Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Thông tư 39 là một văn bản “xương sống” đối với hoạt động cho vay khách hàng của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện đã phát sinh nhiều tình huống mới, điển hình như hoạt động cho vay theo phương thức điện tử.
Vì vậy, việc định hình hoạt động cấp tín dụng bằng phương thức điện tử sẽ giúp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng theo hướng an toàn, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ.
ĐÁP ỨNG NHU CẦU THỊ TRƯỜNG
Tại Điều 24a của bản dự thảo thông tư quy định, tổ chức tín dụng phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, hồ sơ, thủ tục cho vay bằng phương tiện điện tử phù hợp với quy định tại Thông tư, quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng; phải thực hiện quản lý, kiểm soát, đánh giá rủi ro các quy trình nghiệp vụ được thực hiện tự động hóa, trong đó cần áp dụng các mô hình giám sát rủi ro và cảnh báo sớm để kịp thời có biện pháp ngăn chặn các hành vi gian lận.
Trong trường hợp để nhận biết và xác minh khách hàng vay vốn qua việc sử dụng các phương tiện điện tử, tổ chức tín dụng phải có biện pháp, hình thức công nghệ để thu thập, kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên các giấy tờ tùy thân gắn với khách hàng hoặc với dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bởi tổ chức cung ứng dịch vụ định danh và xác thực điện tử được cấp phép hoặc với thông tin tại kho dữ liệu khách hàng của tổ chức tín dụng…
Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc bổ sung hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử phù hợp với Điều 97 Luật Các tổ chức tín dụng. Cụ thể, Điều 97 quy định: “Tổ chức tín dụng được thực hiện các hoạt động kinh doanh qua việc sử dụng các phương tiện điện tử theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về quản lý rủi ro và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử”.
Hơn nữa, nhà điều hành tiền tệ cũng cho rằng quy định trên phù hợp với đề nghị của tổ chức tín dụng và phù hợp với chủ trương chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021.
Đồng thời, để tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, dự thảo Thông tư bổ sung một điều quy định chung về hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử và sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác cho phù hợp với hình thức cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử.
“Cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử khác với cho vay bằng phương tiện truyền thống ở hình thức cho vay. Do đó, cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Thông tư 39, các quy định của pháp luật liên quan và các quy định nội bộ của tổ chức tín dụng”, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.
VẪN CÒN NHỮNG BĂN KHOĂN
Ông Đỗ Việt Hùng, thành viên Hội đồng quản trị Vietcombank, cho rằng quá trình chuyển đổi số sẽ hỗ trợ nền kinh tế nói chung, các tổ chức tín dụng nói riêng hoạt động hiệu quả hơn. Hiện nay, các tổ chức tín dụng cũng đã áp dụng phê duyệt tự động đối với những khoản vay nhỏ theo những tiêu chí nhất định.
Thông tư 39 là văn bản “xương sống” có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và đã đến thời điểm cần sửa đổi.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục rà soát, phối hợp các đơn vị có liên quan đảm bảo văn bản mới đưa ra phù hợp với quá trình triển khai lâu dài chứ không chỉ phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
“Những vấn đề về thẩm định, quyết định cho vay, chữ ký số, chứng từ, tiêu chí phê duyệt… nên được thống nhất tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung lần này”, ông Đỗ Việt Hùng đề nghị.
Đại diện cho khối công ty tài chính tiêu dùng, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng giám đốc FE Credit, nhận thấy nhu cầu cung cấp dịch vụ ngân hàng trên kênh kỹ thuật số đối với các khoản vay mục đích tiêu dùng là rất lớn, đặc biệt là với các công ty tài chính. Triển khai cho vay trên kênh số sẽ giúp khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng một cách thuận tiện, dễ dàng, đẩy lùi “tín dụng đen”.
Đối với dự thảo Thông tư, ông Phúc đánh giá, mặc dù đã bổ sung điều khoản quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, song nội dung này vẫn còn giới hạn tổ chức tín dụng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thẩm định, phê duyệt tự động các khoản vay tiêu dùng. Bởi lẽ, các tổ chức tín dụng vẫn phải tuân thủ “nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cho vay”.
“Để tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc, bao quát cho hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, FE Credit đề nghị Ngân hàng Nhà nước bổ sung vào Điều 24a quy định cho phép tổ chức tín dụng được chủ động quyết định áp dụng phương thức thẩm định, phê duyệt tín dụng một cách linh hoạt trên cơ sở bảo đảm được yếu tố độc lập và an toàn. Trong đó, việc thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng thực hiện tự động trên hệ thống phần mềm đối với các khoản vay giá trị nhỏ, khoản vay cho mục đích tiêu dùng”, ông Nguyễn Thành Phúc nói.
Cùng chung quan điểm, đại diện Techcombank đề nghị cần có quy định riêng, cụ thể hơn, hợp lý hơn đối với cho vay bằng phương thức điện tử. Thực tế cũng không hẳn chỉ cho vay bằng phương thức điện tử mới áp dụng công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ dữ liệu trong hoạt động cho vay.
Dự thảo Thông tư 39 sửa đổi chỉ nên quy định “khung” đảm bảo được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước và nên trao quyền tối đa cho các tổ chức tín dụng theo hướng tự chịu trách nhiệm.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước
Theo đại diện của Techcombank, nếu chỉ bằng 1 điều sửa đổi như tại dự thảo Thông tư là chưa đáp ứng được, bởi không chỉ hoạt động cho vay nhỏ lẻ mà rất nhiều hoạt động tại các ngân hàng đang áp dụng khoa học dữ liệu và các mô hình tính toán được dựa trên dữ liệu thống kê để trợ giúp cho quá trình tìm kiếm khách hàng, xây dựng sản phẩm, thẩm định và ra quyết định tín dụng đối với các khoản vay…
“Nếu chỉ dùng 1 từ là “cho vay bằng phương thức điện tử” như dự thảo Thông tư là chưa bao hàm hết mà cần phải quy định tại một chương riêng”, đại diện Techcombank nói.
Với vai trò của cơ quan chủ trì soạn thảo Thông tư giải đáp các đề xuất, kiến nghị tại cuộc họp, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước từ Quyết định 1627 đến Thông tư 39 đều xuyên suốt quan điểm là ban hành khung pháp lý chung về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
Trên tinh thần đó, các nội dung sửa đổi của Thông tư 39 đều đưa các nguyên tắc cơ bản nhất đến với các tổ chức tín dụng. Trên cơ sở những nguyên tắc chung này, tổ chức tín dụng tự đưa ra các hướng dẫn, quy định nội bộ đối với hoạt động cho vay nhằm đảm bảo phù hợp với đặc thù hoạt động của từng đơn vị cũng như đặc thù của các nhóm khách hàng và khẩu vị rủi ro.
Đối với quy định cho vay bằng phương thức điện tử, bà Bùi Thúy Hằng cho biết, cơ quan soạn thảo mong muốn đưa ra được khung pháp lý chung hoàn thiện nhất cho việc cho vay bằng phương tiện điện tử, từ đó các tổ chức tín dụng có thể chủ động xây dựng, triển khai thực hiện để tránh được những rủi ro pháp lý sau này.