Chiêu trò lừa đảo bủa vây người dùng
Một trong những thủ đoạn táo tợn nhất những kẻ lừa đảo sử dụng để chiếm đoạt tiền của người dùng là giả mạo quyết định của cơ quan công an khiến người dùng hoảng sợ và từ đó yêu cầu cung cấp số tài khoản, mật khẩu và mã OTP. Khi lấy được những thông tin này, kẻ lừa đảo sẽ chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của nạn nhân đi nơi khác để chiếm đoạt.
Chỉ trong quý 1/2022, Công an tỉnh Nghệ An đã khám phá, bắt giữ 11 vụ, 17 đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, thu giữ số tiền hàng chục tỷ đồng. Trong đó Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện, bắt giữ 6 vụ, 12 đối tượng.
Giao dịch số là xu hướng và sẽ ngày càng phổ biến hơn trong tương lai. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Bên cạnh việc đe dọa, gây áp lực với người dùng, một chiêu thức khác của tội phạm lại là dẫn dụ lòng tham bằng những món lợi trên trời rơi xuống.
Thủ tục vay nhanh gọn, không cần thế chấp, chỉ cần mất 10% tiền phí, có thể vay lên đến 1 tỷ đồng…, tin vào lời mời gọi của người tự xưng là nhân viên một ngân hàng tại Hà Nội, một người phụ nữ đã mất 5 triệu đồng để được vay 50 triệu đồng.
"Sau khi nhận xong tiền phí thì đối tượng đã cắt liên lạc, gọi điện không nghe máy, nhắn tin không trả lời", chị Trần Thị Mai, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, chia sẻ.
Tương tự, một người phụ nữ cũng đã mất 25 triệu đồng tiền phí cho đối tượng tự xưng nhân viên ngân hàng, để được vay gói ưu đãi không lãi suất 500 triệu đồng.
"Tôi thấy gói vay này là phù hợp với nhu cầu của tôi, thủ tục đơn giản, phí rẻ, không mất lãi suất nên tôi mới đồng ý vay", chị Nguyễn Tuyết Nhung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, cho hay.
Lần theo chứng cứ, các trinh sát Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã triệt phá đường dây lừa đảo do đối tượng Lê Tú Quang, sinh năm 1992, trú tại huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội cầm đầu.
Theo tài liệu điều tra, đối tượng đã sử dụng các sim rác, mượn người quen để mở các tài khoản ngân hàng, làm các loại giấy tờ giả, mạo danh là cán bộ ngân hàng, lập các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo, app vay tiền online… để tiếp cận người cần vay.
Để tạo lòng tin, đối tượng thường hướng nạn nhân vào các website giả mạo ngân hàng, ghép ảnh nhận các phần thưởng như giấy khen, bằng khen và các thành tích tại ngân hàng.
Theo đại diện Cục Cảnh sát hình sự, từ đầu năm đến nay Bộ Công an tiếp nhận trên 2.000 vụ lừa đảo qua không gian mạng. Trong đó các vụ án mạo danh ngành ngân hàng chiếm khoảng 30%. Đáng chú ý là hình thức gọi điện, mạo danh website ngân hàng, gửi đường link chứa mã độc để đánh cắp mã OTP và chiếm đoạt tài sản. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các nạn nhân bị lộ lọt thông tin cá nhân, nên các đối tượng đã khai thác những điểm yếu để dàn dựng các kịch bản chiếm đoạt.
Ngày càng nhiều hình thức lừa đảo tinh vi và phức tạp khiến người dùng không thể lường được. Nhiều người dùng cảm thấy lo lắng khi số tiền lớn trong tài khoản của mình có thể không cánh mà bay.
Mới đây, Viettel Security công bố thống kê quý 1/2022 cho thấy mỗi tuần có tới 100GB dữ liệu của người dùng lộ lọt trên không gian mạng. Số lượng lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng lên tới 54%.
Cả nhà băng và người dùng phải cùng bảo vệ tài khoản của mình
Giao dịch số là xu hướng và sẽ ngày càng phổ biến hơn trong tương lai. Để đảm bảo an toàn cho mỗi giao dịch trong đó có trách nhiệm của mỗi người dùng và đơn vị cung cấp dịch vụ.
Số người sở hữu tài khoản ngân hàng, sẵn sàng tham gia các dịch vụ trực tuyến đang tăng trưởng ấn tượng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Ứng dụng eKYC sử dụng công nghệ sinh trắc học, giảm thiểu gian lận, đó là cách một số ngân hàng xác thực người dùng khi họ mở tài khoản hoặc thực hiện một giao dịch nào đó. Với việc Bộ Công an triển khai căn cước mới gắn chip cho toàn dân, độ tin cậy của phương thức này đã gia tăng đáng kể.
Một số ngân hàng khác lại triển khai hệ thống công nghệ tích hợp trí tuệ nhân tạo để phát hiện các giao dịch bất thường trước khi đưa ra cảnh báo.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, khi hacker ngày càng có nhiều thủ đoạn mới, để bảo vệ tốt nhất cho tài khoản, người dùng - mắt xích đầu tiên của hệ thống, sẽ phải tỉnh táo cũng như có khả năng tự bảo vệ mình tốt hơn.
Đâu là những hình thức mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản phổ biến nhất hiện nay? Các ngân hàng cần làm gì để bảo vệ khách hàng?
Những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong phần Tiêu điểm của chương trình Dòng chảy Tài chính (7/5) với sự tham gia của ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Công ty cổ phần an toàn thông tin Cyradar. Mời quý vị theo dõi video trên!