Làn sóng tấn công F0 trên mạng xã hội ở Trung Quốc

08/10/2021, 12:21

Bệnh nhân Covid-19 ở xứ tỷ dân tiếp tục trở thành tâm điểm bị bạo lực, chỉ trích trên Internet trong những đợt bùng phát dịch gần đây.

Tại Trung Quốc, nơi vẫn đang áp dụng các phương pháp phòng chống Covid-19 quyết liệt, việc bị lây nhiễm virus có thể gây tổn thương không chỉ thể xác, mà còn cả tinh thần.

Một người đàn ông họ Lin (38 tuổi) cùng gia đình, những F0 đầu tiên trong đợt bùng phát dịch gần đây ở phía đông nam Trung Quốc, bị công chúng tấn công trực tuyến, theo SCMP.

Sau khi danh tính bị tiết lộ, anh phải cầu xin cộng đồng mạng tha thứ.

lan song tan cong F0 anh 1
Người dân Trung Quốc xếp hàng xét nghiệm trong đợt bùng phát dịch gần đây. Ảnh: AFP.

“Cả gia đình tôi bị bắt nạt trực tuyến. Chúng tôi chịu sự chỉ trích và chửi bới từ nhiều người. Điều này gây ra sự kinh hoàng và những tổn hại tinh thần không thể nguôi ngoai. Chúng tôi không thể sống như những người bình thường nữa”, Lin viết trên Weibo vào ngày 17/9, một tuần sau khi anh và con trai xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Lin chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân Covid-19 ở Trung Quốc trở thành nạn nhân bị bắt nạt trực tuyến sau khi thông tin cá nhân của họ bị rò rỉ trong cuộc truy vết dịch tễ học của chính phủ.

Làn sóng tấn công F0

Lin bị nghi ngờ là “bệnh nhân số 0” của đợt bùng phát dịch mới nhất ở tỉnh Phúc Kiến vào tháng 9. Trước đó, anh trở về từ chuyến công tác ở Singapore hồi tháng 8.

Cộng đồng mạng cho rằng đáng lẽ Lin không nên trở lại Trung Quốc. Họ cũng tuyên bố anh chưa cách ly nghiêm ngặt sau khi trở về, dẫn đến đợt xét nghiệm và phong tỏa quy mô lớn trong tỉnh.

Nhưng trên thực tế, Lin đã trải qua 21 ngày cách ly tập trung, bao gồm 9 lần xét nghiệm axit nucleic và 3 lần xét nghiệm kháng thể.

“Vì anh, tất cả người dân ở Phúc Kiến đều phải làm xét nghiệm axit nucleic mỗi ngày. Chúng tôi không thể đi làm, đi học hay thậm chí ăn bữa tối ngon miệng. Nếu không phải anh, chúng tôi nên đổ lỗi cho ai?”, một tài khoản đăng bài chỉ trích Lin.

Mặc dù mỗi chính quyền địa phương có sự khác nhau về mức độ công khai chi tiết ca bệnh, các yếu tố như giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp và những địa điểm họ ghé thăm trong 2 tuần qua sẽ được công bố.

Với những trường hợp như Lin, lý do các thông tin như số điện thoại hay địa chỉ bị công khai là do nhân viên chính quyền tự động chia sẻ trên Internet, hoặc người dùng mạng đánh cắp thông tin của Lin.

lan song tan cong F0 anh 2
Các thành phố miền nam Trung Quốc đóng cửa trường học và ra lệnh xét nghiệm hàng triệu người nhằm kiềm chế đợt bùng phát Covid-19 mới vào tháng 9. Ảnh: CNS/AFP.

Một trong những F0 đầu tiên của đợt bùng phát dịch đang diễn ra ở thành phố Cáp Nhĩ Tân (tỉnh Hắc Long Giang) cũng bị tấn công gay gắt.

Theo chính quyền địa phương, người này vừa trở về từ Philippines và chơi trò nhập vai giải mã bí ẩn giết người cùng một ca bệnh khác.

Tháng 8, một bệnh nhân là giáo sư Học viện Mỹ thuật Trung ương đến từ Bắc Kinh bị đánh cắp thông tin cá nhân và gán vào tin đồn thất thiệt. Trên mạng xã hội, vị giáo sư được cho là đã ngoại tình trong chuyến công tác khiến ông bị nhiễm virus.

Văn hóa mạng suy đồi

Đằng sau sự bắt nạt trực tuyến tràn lan đối với những F0 này là sự thiếu ý thức của công chúng đối với luật pháp và làn sóng thù địch ngày càng gia tăng trong cộng đồng mạng Trung Quốc, theo Giáo sư Zhu Wei, chuyên gia về quản trị Internet tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc.

“Một số người xấu tính thật khi đưa ra những bình luận sai lầm và gây hại. Nhưng theo tôi, hầu hết người dùng mạng đang lầm tưởng rằng phát tán thông tin cá nhân hoặc nói lời ác ý là tốt đẹp. Họ nghĩ rằng điều này sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh, hoặc chỉ đơn giản muốn khoe khoang có quyền truy cập vào hệ thống dữ liệu truy vết”, ông nói.

Các luật hiện hành ở Trung Quốc có một loạt hình phạt dân sự và hình sự đối với hành vi vi phạm quyền riêng tư. Những người bị kết tội tiết lộ thông tin cá nhân, chẳng hạn địa chỉ hoặc hồ sơ tín dụng của ai đó, có thể bị xử phạt tiền hoặc ngồi tù đến 3 năm.

Luật nhằm bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu của người dùng mạng cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 11 này.

Luật Bảo vệ thông tin cá nhân quy định rằng việc xử lý thông tin cá nhân phải có mục đích rõ ràng, hợp lý, và sẽ được giới hạn trong “phạm vi tối thiểu cần thiết để đạt được mục tiêu xử lý” thông tin.

Nhưng cho đến nay, rất ít người thực sự bị phạt vì xâm phạm quyền riêng tư của bệnh nhân Covid-19 hoặc lạm dụng họ bằng lời nói.

“Thực tế cho thấy chúng ta không trừng phạt bất kỳ ai vì có quá nhiều người đang bạo lực mạng. Điều này thật sai trái. Ai cũng cần phải chịu trách nhiệm khi xâm phạm quyền của người khác”, giáo sư Zhu nói.

“Cộng đồng mạng cũng trở nên thù địch hơn, chủ yếu bị ảnh hưởng từ văn hóa người hâm mộ bị biến chất trong những năm gần đây, khi mà các nhóm fan của thần tượng khác nhau tấn công đối phương bằng những từ ngữ cực đoan”, ông cho biết.

lan song tan cong F0 anh 3
Nhiều người Trung Quốc tin rằng việc phát tán thông tin cá nhân của F0 và tấn công họ là điều giúp ích cho cuộc kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: UNICEF.

Huang Jing, một nhà trị liệu tâm lý ở Thượng Hải, cho biết làn sóng bạo lực mạng đối với bệnh nhân Covid-19 có thể gây ra các vấn đề tâm lý đáng kể.

“Hai hậu quả dễ xảy ra nhất là chứng trầm cảm và lo âu. Trong khả năng tồi tệ nhất, một số bệnh nhân có thể tự vẫn do thấy mình bị xã hội tẩy chay”, bà chia sẻ.

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tỷ lệ mắc chứng lo âu và trầm cảm đã tăng lên trong cộng đồng kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch.

Từ tháng 3/2020, số người mắc chứng lo âu và trầm cảm đã tăng gấp đôi ở một số quốc gia, bao gồm Mỹ và Anh.

Bà Huang cho biết tình trạng bạo lực Internet ở Trung Quốc chỉ được giảm tải nếu người dùng mạng được giáo dục tốt hơn.

“Khi có khả năng hiểu biết và nhận thức cao hơn, người đó có thể kiểm soát cảm xúc tốt hơn”, bà nói.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO