Nâng cao trách nhiệm cung cấp thông tin phục vụ tuyên truyền miệng

Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương | 28/06/2021, 15:33

Trước những biến chuyển mau lẹ của xã hội thông tin, công tác tuyên truyền miệng vẫn phát huy được tính chất đặc trưng và vai trò thiết yếu của mình trong nâng cao nhận thức chung, tạo sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.

img_20201117100207.jpg
Tuyên truyền pháp luật đến với người dân tộc Dao thôn Tân Lập, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

TẠO SỰ THỐNG NHẤT NHẬN THỨC

Thực hiện Quyết định số 340-QĐ/TW của Ban Bí thư ban hành “Quy chế cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng” (Quy chế 340), hơn 10 năm qua, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã chỉ đạo, quán triệt và xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn về việc cung cấp thông tin thực hiện nhiệm vụ này một cách nhanh chóng, tích cực, hiệu quả. Nhiều cơ quan, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương đã quan tâm cung cấp thông tin về vấn đề xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của ban, bộ, ngành thuộc phạm vi lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý trực tiếp… cho Ban Tuyên giáo Trung ương để phục vụ tuyên truyền miệng của Đảng. Đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm thuộc lĩnh vực, địa bàn do cơ quan, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, không đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân, một số cơ quan, đơn vị đã có sự quan tâm, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc cung cấp những thông tin ban đầu về quan điểm xử lý của cơ quan chức năng để định hướng dư luận.

Ở cấp tỉnh, nhiều địa phương có văn bản chỉ đạo phối hợp các vấn đề cụ thể liên quan đến các nội dung tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; các chủ trương, kế hoạch, đề án, dự án lớn trên địa bàn; kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của các sở, ngành, địa phương. Ở cấp huyện, ban thường vụ huyện ủy một số nơi cũng ban hành chỉ thị, kế hoạch, chương trình, đề án chỉ đạo, thực hiện Quy chế 340. Ban Tuyên giáo các cấp có vai trò làm nòng cốt trong việc triển khai thực hiện Quy chế này.

Triển khai, thực hiện Quy chế 340, nhận thức của các cơ quan, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền miệng và sự cần thiết phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương trong công tác tuyên truyền được nâng lên rõ rệt. Một số ban đảng, ban cán sự đảng, đảng ủy, đảng đoàn, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương xác định rõ việc cung cấp thông tin (bao gồm cả thông tin phổ biến công khai và thông tin nội bộ) phục vụ công tác tuyên truyền miệng là một nhiệm vụ phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Đồng thời, cung cấp thông tin cũng là một điều kiện quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương; bảo đảm việc thực hiện đúng định hướng chỉ đạo, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức đảng trong cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng cho Ban Tuyên giáo góp phần tạo nên những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Nhiều điểm nóng được giải quyết dứt điểm, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, của đội ngũ báo cáo viên các cấp tiếp tục được khẳng định, đề cao, coi trọng. Trước những biến chuyển mau lẹ của xã hội thông tin, tuyên truyền miệng vẫn phát huy được tính chất đặc trưng và vai trò thiết yếu của mình trong nâng cao nhận thức chung và củng cố sự đồng thuận xã hội.

Thực hiện Quy chế 340, Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý công tác tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên của Đảng; là đầu mối tiếp nhận, xử lý và quản lý thông tin do cơ quan, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương cung cấp để chỉ đạo, hướng dẫn báo cáo viên các cấp về nội dung tuyên truyền, giải thích, định hướng dư luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hằng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, cấp ủy trực thuộc Trung ương liên quan ban hành hướng dẫn công tác tuyên truyền miệng về các nội dung kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; ban hành đề cương, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền miệng về các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng liên quan tới những vấn đề trọng yếu này. Tại các Hội nghị báo cáo viên Trung ương định kỳ hằng tháng và qua các bản tin, Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo công tác tuyên truyền miệng, định hướng đối với các vấn đề liên quan đến công tác tư tưởng, góp phần nâng cao nhận thức, ổn định dư luận xã hội. Bám sát chỉ đạo, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên, thường trực các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương phân công ban tuyên giáo thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền miệng về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, địa phương. Sự tham gia tích cực, hiệu quả của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có ý nghĩa lớn đối với việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi tỉnh, thành phố.

chung_khao-16_34_29_958.jpg

Đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân, Ban Tuyên giáo Trung ương luôn tích cực phối hợp xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền miệng và tổ chức hiệu quả các hoạt động cho đội ngũ báo cáo viên các cấp; chỉ đạo công tác tuyên truyền trên báo chí và tuyên truyền miệng về kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra các vụ án tham nhũng kinh tế lớn, nhất là các vụ án nghiêm trọng gây bức xúc trong nhân dân, các vụ án chống phá Đảng, Nhà nước gây mất an ninh chính trị đất nước.

Trước tình trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động hoặc phối hợp tham gia tham mưu Bộ Chính trị ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống … Chủ động tiến hành việc gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, đối thoại với những cá nhân có nhận thức khác với chủ trương, đường lối của Đảng để làm rõ vấn đề tư tưởng, động viên, thuyết phục. Tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, tổng hợp, phân tích những âm mưu, thủ đoạn và các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ. Thường xuyên thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên theo dõi, nắm tình hình tư tưởng các giai tầng trong xã hội để kịp thời tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, phản động. Tích cực, chủ động trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền miệng gắn với việc thông báo, báo cáo nhanh những vấn đề “nóng”, nhạy cảm, phức tạp và thể hiện rõ chính kiến, quan điểm xử lý một số nội dung có tính nhạy cảm chính trị góp phần định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, ổn định tình hình an ninh trật tự, tạo sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.

Việc thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức, định hướng dư luận trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm thuộc lĩnh vực, địa bàn do cơ quan, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương quản lý, không thể thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng… là sự thể hiện, khẳng định vai trò không thể thiếu của công tác tuyên truyền miệng, khi Internet và các loại hình thông tin khác được sự hỗ trợ tối đa của công nghệ chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trên mặt trận tuyên truyền. Đồng thời, việc thực hiện tốt nhiệm vụ khó khăn này đã khẳng định trình độ, năng lực, phẩm chất, ý thức trách nhiệm và bản lĩnh của đội ngũ báo cáo viên của Đảng suốt thời gian qua.

Trước tình trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động hoặc phối hợp tham gia tham mưu Bộ Chính trị ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống … Chủ động tiến hành việc gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, đối thoại với những cá nhân có nhận thức khác với chủ trương, đường lối của Đảng để làm rõ vấn đề tư tưởng, động viên, thuyết phục.

PHÂN CÔNG RÕ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP CUNG CẤP THÔNG TIN

Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển của Internet và công nghệ truyền thông khiến số lượng và tốc độ thông tin tác động tới con người ngày càng nhanh chóng, đa dạng, phong phú nhưng  không dễ đo lường được độ chính xác. Cùng với mức độ tàn phá dữ dội của dịch bệnh COVID-19, xuất hiện ngày càng nhiều các vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội tác động lớn đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Yêu cầu của tình hình mới đòi hỏi các cấp ủy đảng, các cơ quan Nhà nước phải tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác tuyên truyền miệng, đẩy mạnh việc cung cấp thông tin phục vụ hoạt động tuyên truyền này cho ban tuyên giáo và đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên cơ sở, đặt việc cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng vào các nội dung, nhiệm vụ, trách nhiệm phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp được Quy định tại Quy chế 238 của Ban Bí thư khóa XII về ban hành “Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan Nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm”. Trong đó, chú trọng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về công tác tuyên truyền miệng và việc cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải tiếp tục quán triệt ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Cần tiếp tục xác định đây là một trong những kênh thông tin quan trọng nhất, trực tiếp truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phổ biến, quán triệt các đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân; góp phần tạo sự thống nhất tư tưởng, nhận thức, ý chí và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin, cổ vũ phong trào cách mạng; đồng thời, là một vũ khí sắc bén, kịp thời đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực cơ hội, thù địch. Phải tạo sự chuyển biến, nhất quán trong nhận thức về việc cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng, xem đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, trước hết là cấp ủy các cấp, đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cả hệ thống chính trị với sự tham gia, đóng góp của cán bộ, đảng viên. Việc cung cấp thông tin phục vụ tuyên truyền miệng là trách nhiệm của các ban đảng và cơ quan nhà nước các cấp. Trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, sử dụng thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng là của ban tuyên giáo và đội ngũ báo cáo viên các cấp.

Thứ hai, thực hiện hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Các cấp ủy đảng chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện Quy chế 340 về cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng gắn với lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế 238.

 Phải tạo sự chuyển biến, nhất quán trong nhận thức về việc cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng, xem đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, trước hết là cấp ủy các cấp, đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cả hệ thống chính trị với sự tham gia, đóng góp của cán bộ, đảng viên. Việc cung cấp thông tin phục vụ tuyên truyền miệng là trách nhiệm của các ban đảng và cơ quan nhà nước các cấp.

Thứ ba, phân công rõ trách nhiệm trong công tác phối hợp.Đối với cơ quan cung cấp thông tincác ban đảng, cơ quan nhà nước các cấp (cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tư pháp) chịu trách nhiệm phân công 1 đồng chí lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, đơn vị cung cấp thông tin và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin cung cấp cho Ban Tuyên giáo các cấp để chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên. Tiếp tục tăng cường chất lượng thông tin. Chủ động, kịp thời cung cấp cho ban tuyên giáo những thông tin thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhưng không đưa công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để chỉ đạo đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phát huy ưu thế của công tác tuyên truyền miệng, trực tiếp tuyên truyền, đối thoại với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nhằm tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, phục vụ hiệu quả việc triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch… của ngành, địa phương, đơn vị.

Trách nhiệm của ban tuyên giáo các cấp, phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên; chủ trì, phối hợp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong xây dựng kế hoạch công tác tuyên truyền miệng hàng năm và kế hoạch tuyên truyền miệng khi các cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin về việc thực hiện các chủ trương, kế hoạch, đề án, dự án lớn thuộc các lĩnh vực đất đai, môi trường sinh thái, hạ tầng đô thị, giao thông vận tải, dân tộc, tôn giáo, biên giới lãnh thổ; chủ động nắm bắt dư luận, phát hiện kịp thời các vấn đề bức xúc đang xảy ra thông qua đội ngũ báo cáo viên các cấp, thông qua việc tiếp nhận, chọn lọc, xử lý thông tin từ cán bộ, đảng viên và nhân dân gửi tới ban tuyên giáo các cấp; chủ động trao đổi với các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị để thống nhất định hướng tư tưởng, dư luận xã hội qua hoạt động tuyên truyền miệng.

Đối với hoạt động báo cáo viên, cần tiếp tục rà soát, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng của đội ngũ báo cáo viên các cấp. Tổ chức đội ngũ báo cáo viên theo hướng hợp lý về thành phần và cơ cấu, có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ, năng lực chuyên môn. Nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ người báo cáo viên của Đảng, giữ vững kỷ luật trong nói và viết, có khả năng trao đổi, giải đáp, thuyết phục dựa trên tri thức khoa học và kinh nghiệm thực tiễn, vốn sống cá nhân. Quan tâm tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Trách nhiệm của báo cáo viên các cấp tiếp tục thực hiện theo quy định của Quy chế 340

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hội nghị báo cáo viên các cấp định kỳ hàng tháng và đột xuất, cân đối giữa hình thức trực tuyến và trực tiếp, chú ý lựa chọn nội dung cần thiết, quan trọng, đáp ứng được yêu cầu của đội ngũ báo cáo viên. Tổ chức biên soạn đảm bảo chất lượng và đổi mới hình thức các bản tin hàng tháng. Tiến hành các hình thức phù hợp; ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác tuyên truyền miệng trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia để nối kết ngày càng nhanh chóng, tích cực, hiệu quả giữa Ban Tuyên giáo Trung ương với đội ngũ báo cáo viên các cấp trên phạm vi cả nước.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO