Nền tảng số Make in Vietnam - đòn bẩy cho chuyển đổi số

11/07/2022, 09:46

Việc Bộ TT&TT đưa vào triển khai hàng loạt các nền tảng số do chính DN công nghệ trong nước cung cấp đã giúp quá trình chuyển số tiếp cận tới nhiều đối tượng hơn.

Khách hàng tìm hiểu giải pháp FPT.AI tại Diễn đàn Vietnam-ASIA DX Summit 2022. Ảnh: Hiền Minh  
Khách hàng tìm hiểu giải pháp FPT.AI tại Diễn đàn Vietnam-ASIA DX Summit 2022. Ảnh: Hiền Minh  

Chìa khóa giúp DN tiếp cận chuyển đổi số

Trong các cuộc khảo sát về chuyển đổi số của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điểm chung dễ nhận thấy là khi nói về rào cản khiến DN chưa sẵn sàng chuyển mình lên không gian số thì yếu tố đầu tiên được nhắc đến là do phí cao. Số liệu cho thấy có tới hơn 50% số DN từ bỏ chuyển đổi số khi cho rằng mình không có đủ nguồn lực.

Có thể nói kinh phí không chỉ là rào cản chuyển đổi số đối với DN mà đây cũng là vấn đề hóc búa đối với ngay cả các cơ quan nhà nước. Hiện trên thị trường đã và đang có rất nhiều dịch vụ chuyển đổi số uy tín và hiệu quả đến từ các tập đoàn công nghệ nổi tiếng như Microsoft, Intel…

Nhưng đổi lại chi phí phải bỏ ra là quá lớn, vượt quá khả năng của đơn vị. Thậm chí nếu ứng dụng toàn bộ những giải pháp này thì lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cũng không bù đắp nổi khoản kinh phí phải chi trả cho bên cung cấp dịch vụ chuyển đổi số. Do đó, thay vì sử dụng các nền tảng số nước ngoài, nhiều DN, tổ chức đã lựa chọn sử dụng nền tảng số do chính các DN trong nước xây dựng.

Những dịch vụ Make in Vietnam này không chỉ có mức giá bằng 1/2 thậm chí 1/4 so với nền tảng cùng loại mà chất lượng tương đương, quá trình chuyển đổi số của DN, tổ chức sẽ diễn ra hiệu quả và tiết kiệm hơn rất nhiều.

Được sử dụng các công nghệ hiện đại tương đương với thế giới nhưng mức giá rẻ, tính bản địa hóa chi tiết cũng như khả năng bảo mật thông tin cao thông qua nền tảng số Make in Vietnam đã khiến số lượng DN, tổ chức thực hiện chuyển đổi số cũng tăng mạnh trong thời gian qua.

Theo thống kê từ Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa (SMEdx) do Bộ TT&TT chủ trì, tính đến hết quý II/2022, đã có hơn 34.000 DN nhỏ sử dụng các nền tảng số Make in Vietnam, tăng gấp 10 lần so với một quý trước đó. Đáng chú ý, phần lớn DN trong số này đã chuyển qua trả phí cho dịch vụ chuyển đổi số sau 6 tháng sử dụng miễn phí.

Với tổng số 35 nền tảng số Make in Vietnam được Bộ TT&TT công nhận và cung cấp thông qua SMEdx, DN và tổ chức có thể tiếp cận ở nhiều lĩnh vực như: Hạ tầng số - chính phủ số, công nghệ số cốt lõi, y tế - giáo dục - văn hóa - xã hội, tài chính - ngân hàng - kinh doanh và nông nghiệp - giao thông - kho vận - công thương.

Để thúc đẩy các DN nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số Make in Vietnam, kể từ 15/10/2021, DN sẽ được hỗ trợ 50% nếu thuê, mua các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số do Bộ TT&TT chứng nhận, công bố. Đây là động lực quan trọng giúp chuyển đổi số đi sâu vào các thành phần kinh tế nếu biết trong số hơn 870.000 DN của Việt Nam thì có tới hơn 98% là DN nhỏ và vừa.

Tạo cơ chế cho DN công nghệ

Trên thực tế, các nền tảng số Make in Vietnam đã thể hiện được rõ rệt vai trò của mình trong thời gian qua. Có thể kể đến như ứng dụng Bluezone (về sau chuyển thành PC-Covid) là lựa chọn hàng đầu của người dân trên toàn quốc khi đại dịch Covid-19 bùng phát hay như 2 sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn đã giúp hơn 5 triệu người nông dân tiếp cận môi trường mua bán trực tuyến…

Tuy nhiên, để các nền tảng số Make in Vietnam sẽ là trụ cột của quá trình chuyển đổi số toàn quốc nhưng vẫn giúp DN phát triển có được lợi nhuận lại là điều không hề dễ dàng. Theo ý kiến của nhiều DN, Nhà nước sẽ đóng vai trò quyết định.

Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến cho rằng, thế mạnh của các nền tảng công nghệ Make in Vietnam là giải quyết trực tiếp được bài toán do thị trường trong nước đặt ra mà không có quy mô lớn và phức tạp cùng chi phí đầu tư tốn kém như các nền tảng nước ngoài. Trong khi đó hiệu quả của các nền tảng Việt không hề thua kém thậm chí là hơn khi triển khai sử dụng.

Tuy nhiên, Chính phủ cần có cơ chế chính sách, định hướng việc sẵn sàng sử dụng các giải pháp công nghệ trong nước vào hoạt động công việc, kinh doanh của DN, tổ chức. Hoặc đặt hàng để DN công nghệ giải bài toán cụ thể về phát triển chính phủ số, xã hội số hay kinh tế số.

Việc sử dụng các nền tảng số Make in Vietnam không chỉ giúp các DN công nghệ trong nước mau chóng làm chủ được công nghệ mà còn giúp DN làm chủ được thị trường, giải quyết các nhu cầu theo đúng ý mình với thời gian nhanh nhất. Đặc biệt, nền tảng số trong nước có chi phí rẻ hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO