, khiến nền kinh tế tư nhân tổn thương.
Luật còn chậm hơn thực tế
Nhóm nghiên cứu ghi nhận Việt Nam đã và đang rất nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phòng chống rửa tiền theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012 góp phần minh bạch hóa nền tài chính tiền tệ, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế về phòng chống rửa tiền.
Đề cập tội "Rửa tiền", Bộ Luật Hình sự hiện hành mở rộng yếu tố cấu thành tội danh. Cơ quan pháp luật chỉ cần có cơ sở chứng minh tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp; đồng thời, cá nhân cố ý che giấu nguồn gốc tài sản thì pháp luật cáo buộc tội "Rửa tiền" đối với hành vi này. Đây là bước tiến đúng đắn đối với nỗ lực phòng chống tội phạm rửa tiền, hạn chế bỏ sót tội phạm.
Thạc sĩ Trần Linh Huân phản ánh hành vi rửa tiền trong nền kinh tế số càng trở nên tinh vi hơn khiến hệ thống pháp luật chưa đủ toàn diện khi kiểm soát, xử lý hành vi này.
"Luật Phòng chống rửa tiền tập trung vào phòng chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng; trong khi hành vi rửa tiền có thể thực hiện thông qua rất nhiều kênh khác nhau như: khách sạn, kinh doanh, bất động sản, chứng khoán... Thậm chí, hình thức rửa tiền sử dụng công nghệ cao nở rộ qua cả kênh thương mại điện tử" - thạc sĩ Trần Linh Huân dẫn chứng.
Ngoài ra, pháp luật về phòng chống rửa tiền thiếu vắng quy định điều chỉnh những giao dịch liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo. Pháp luật hình sự cũng chưa có điều khoản quy định về hành vi rửa tiền sử dụng công nghệ cao mà chỉ xem tình tiết này là tình tiết tăng nặng khi thực hiện hành vi rửa tiền.
Theo tiến sĩ - luật sư Lương Khải Ân (Đoàn Luật sư TP HCM), thuật ngữ "rửa tiền" chỉ những hành vi "hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có".
Tiến sĩ - luật sư Lương Khải Ân cho rằng pháp luật hiện hành đang tạo ra lỗ hổng khá lớn, kéo theo những quan hệ pháp lý mới khó xử lý về sau cùng nguy cơ mất mát tài sản. Cơ quan pháp luật chưa có cơ chế tịch thu tài sản khẩn cấp không thông qua hoạt động tố tụng.
Trùm buôn lậu Mười Tường (Nguyễn Thị Kim Hạnh) nhận quyết định khởi tố về tội “Rửa tiền” bên cạnh 5 tội danh khác. Ảnh: NGHIÊM TÚC
Trao quyền, bao quát nhiều lĩnh vực
Từ quan sát thực tế, tiến sĩ - luật sư Lương Khải Ân lưu ý giao dịch rửa tiền qua ngân hàng số diễn ra trực tuyến, mau chóng. Đặc thù đó đặt ra trọng trách cho Cục Phòng chống rửa tiền với tư cách cơ quan chủ lực giám sát, kiểm tra.
Vì thế, pháp luật cần trao cơ quan trên quyền áp dụng biện pháp tạm thời "như một công cụ bảo vệ tài sản" khi nghi ngờ có hiện tượng rửa tiền qua ngân hàng số, thay vì chờ động thái từ cơ quan thanh tra, công an.
Mở rộng vấn đề, cơ chế pháp lý cần cho phép áp dụng biện pháp thu giữ khẩn cấp tài sản trái luật liên quan đến giao dịch rửa tiền (không thông qua hoạt động tố tụng điều tra hình sự), tiến sĩ - luật sư Lương Khải Ân khẳng định: "Giải pháp này góp phần răn đe cũng như thu hồi kịp thời, đầy đủ khoản tiền phạm pháp".
Từ kết quả nghiên cứu "Phòng chống rửa tiền trong nền kinh tế số dưới khía cạnh pháp lý", nhóm chuyên gia góp ý Luật Phòng chống rửa tiền cần sửa đổi, bổ sung theo hướng bao quát tất cả lĩnh vực có thể diễn ra hoạt động rửa tiền gồm: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, trò chơi có thưởng và casino, bất động sản, thương mại điện tử, giao dịch tiền ảo, tài sản ảo…
Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền cần đưa hoạt động "cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, nền tảng công nghệ số, cung ứng dịch vụ liên quan tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo, tài sản ảo" vào Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012.
Tương tự, Bộ Luật Hình sự cần ghi nhận rõ hành vi rửa tiền thông qua công nghệ, sử dụng tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo là một tội danh. Nếu chỉ dừng lại ở tình tiết tăng nặng thì pháp luật chưa đủ sức ngăn chặn, răn đe hành vi phạm tội.
Bên cạnh đó, pháp luật nước ta cũng cần bổ sung luật về tịch thu dân sự, có cả tịch thu tài sản ảo, tiền ảo để răn đe, ngăn ngừa và xử lý thích đáng mọi hành vi rửa tiền.
Nhằm nâng cao trách nhiệm tổ chức tín dụng trong hoạt động phòng chống rửa tiền, cần luật hóa trách nhiệm nhân viên tổ chức tín dụng. Theo đó, nhân viên tổ chức tín dụng vô ý hay cố ý tiếp tay cho hành vi rửa tiền thông qua tổ chức tín dụng đều chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngăn chặn giao dịch rửa tiền qua ngân hàng số
Theo tiến sĩ - luật sư Lương Khải Ân, tổ chức tín dụng có quyền trì hoãn giao dịch (nếu nghi ngờ dòng tiền bất minh) nhưng không quá 3 ngày làm việc.
Cục Phòng chống rửa tiền là đầu mối tiếp nhận báo cáo giao dịch đáng ngờ và phản hồi những vấn đề phát sinh nếu cần thiết. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm phối hợp, trao đổi thông tin với cơ quan có thẩm quyền khi điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền.
Nếu tiếp tay cho sai phạm, tổ chức, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc liên đới bồi thường dân sự...