Malaysia sẽ tăng 30% sản lượng quốc gia ở các lĩnh vực vào cuối năm 2030, trong đó AI đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu này. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Theo Tiến sỹ Cheong Jia Qi, Giảng viên cấp cao tại Đại học Malaysia Sabah, trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần được công nhận là công nghệ có mục đích chung mới, được kỳ vọng sẽ mang đến sự chuyển đổi kinh tế mang tính cách mạng giống như các cuộc Cách mạng Công nghiệp trước đó.
Tuy nhiên, giá trị chuyển đổi của AI đối với bất kỳ quốc gia hoặc nền kinh tế nào chỉ có thể được thực hiện khi thị trường bắt đầu hiểu và tin tưởng vào công nghệ.
AI đưa ra những tiết lộ và giải pháp mới với dữ liệu của chính phủ mà các phương pháp và phân tích truyền thống có thể không đạt được. Ứng dụng của AI đã xuất hiện trong các ngành ngân hàng và sản xuất hay thậm chí trong những thứ đơn giản hàng ngày như các tính năng tự động sửa lỗi và hộp trò chuyện (chatbot).
Tuy nhiên, AI cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi văn hóa của tương lai.
Sau đại dịch COVID-19, với tư cách là một trong những chuỗi cung ứng sản xuất chính trên thế giới, Malaysia đang tụt hậu so với các quốc gia khác về năng suất lao động, nghiên cứu và phát triển (R&D) và lực lượng lao động có trình độ đại học.
Tỷ lệ áp dụng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) của Malaysia diễn ra chậm chạp, với ứng dụng chỉ xuất hiện ở 15-20% số doanh nghiệp, trong khi công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Co nhận thấy rằng 50% công việc ở Malaysia là những hành động lặp đi lặp lại có thể được tự động hóa.
Chính phủ đã đặt ra các khuôn khổ để kết hợp AI trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Những dự án này bao gồm Lộ trình Trí tuệ Nhân tạo Malaysia 2021-2025 (AI-Rmap) và Kế hoạch Tổng thể Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEB) do Tập đoàn MyDIGITAL và Đơn vị Kế hoạch Kinh tế dẫn dắt.
Theo Digital News Asia (2019), tại Malaysia, AI sẽ tăng gấp đôi tốc độ đổi mới và cải thiện sản lượng của lực lượng lao động, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế quốc gia bằng cách thu hút các khoản đầu tư quốc tế.
Chính sách Quốc gia về Cách mạng Công nghiệp 4.0 (4IR) của Malaysia ước tính sẽ tăng 30% sản lượng quốc gia trên tất cả các lĩnh vực vào cuối năm 2030, trong đó AI đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu đó.
Các sáng kiến của chính phủ như MyDIGITAL thuộc MDEB cung cấp nền tảng nâng cao kỹ năng kỹ thuật số cho người Malaysia thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau. Điều này sẽ cần sự ủng hộ của người dân do các sáng kiến của chính phủ chỉ có thể “đơm hoa kết trái” khi có sự cam kết của công chúng.
Do đó, AI sẽ từng bước thay đổi hệ thống giáo dục và cách suy nghĩ của người dân, đóng vai trò là động lực quan trọng để thu hẹp sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội và đưa Malaysia ngang hàng với các quốc gia tiên tiến trong lĩnh vực kỹ thuật số.
Khảo sát do Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia thực hiện năm 2021 cho thấy sự thiếu chuyên môn và khó khăn về tài chính là hai thách thức hàng đầu mà các công ty Malaysia phải đối mặt trong việc triển khai AI.
Mặc dù Malaysia có thể chưa sẵn sàng triển khai AI trong toàn bộ các doanh nghiệp hoặc các cơ quan lớn trong chính phủ, nhưng có thể thấy sự hiện diện của AI trong các dự án nhập cư, cũng như thông tin sinh trắc học hoặc phân tích hình ảnh.
AI cũng giúp hạn chế mối đe dọa về các cuộc tấn công mạng bằng việc thực hiện ngăn chặn với tốc độ và độ chính xác cao.
Malaysia có thể học hỏi từ sự phát triển của công nghệ AI ở Trung Quốc. Các công cụ AI có thể trích xuất thông tin từ mạng xã hội, hình ảnh vệ tinh, tín hiệu giao tiếp và các nguồn dữ liệu khác theo cách dễ hiểu, toàn diện và dễ hành động hơn.
Trung Quốc tổng hợp một lượng dữ liệu khổng lồ liên quan đến nhân tài, công ty, nghiên cứu và vốn để định hình hệ sinh thái AI hàng đầu thế giới.
Kết quả rất đáng khích lệ khi Trung Quốc là thị trường vốn lớn nhất của các công ty khởi nghiệp AI, xuất bản số lượng tài liệu nghiên cứu lớn nhất về AI, đưa ra các quy tắc dữ liệu cụ thể và đào tạo nhiều nhân tài nhất về AI.
Việc hợp tác với Huawei trong công nghệ 5G sẽ thúc đẩy Malaysia triển khai công nghệ Công nghiệp 4.0 cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Malaysia cũng có thể học hỏi từ Trung Quốc trong các lĩnh vực như robot, điện toán đám mây và AI.
Hội đồng thành phố Kuala Lumpur đã quyết định hợp tác với nhánh điện toán đám mây của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Alibaba trên hệ thống “City Brain” thông qua dữ liệu lớn và AI để giúp việc quản lý và vận chuyển được tổ chức tốt hơn ở thủ đô của Malaysia.
Kuala Lumpur là thành phố đầu tiên bên ngoài Trung Quốc triển khai công nghệ này và điều đó có thể hữu ích cho các thành phố khác của Malaysia.
Bên cạnh đó, còn có dự án thành lập trung tâm AI ở Malaysia với sự hỗ trợ của SenseTime – doanh nghiệp AI kỳ lân của Trung Quốc. Trung tâm AI trị giá 1 tỷ USD nhằm giúp các doanh nghiệp địa phương tạo ra các robot và hệ thống nhận dạng giọng nói, cũng như nuôi dưỡng tài năng công nghệ.
Dự án này sẽ do Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc G3 Global Berhad và SenseTime hợp tác phát triển. SenseTime sẽ cung cấp chuyên môn kỹ thuật và hỗ trợ kỹ thuật cho G3 Global Berhad, cũng như phát triển tài liệu giáo dục cho các trường học trong nước.
Các nhà phát triển tin rằng AI sẽ thúc đẩy các tài năng AI tại địa phương và phát triển hệ sinh thái AI thương mại ở Malaysia. Tuy nhiên sau tất cả, Malaysia cần phải vượt qua nhiều thách thức khác nhau để tiến tới sự phát triển của AI.
Chính phủ Malaysia đã luôn quan tâm đến những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc trong các lĩnh vực như AI, dữ liệu lớn, robot và được kỳ vọng sẽ tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực này./.