Lỗ hổng bảo mật thông tin cá nhân

31/08/2021, 10:39

Alo!

- Chào chị, chị là mẹ bé Đ.T phải không ạ?

- Vâng, có việc gì thế?

- Em gọi cho chị từ trung tâm Anh ngữ... năm nay bé nhà chị 4 tuổi, độ tuổi tốt nhất để bổ sung ngôn ngữ…

Không chờ người bên kia đầu dây nói hết, tôi ngắt:

- Em lấy số điện thoại của chị từ đâu? Tại sao biết đầy đủ danh tính mẹ con chị?

- Dạ, em cũng không biết nguồn từ đâu, em được giao liên hệ tư vấn thôi ạ!

- Được, chị hiểu em chỉ là nhân viên, nhắn với sếp em là: Các em và người cung cấp thông tin cho các em đang vi phạm pháp luật nhé.

Nghe vậy, bạn nhân viên vội xin lỗi và cúp máy.

Đây là cuộc điện thoại tôi nhận được trong tuần qua. Càng gần năm học mới và trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các hoạt động trong nhà trường được tiến hành theo hình thức trực tuyến thì đây cũng là giai đoạn cao điểm các cơ sở giáo dục, đào tạo ngoài nhà trường tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm thu hút nhiều người tham gia. Đó mới chỉ là mảng giáo dục, những lĩnh vực dịch vụ khác cũng “sôi nổi” không kém mà tôi tin rất nhiều người gặp phải, từ các trung tâm ngoại ngữ, dịch vụ bất động sản, cho số chơi xổ số, đến bán sách, thậm chí bán cả mũi khoan...

Chia sẻ điều này với bạn bè, tôi được biết họ cũng trong tình trạng tương tự, với nhiều cách giải quyết khác nhau: Có người lúc không bận thì kệ cho tư vấn tỉ tê kiểu “cho chúng nó tốn tiền điện thoại”; người thì chặn cuộc gọi từ số không có trong danh bạ; người thì nghe thấy dịch vụ là tắt máy...

Chị bạn tôi bức xúc: Có hôm đang chạy xe máy trên đường nắng như đổ lửa, thấy có cuộc gọi đến vội tấp vào lề đường, gặp ngay một em tư vấn mời thi thử Ielts cho con.

Lại có anh bạn kể, đang bận trèo trên thang sửa bóng điện thì điện thoại đổ chuông “như đòi nợ”, nghe máy thì được thông báo: “Bạn có một biên bản vi phạm giao thông chưa xử lý, liên hệ ngay số điện thoại...” bực cả mình!

Đấy mới là tên, tuổi, số điện thoại, gần đây còn có hiện tượng lộ số tài khoản ngân hàng. Con trai tôi chuẩn bị đi học xa nhà, vừa mở tài khoản hôm trước, hôm sau đã nhận được điện thoại “cần vay vốn không?” với đủ thứ tư vấn về thủ tục, lãi suất...

Trước đó không lâu, đã có vụ việc: Một cá nhân nhận được 3 lần điện thoại hỏi về nhu cầu vay vốn, mặc dù đã dứt khoát trả lời “Tôi không vay” nhưng tài khoản của người này vẫn được đổ vào 9 trăm nghìn đồng với nội dung “Đã giải ngân”. Chủ tài khoản rất lo: Một là anh không biết có ai đã chuyển nhầm tiền hay không, hai là anh không có nhu cầu vay mà họ cứ chuyển là nhằm mục đích gì? Vì thế, anh vội làm đơn trình báo và rút số tiền đó ra, nộp cho công an xã.

Còn rất nhiều trường hợp đã được cảnh báo: Tài khoản có tiền chuyển vào, ngay sau đó nhận được điện thoại  báo vừa chuyển nhầm và xin lại, rồi thúc ép chuyển lại gấp. Nếu không tỉnh táo, chuyển lại tiền theo số tài khoản được cho thì chỉ vài ngày sau, người thực sự đã chuyển tiền mới lộ diện, đòi tiền bạn một lần nữa, hoặc để thêm một thời gian, vừa đòi tiền, vừa tính lãi suất “cắt cổ”, họ sẽ bày ra đủ chứng cứ đã chuyển tiền cho bạn và bạn nghiễm nhiên trở thành con nợ.

Điều 38 của Bộ luật Dân sự quy định “Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ” và “Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật”. Đối với cá nhân, tổ chức có hành vi phát tán thông tin cá nhân bất hợp pháp, hành lang pháp lý để xử lý hành vi này cơ bản đã được quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các luật chuyên ngành như các luật: Viễn thông, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử. Tuy nhiên, các quy định này còn rời rạc, chưa đầy đủ, chưa đủ rõ ràng để có thể áp dụng vào một số trường hợp trong thực tế. Trong khi đó, hằng ngày chúng ta vẫn sử dụng các giao dịch trực tuyến, thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, đơn giản hơn là việc đăng ký học hành cho con cháu... Khi sử dụng các dịch vụ này, người sử dụng sẽ phải kê khai các thông tin cá nhân như họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân. Những thông tin này gắn với việc xác định rõ ràng danh tính, nhân thân của một người cụ thể, nhằm phân biệt người này với người khác. Ngày càng có nhiều thông tin cá nhân của người sử dụng được lưu trữ trên mạng. Nếu những thông tin này không được bảo vệ, kẻ xấu có thể thu thập, khai thác trái phép. Cũng có trường hợp đối tác của chính chúng ta vì lợi ích riêng đã cung cấp thông tin của chúng ta cho bên thứ 3… Nhẹ thì chỉ bị điện thoại lạ gọi đến quảng cáo, rao vặt… quấy nhiễu, làm phiền; nặng hơn thì thiệt hại tiền của, danh dự cá nhân và còn nhiều chuyện không lường hết được.

Truy tìm nguồn lộ thông tin cá nhân không hề khó khăn, quan trọng là cơ quan chức năng vào cuộc đến đâu. Cũng phải nhấn mạnh, những “lỗ hổng” trong việc bảo mật thông tin cá nhân ngày càng to có lỗi của chính chúng ta vì đã xuê xoa, coi đó là chuyện nhỏ mà bỏ qua. Mọi người cần đồng lòng lên án, cương quyết tố cáo những hành vi làm lộ thông tin của chính chúng ta.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO