Mang xu thế thời đại số vào ngành xuất bản

08/06/2021, 15:20

Khoa học kỹ thuật phát triển nhanh, mạnh đã tác động lớn tới ngành xuất bản cũng như nhu cầu đọc của độc giả. Chuyển đổi số trong ngành xuất bản là xu hướng tất yếu, và theo các chuyên gia, sản phẩm của xuất bản không chỉ là sách mà phải mở rộng dựa trên sự kết hợp chặt chẽ giữa nội dung và công nghệ.

76479chuy-e1-bb-83n-c4-91-e1-bb-95i-s-e1-bb-91-trong-l-c4-a9nh-v-e1-bb-b1c-xu-e1-ba-a5t-b-e1-ba-a3n-l-c3-a0-xu-th-e1-ba-bf-t-e1-ba-a5t-y-e1-ba-bfu-e1-ba-a3nh-itn-.jpg
Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản là xu thế tất yếu Ảnh: ITN

Covid-19 xuất hiện trong 2 năm vừa qua đã khiến các đơn vị xuất bản đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Tuy nhiên, trước khi dịch bệnh xuất hiện, xu hướng chuyển đổi số trong ngành cũng đã diễn ra nhanh chóng.

Sách phải “biến hóa” phù hợp với thời đại

Nếu Uber, Grab “thay máu” ngành vận chuyển hành khách, Facebook làm “cách mạng” ngành báo chí và truyền hình, thì nội dung số cũng làm thay đổi ngành xuất bản. Về hình thức, ngoài sách giấy, hiện nhiều người lựa chọn sách điện tử, sách audio, sách tương tác, sách tóm lược... tùy theo sở thích và nhu cầu. Theo đó, hình thức phát hành sách cũng thay đổi, không chỉ là các hội sách trực tiếp, đường sách, cửa hàng mua bán sách mà các hội sách online, sàn sách trực tuyến, đặt sách qua website... đã trở nên vô cùng phổ biến.

Có thể thấy, đây chỉ là bước đầu của công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Trong cuộc làm việc với Cục Xuất bản, In và Phát hành mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Trước đây chỉ có một cách đọc duy nhất là đọc sách. Bây giờ mọi người đã có rất nhiều cách đọc: Đọc báo, đọc tạp chí, đọc trang thông tin điện tử, mạng xã hội; thay vì tự đọc thì nghe người máy đọc; thay vì đọc chữ thì đọc truyện tranh; thay vì đọc trước để chuẩn bị cho lúc cần dùng thì bây giờ khi cần dùng mới đọc; đọc sách điện tử, sách mạng nhiều hơn; đọc infographic nhiều hơn... Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đặt ra rất nhiều câu hỏi cho ngành sách: Cách đọc như thế, sách có đi vào những cách mới này không? Đi vào những cách mới này có mất sách không? Nếu ta xem sách là tri thức thì không sao, vì có nhiều cách mới hiệu quả để phổ biến tri thức. Nếu ta xem sách là tạo cảm xúc thì sao? Chắc đọc sách theo cách truyền thống cũng không phải cách đọc duy nhất để tạo ra hay truyền đi cảm xúc (đến 82% nội dung online hiện nay là hình ảnh). Vậy thì phải chăng sách biến hóa mới phù hợp với thời đại?

Sự phát triển nhanh như vũ bão của công nghệ đã giúp các đơn vị xuất bản chuyển dịch nhanh chóng sang môi trường internet, điện tử, nhưng cũng có nhiều nhà xuất bản lúng túng trước đòi hỏi phải thay đổi. “Có một cái có thể làm ngay và dễ làm là hãy mang những xu thế của thời đại số, mà nhiều lĩnh vực khác đã áp dụng thành công cả chục năm nay, vào ngành xuất bản. Nếu chúng ta không làm nhanh thì các công ty công nghệ hoặc các công ty sử dụng công nghệ sẽ thay chỗ của chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Kết hợp nhuần nhuyễn nội dung và công nghệ

Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, hoạt động xuất bản vừa mang tính sáng tạo, nghiên cứu cá nhân, vừa gắn chặt với việc cập nhật công nghệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Do đó, câu chuyện chuyển đổi số là vô cùng quan trọng, tất yếu. Chuyển đổi số là chuyển từ mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình mới, để tạo ra sản phẩm, quy trình mới, để đạt giá trị mới. Việc chuyển đổi số trong ngành xuất bản của nước ta đã diễn ra manh nha từ những năm 2000, đặc biệt là từ năm 2010 đến nay. Tính đến hết tháng 12.2020, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã cấp phép cho 12 đơn vị tham gia xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử. Một số nhà xuất bản đã nhập cuộc thị trường sách điện tử với những bước đi đầy triển vọng như: Trẻ, Kim Đồng, Tổng hợp TP Hồ Chí Minh…; một số đơn vị cũng từng bước tạo dựng hệ sinh thái số.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Văn hóa Sách Sài Gòn cho rằng, hiện nay ngành sách đang tích cực cho việc chuyển đổi số, nhất là sau dịch Covid-19 với hai hướng quan trọng: Thứ nhất là chuyển đổi số trong việc quản trị điều hành doanh nghiệp. Tức là phải có một hệ thống nội bộ để tất cả các hoạt động đều diễn ra trên nền tảng Internet và gần như công ty sẽ không quản lý giấy tờ mà tất cả đều là file điện tử. Thứ hai là doanh nghiệp xây dựng platform phục vụ cho việc kinh doanh, tức là việc bạn mua một cuốn sách giấy, mua một cuốn ebook, audio book đều có thể diễn ra trên nền tảng platform của doanh nghiệp. Với ngành sách truyền thống, nhân lực không hiểu nhiều về công nghệ, còn hiện tại và tương lai, sẽ phải kết hợp hai yếu tố là nội dung và công nghệ.

Cần tận dụng quá trình chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 cho ngành xuất bản nhanh hơn, nhiều hơn và rộng khắp hơn nữa là ý kiến của Chủ tịch Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình. Ông cũng cho rằng, nên định nghĩa lại ngành xuất bản theo phạm vi rộng hơn: Xuất bản là mọi hoạt động của con người nhằm lưu trữ/phổ biến/lan tỏa tri thức/kiến thức của con người ra ngoài xã hội. Nếu theo định nghĩa này thì nhiều không gian mới được mở ra cho ngành xuất bản, ví dụ như: YouTube, Amazon, Facebook… và vì thế sản phẩm của nền xuất bản “mới” bao trùm nhiều hình thức thể hiện hơn là sách giấy và sản phẩm phái sinh.

Để ngành xuất bản chuyển đổi số thành công cần có cơ chế, chính sách mới. Ngoài đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, xuất bản cũng phải vượt qua những thách thức về nguồn nhân lực số; thúc đẩy văn hóa đọc phát triển; tăng cường các biện pháp bảo vệ bản quyền... TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Công ty sách Thái Hà cho rằng, hiện nay các đơn vị xuất bản tư nhân đang tham gia mạnh và chủ động vào chuyển đổi số, kinh tế số nhưng vẫn là quá ít. Các nhà xuất bản nhà nước hình như vẫn thờ ơ, ít quan tâm đến ebook, sách nói, podcast, print on demand, self publishing, vì thế nếu chúng ta làm một chiến dịch lớn chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO